
"Ốc đảo" trên sông Hồng ở Hà Nội bị "xẻ thịt"
Chiều 6-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) cho biết đã vào cuộc xác minh, thiết lập hồ sơ xử lý những trường hợp vi phạm ở khu bãi bồi trên sông Hồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ. khu vực bãi bồi này là một dải đất nằm dưới cầu Nhật Tân còn hoang sơ do biệt lập với đất liền, giáp ranh giữa quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, cách hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) khoảng 11km.
Muốn ra khu vực này phải dùng thuyền, xuồng máy, nhưng thời gian gần đây máy múc, cọc bê tông, tôn, sắt thép đã đổ bộ lên "ốc đảo". Ghi nhận của phóng viên cho thấy nhiều vị trí đã bị đào bới nham nhở tạo thành một hồ nước lớn, đóng cả cọc bê tông, gần 10 nhà tôn đã được lắp ghép trên khu vực này.
"Ốc đảo" trên sông Hồng ở Hà Nội bị "xẻ thịt" - Clip: QUANG THẾ - DANH KHANG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về những vi phạm đất đai ở khu bãi bồi thời gian gần đây, ông Trần Trịnh Hoàng Long, phó chủ tịch UBND phường Phú Thượng, cho biết "ốc đảo" nằm ở khu vực giáp ranh giữa quận Tây Hồ và huyện Đông Anh.
Năm 2023 UBND phường Phú Thượng đã chủ động phối hợp với một số xã của huyện Đông Anh như Hải Bối, Vĩnh Ngọc để kiểm tra nhưng không tìm thấy mốc giới.
"Từ khi ban hành bản đồ địa giới hành chính 364 đến nay bãi bồi cũng đã có thay đổi, do bên lở bên bồi. Đối với những công trình nằm ở giữa bãi bồi chúng tôi sẽ phối hợp liên ngành với xã Vĩnh Ngọc để tổ chức xử lý, còn khu vực thuộc địa bàn Phú Thượng quản lý đã được thiết lập hồ sơ", ông Long cho hay.
Theo ông Long, khu đất bãi bồi trước đây được một hợp tác xã quản lý, giao cho xã viên trồng rau, ngô, chuối.
Đến nay theo ông xác định có khoảng 4-5 công trình vi phạm trên đất thuộc địa phận phường Phú Thượng. UBND phường Phú Thượng đã dán thông báo để xử lý nghiêm các cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Một máy múc vẫn còn ở khu bãi bồi dưới chân cầu Nhật Tân
"Chúng tôi cũng không hiểu sao họ có thể di chuyển cả máy múc ra bãi bồi vì đi qua sông Hồng ở đoạn này rất khó khăn", ông Long nói.
Còn ông Hoàng Văn Thùy, chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho biết: "Bãi bồi ở dưới chân cầu Nhật Tân thuộc địa phận của xã chỉ có hai cái ao (rộng khoảng vài trăm mét), hoạt động xây dựng không còn ở đó nữa. Chúng tôi đã thuê thuyền ra tận nơi dán thông báo, lập biên bản, cắt điện lưới".
Theo ông Thùy, do nằm biệt lập nên phương án thu hồi cọc bê tông, san gạt lại khu vực đã múc thành hồ rất khó, mà phải để nguyên trạng.
"Những "ông chủ" vi phạm không phải người địa phương, mà ở trung tâm Hà Nội. UBND xã ra lập biên bản thì chủ tài sản trốn hết không xuất hiện, mà chỉ có công nhân, người lái máy múc", ông Thùy nói.
Hình ảnh "ốc đảo" ở sông Hồng bị "xẻ thịt":

Hồ đã múc có diện tích rộng hàng trăm mét vuông

Một hồ nước khác cũng đã được múc từ lâu

Nhà tôn thiết kế 2 tầng vừa được xây dựng

Những dãy nhà tôn được trang bị cả điện mặt trời

Một cụm công trình nhà tôn dưới nước ở bãi bồi sông Hồng

Một nửa "ốc đảo" ở giữa sông Hồng nhìn từ trên cao
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận