08/09/2018 15:01 GMT+7

Nối dây cho những cánh diều

PHẠM ĐƯỢC (Đà Nẵng)
PHẠM ĐƯỢC (Đà Nẵng)

TTO - Bài báo đầu tiên của thầy giáo Phạm Được không chỉ thay đổi đời ông, đưa ông đến với công việc viết báo nghiệp dư để giúp các học trò nghèo, mà chính những bài báo chân thật, giàu yêu thương của ông đã giúp thay đổi bao nhiêu số phận học trò.

Nối dây cho những cánh diều - Ảnh 1.

Năm 2002, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, tôi vào Đà Nẵng công tác. Cuộc đời dạy học cứ thế lặng lẽ trôi đi cho đến một ngày tháng 8-2007, Tuổi Trẻ đã thay đổi cuộc đời tôi bằng bài báo "Đàn heo để dành đã bị tai xanh".

Đó là bài báo tôi viết về em Nguyễn Bá Kiên - học sinh lớp 12/8 Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng - đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa (Đà Nẵng) với 29,5 điểm. 

Hoàn cảnh khó khăn, trò Kiên một buổi đến trường một buổi phụ mẹ nấu rượu nuôi heo lấy tiền ăn học. Khổ nỗi đàn heo bị dịch tai xanh, đẩy gia đình vào cảnh khốn khó, nguy cơ không có tiền nhập học. 

Bài viết đã giúp Kiên nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ và sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm. Nhờ đó Kiên có tiền theo đuổi giấc mơ giảng đường để thay đổi số phận.

Tôi không giỏi văn, viết báo không hay, nhưng may mắn là khá nhiều bài báo của tôi nhận được nhiều sự chia sẻ của bạn đọc vì tính chân thật và những cảnh đời xúc động

Mượn máy ảnh để viết báo

Trong năm học, phát hiện học trò nào nghèo khó, có nguy cơ dang dở việc học, tôi tìm đến nhà tìm hiểu rồi viết bài gửi báo với hi vọng nhận được sự chia sẻ của cộng đồng. 

Mỗi lần viết bài, tôi phải đi mượn máy ảnh để chụp hình (giai đoạn trước năm 2011, máy ảnh là món đồ xa xỉ với đồng lương giáo viên của tôi). 

Khi tòa soạn phản hồi bài tốt mà ảnh chưa đạt, tôi lại chạy đi mượn máy ảnh, có khi phải năm lần bảy lượt như thế (vì tôi chụp ảnh quá xấu) nhưng tôi không buồn phiền mà vẫn cố thực hiện, miễn sao có ảnh đạt yêu cầu để bài báo lên trang, cho học trò có thêm cơ hội được chia sẻ.

Tôi không giỏi văn, viết báo không hay, nhưng may mắn là khá nhiều bài báo của tôi nhận được nhiều sự chia sẻ của bạn đọc vì tính chân thật và những cảnh đời xúc động.

Tôi còn nhớ năm 2008, bài "Ngôi nhà mồ côi" đăng trên Tuổi Trẻ viết về ba chị em Phạm Thị Thúy (lúc đó Thúy là chị cả đang học lớp 11, em út học lớp 4) bị mất mẹ sau vụ tai nạn giao thông (cha đã mất vì bệnh từ 10 năm trước). 

Ba chị em Thúy trở thành mồ côi, bơ vơ giữa đời. Bài báo đã nhận được nhiều sự chia sẻ với hàng chục triệu đồng.

Ngoài ra, một mạnh thường quân ở Sài Gòn mỗi tháng gửi 2 triệu đồng trong 3 năm, Công ty truyền hình cáp Sông Thu (Đà Nẵng) mỗi tháng hỗ trợ 1,5 triệu đồng... 

Nhờ sự giúp đỡ đó, ba chị em vượt qua khó khăn, hiện đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định.

Tiếp đó, năm 2010 là bài "Cậu học trò khốn khó của tôi" giới thiệu cho chương trình học bổng "Bạn tôi - người vượt khó", viết về em Hồ Tuấn Hà học giỏi, mồ côi cha, mẹ đau nặng, nguy cơ đứt gánh việc học... cũng nhận được hàng chục triệu đồng. Hiện Hà đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định.

Mùa hè năm 2017, tôi lại có một kỷ niệm ngọt ngào sau bài viết "Chuyện buồn của cậu học trò giỏi tin học" trên báo Tuổi Trẻ. 

Đó là em Phan Ngọc Quý học giỏi, có nguy cơ từ bỏ ước mơ học trường chuyên vì gia cảnh quá nghèo dù đã thi đỗ. 

Chuyện buồn của Quý hóa vui khi em được bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng xe đạp điện, laptop và một số tiền tương đối lớn giúp Quý tiếp tục học hành.

Hạnh phúc khi được đồng nghiệp ghi nhận

Dịp kỷ niệm 20-11-2017, tôi được mời ra Hà Nội dự lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017" do Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức. 

Đây là cuộc thi nhằm tôn vinh và ghi nhận những tấm gương thầy giáo, cô giáo gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người. 

Có 40 tác phẩm xuất sắc được trao giải trong số 7.000 bài dự thi. Tôi là nhân vật trong bài viết đoạt giải của cuộc thi này. Đó là một niềm hạnh phúc, một bất ngờ mà đồng nghiệp dành cho tôi. 

Thì ra những việc tôi âm thầm làm được thầy Lê Văn Phan, đồng nghiệp khác trường, ghi nhận và viết về tôi với tác phẩm "Người thầy nối dây cho những cánh diều".

Với tôi - người làm nghề giáo, sự ghi nhận đó của đồng nghiệp là niềm hạnh phúc, là động lực để tôi tiếp tục "nối dây cho những cánh diều", chắp cánh những ước mơ của học trò, đặc biệt là học trò nghèo. 

Được đồng nghiệp ghi nhận "người thầy nối dây cho những cánh diều" là niềm hạnh phúc. Tôi hiểu rằng tôi chắp cánh cho ước mơ của học trò nghèo được là nhờ Tuổi Trẻ tiếp sức và thắp lửa yêu thương.

Giờ đây, vẫn chỉ là một giáo viên bình thường nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. 

Với tôi, hạnh phúc của nhà giáo không phải tiền tài, địa vị và danh vọng, mà là được trò yêu, đồng nghiệp mến, được chứng kiến sự thành đạt của học trò, vui và hạnh phúc với thành công của học trò.

Vì vậy, tôi xin được luôn nguyện làm "người thầy nối dây cho những cánh diều".

Giới thiệu học trò nghèo, có chí cho báo Tuổi Trẻ

Tôi vô cùng hạnh phúc vì bài báo "Đàn heo để dành đã bị tai xanh" đó. Nó giúp tôi nhận ra rằng viết báo cũng là một cách giúp đỡ học trò nghèo.

Thế là từ đó tôi bắt đầu đồng hành với những số phận nghèo khó. Cứ đến mùa "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ, tôi lại tìm hiểu, giới thiệu những tân sinh viên nghèo để cho các em một cơ hội với giấc mơ học hành.

Từ ngày 31-8 đến 7-9, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Phạm Văn Phúc Tín, Trần Văn Tiến, Kim Minh, Nguyễn Thế Kỷ, Trần Thị Thùy Đoan, Huỳnh Mai Lưu (TP.HCM); Hán Thu Hà (Hà Nội); Phạm Đình Được (Đà Nẵng); Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thanh Toàn, Trần Duy Khánh (Nghệ An); Phạm Thị Tín (Cà Mau), Trần Văn Tường (Tây Ninh).

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi vui lòng gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email [email protected]. Trân trọng.

hd bank

Đồng hành cùng cuộc thi này

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Đi qua tuổi ẩm ương Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Đi qua tuổi ẩm ương

TTO - Trong cái nắng kỷ lục của miền Trung, ba tôi miệt mài khiêng từng khúc gỗ nặng trĩu trên vai. Nhìn vai áo ba ướt đẫm mồ hôi, giây phút ấy tôi đã khóc, không biết vì quá thương ba hay vì giận bản thân.

PHẠM ĐƯỢC (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên