Theo chuyên gia môi trường, "mùa" ô nhiễm không khí bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán do phương tiện giao thông đột biến, trời ít mưa và gió lặng, công trình xây dựng nhiều… sẽ gia tăng ô nhiễm không khí.
Ám ảnh "mùa" ô nhiễm không khí
Là một trong những người vừa phải nhập viện do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ông Hoàng Văn Sản (69 tuổi, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết trước khi vào bệnh viện ông bị ho, sốt, khó thở.
"Thời gian vừa qua hàng xóm sửa nhà đã làm phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường không khí…", ông Sản nói.
Nằm cùng phòng điều trị bệnh ở Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai với ông Sản là ông Nguyễn Hoài Thanh (62 tuổi, quê Nam Định). Ông Thanh công tác lâu năm trong ngành giáo dục, mới về hưu được hơn 4 tháng thì bị ho kéo dài nên phải đến bệnh viện thăm khám.
"Ban đầu tôi khám ở bệnh viện gần nhà bác sĩ nói bị viêm phổi và có ổ dịch trong phổi. Sau mấy ngày điều trị tại Nam Định thì xin chuyển tuyến lên Hà Nội", ông Thanh cho hay.
Chưa từng mắc bệnh lý về phổi nhưng một tuần trở lại đây, bà H. (56 tuổi, ở Hà Nội) xuất hiện triệu chứng khó thở, tức ngực. Lo lắng, bà H. đến Bệnh viện Phổi trung ương kiểm tra và được chẩn đoán mắc viêm phổi.
Bà H. chia sẻ bà sống gần đường quốc lộ, nhiều xe cộ đi qua nên rất bụi. "Trước đây vào những thời điểm thời tiết khô hanh tôi thường xuất hiện ho, khó chịu nhưng không quan tâm. Gần đây mới thấy tức ngực nên đến bệnh viện kiểm tra, không nghĩ rằng mình lại mắc viêm phổi", bà H. nói.
Còn chị Huyền (38 tuổi, ở Hà Nội) luôn ám ảnh mỗi khi thời tiết vào "mùa" ô nhiễm không khí bởi chị có con trai 7 tuổi mắc bệnh hen suyễn bẩm sinh.
Đủ loại bệnh lý do ô nhiễm không khí gây nên
Tại Bệnh viện Phổi trung ương, trong những đợt không khí ô nhiễm, lượng bệnh nhân đến thăm khám tăng khoảng 20%. Tương tự, ở Bệnh viện Bạch Mai số bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú cũng tăng.
Lý giải về việc người bệnh đường hô hấp tăng trong những đợt ô nhiễm không khí, bác sĩ Bùi Thu Hương (khoa khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Phổi trung ương) cho hay hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên khi không khí bị ô nhiễm.
"Những chất có hại trong môi trường không khí thông qua đường hô hấp sẽ gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hô hấp làm suy giảm đề kháng. Đặc biệt trong mùa lạnh, kèm theo nhiệt độ xuống thấp khiến cơ thể không thích nghi gây ra phản ứng.
Ban đầu có thể là những cơn ho nhưng sau đó có thể dẫn đến nguy cơ nặng hơn. Đặc biệt đối với những người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn sẽ dễ chuyển nặng, gây ra những đợt hen cấp", bác sĩ Hương cho biết.
Theo bác sĩ Bùi Như Khoát (Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai) thì khói, bụi trong không khí cao là một nguyên nhân gây ra đợt cấp của các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Phan Thu Phương, giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai - cho biết thời điểm ô nhiễm không khí, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám với các triệu chứng bệnh lý về đường hô hấp.
"Bên cạnh gây ra những đợt cấp của bệnh lý hô hấp, khi xâm nhập vào máu có thể gây ảnh hưởng đến các bệnh lý thần kinh, gây nên những bệnh lý tim mạch, bệnh ngoài da và ảnh hưởng đến mắt...
Ô nhiễm không khí đang âm thầm gây ra các bệnh lý không phải ngày một ngày hai dễ nhìn thấy mà sẽ gây hệ lụy cho sức khỏe con người về lâu dài", bà Phương nói.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề cấp bách
Phát biểu tại hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch thủ đô Hà Nội (ngày 14-1), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ô nhiễm không khí tại Hà Nội là một trong những vấn đề cấp bách.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cùng các địa phương xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết...
Thủ tướng yêu cầu báo cáo Chính phủ về cơ chế, nguồn lực, hoàn thành trong quý 1-2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận