
Nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thông tin cảnh báo trên được thạc sĩ Lê Năng Hùng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM) đưa ra tại hội nghị giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành nông nghiệp và chăn nuôi tại Việt Nam 2025 (Agri - AgroChemEx - Livestock Vietnam 2025) ngày 28-5 tại TP.HCM.
Ngành nông nghiệp cần cải cách cấp tốc
Theo ông Hùng, biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Ông dẫn chứng nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng từ 1,5 - 1,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - một mức tăng khiến giới khoa học toàn cầu lo ngại về nguy cơ vượt ngưỡng kiểm soát.
Trong bức tranh khí hậu nhiều gam màu xám ấy, nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Hùng cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và mưa bão bất thường không chỉ xuất hiện ngày càng dày mà còn khốc liệt hơn trước. Tác động kéo theo là đất đai bạc màu, nứt nẻ, giảm sút nghiêm trọng khả năng canh tác; đồng thời làm bùng phát các loại sâu bệnh và vi khuẩn gây hại trên cả cây trồng lẫn vật nuôi.
Từ thực tế đó, ông khẳng định nông nghiệp xanh không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những nghịch lý vô trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
"Không thể tồn tại kiểu canh tác mà người nông dân trồng riêng rau sạch cho gia đình, còn phần đem bán thì lại phun thuốc trừ sâu tràn lan.
Cũng không thể chấp nhận việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, đánh bắt cả cá lớn lẫn cá bé, con cháu mai sau còn đâu tài nguyên?", ông Hùng nhấn mạnh.
Công nghệ sinh học là giải pháp trọng tâm
Theo ông Hùng, để nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học.
"Đây là giải pháp đột phá giúp tháo gỡ nhiều thách thức của ngành, như việc lai tạo thành công giống lúa chịu mặn - đáp án cấp thiết cho bài toán xâm nhập mặn đang ngày càng nghiêm trọng", ông Hùng chia sẻ.

Ông Hồ Mộng Hải - Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam - chia sẻ về phát triển ngành chăn nuôi bền vững tại sự kiện - Ảnh: NHẬT XUÂN
Không chỉ trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng cần chuyển đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn và thân thiện môi trường.
Ông Hồ Mộng Hải (Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam) cho rằng việc kế thừa và áp dụng các thành tựu khoa học trong nước và quốc tế sẽ giúp ngành tạo ra sản phẩm đáp ứng xu hướng tiêu dùng "xanh" và bền vững.
Thực tế nhiều mô hình như heo thảo mộc, gà thảo mộc hay trứng an toàn… đang được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị tự nhiên, ít phụ thuộc vào kháng sinh.
"Xu hướng tiêu dùng hiện nay đang nghiêng rõ rệt về các sản phẩm sạch, có nguồn gốc tự nhiên và gắn với giá trị bền vững. Đây là cơ hội lớn để ngành chăn nuôi Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh, vừa phục vụ thị trường trong nước vừa mở rộng xuất khẩu, thậm chí có thể 'xuất khẩu tại chỗ' thông qua tiêu dùng của du khách quốc tế", ông Hải nhận định.
Triển lãm quốc tế nông nghiệp và chăn nuôi thúc đẩy phát triển bền vững
Từ ngày 25 đến 27-6, Triển lãm quốc tế chuyên ngành nông nghiệp và chăn nuôi sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TP.HCM), với sự tham gia dự kiến của khoảng 400 doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...
Sự kiện nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Bên cạnh hoạt động triển lãm, chương trình còn có hội thảo chuyên đề, kết nối giao thương với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận