Phóng to |
Bác sĩ Phan Hồng Hải |
Tuổi Trẻ đã trao đổi với bác sĩ Phan Hồng Hải - trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu - xung quanh vấn đề này. Bác sĩ Hải cho biết:
Bệnh LTQĐTD là bệnh mắc phải do quan hệ tình dục với người có bệnh. Đây là loại bệnh tiềm ẩn vì phần lớn bệnh diễn tiến thầm lặng nhưng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, như nhiễm HIV đưa đến AIDS gây tử vong.
Hiện có trên 20 loại bệnh LTQĐTD. Ở VN thường gặp một số bệnh sau: lậu và Chlamydia: rất thường gặp, gây tiểu ra mủ, tiểu rát buốt ở nam và huyết trắng ở nữ. Tuy nhiên, ở phụ nữ bệnh thường âm thầm khó biết. Giang mai: gây lở loét ở bộ phận sinh dục nhưng vết loét không đau. Một thời gian sau vi khuẩn sẽ xâm nhập vào máu rồi làm tổn thương các cơ quan nội tạng như thần kinh, tim mạch, xương khớp... Hạ cam mềm: là bệnh gây vết loét ở bộ phận sinh dục và rất đau. Mồng gà: do virus gây ra, triệu chứng bệnh là nổi lên u nhú sần sùi ở bộ phận sinh dục. U nhú này có các gai sùi giống như mồng của con gà. Viêm gan siêu vi B và nhiễm HIV: cũng do virus gây ra. Virus sinh sản trong máu, xuất hiện trong chất nhờn của bộ phận sinh dục nữ và trong tinh dịch của nam. Nên hai bệnh này lây chủ yếu qua đường tình dục và đường kim chích hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu người có bệnh. Ngoài ra, chúng có thể lây từ mẹ sang con lúc sinh đẻ. * Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh LTQĐTD là gì? Có đến hơn 16 nhóm triệu chứng, nhưng thường gặp là các triệu chứng: ở phụ nữ là huyết trắng hay khí hư, đau bụng vùng dưới rốn; ở nam giới là mủ hoặc chất dịch đục chảy ra ở lỗ tiểu và thường kèm theo tiểu rát buốt. Các vết lở loét, các mụn nước nổi lên ở bộ phận sinh dục, có thể đau hoặc không đau. Sưng tấy và đau ở bộ phận sinh dục, đau ở bìu. Nổi u hay cục sần sùi ở bộ phận sinh dục. |
Bệnh LTQĐTD và nhiễm HIV dễ lây lan vì nhiều người ngại nói đến chúng một cách công khai và ít quan tâm tìm hiểu, cho nên ít hiểu biết về bệnh cũng như cách phòng ngừa đúng đắn.
Phần lớn người mắc các bệnh này đều khỏe mạnh bình thường, có thể không biết mình mắc bệnh khi nào, với ai, do đó không lưu ý để khám bệnh và phòng ngừa cho người khác. Chưa kể nhiều bệnh chỉ có thể phát hiện bằng cách thử máu, như giang mai, nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B.
* Bệnh có thể chữa khỏi và phòng ngừa không?
- Không phải bệnh LTQĐTD nào cũng có thể chữa trị được. Đối với các bệnh do virus gây ra như mồng gà, nhiễm HIV, herpes (mụn dộp), viêm gan siêu vi B hiện nay chưa có thuốc điều trị thật hiệu quả.
Đối với các bệnh có thể chữa khỏi hẳn như giang mai, lậu, hạ cam mềm... thì cần phải chữa trị cho người đã lây cho mình và người đã bị mình lây để tránh mắc bệnh trở lại. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm và đúng vẫn có thể bị biến chứng.
Cách phòng ngừa tốt nhất là không quan hệ tình dục với người mà bạn chưa biết chắc rằng họ không bị mắc các bệnh LTQĐTD, và chỉ quan hệ tình dục với người hôn phối mà mình biết rõ không mắc bệnh. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục là cách tốt nhất bảo vệ bạn tránh được bệnh LTQĐTD.
* Vừa qua Bệnh viện Da liễu TP.HCM có thực hiện nghiên cứu thăm dò trong học sinh lớp 11 ở một trường trung học của TP.HCM về bệnh LTQĐTD. Bác sĩ có thể cho biết kết quả thăm dò?
- Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là tất cả học sinh khối lớp 11 (843 em) của Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM. Hầu hết (97%) các em đều có nghe nói đến bệnh LTQĐTD, nhiễm HIV.
Nguồn thông tin nhận được chủ yếu từ phương tiện truyền thông đại chúng. Tỉ lệ bình quân học sinh biết đúng về đường lây của bệnh LTQĐTD và nhiễm HIV là 96%; biết cách phòng bệnh bằng bao cao su có 83% cho bệnh LTQĐTD và 95,2% cho phòng ngừa HIV.
Đáng chú ý là chỉ có 1% các em biết đến các bệnh như hạ cam mềm, mồng gà, herpes, viêm gan siêu vi B có LTQĐTD. Vẫn còn 30% các em chưa biết tên một vài bệnh LTQĐTD thông thường như bệnh giang mai, lậu...
* Theo bác sĩ, học sinh trung học có nhu cầu học hỏi về các bệnh LTQĐTD không?
- 83,6% ý kiến khảo sát có mong muốn được hiểu biết rõ hơn về bệnh LTQĐTD. Về phương pháp học, thông tin về bệnh LTQĐTD có 63% các em thích được giảng dạy trực tiếp hơn là học gián tiếp qua phương tiện truyền thông.
Cụ thể hơn, có 67,8% các em muốn được nhân viên y tế truyền đạt thông tin, kế đó là học với thầy cô 25,9% và chỉ có 4,4% học sinh muốn học với bạn cùng trang lứa. Ngoài ra, còn có 48,5% em cho rằng ở độ tuổi 15-19 thanh niên trong cộng đồng đã bắt đầu có quan hệ tình dục. Tỉ lệ này cho thấy nếu không được quan tâm giáo dục phòng ngừa, các em rất dễ có nguy cơ mắc bệnh LTQĐTD.
* Bác sĩ có thể cho biết việc tuyên truyền phòng ngừa bệnh LTQĐTD hiện nay cho giới trẻ, học sinh trung học đã được quan tâm chưa? Việc tuyên truyền có gặp khó khăn gì không?
- Giới trẻ lại là những người ít có kinh nghiệm trong chuyện này nhưng lại có nhiều nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là đối tượng học sinh trung học. Trong phòng ngừa bệnh LTQĐTD thì biện pháp hàng đầu vẫn là giáo dục sức khỏe.
Vì vậy, các thông tin về bệnh LTQĐTD cần được hỗ trợ để tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, cần triển khai giáo dục rộng rãi cho học sinh trung học. Đặc biệt, các em học sinh, người tuổi vị thành niên rất cần được cung cấp kiến thức về lĩnh vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận