10/10/2003 06:00 GMT+7

Không nên cầu may trong khoa học thủy lợi

PHAN KHÁNH
PHAN KHÁNH

TT - Công trình kiểm soát triều cường cầu Bông - Bình Lợi - Bình Triệu - rạch Lăng dự kiến khởi công tháng 9-2003 gồm xây dựng bốn cống ngăn triều tại cầu Bông, Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng và hai trạm bơm công suất 200.000m3/giờ chống ngập do triều trên diện tích 420ha thuộc quận Bình Thạnh và Gò Vấp với kinh phí 164 tỉ đồng.

Zk3CxbGE.jpgPhóng to

Mô hình cống ngăn triều cầu Bình Triệu

Trong đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là khâu tư vấn xây dựng (thiết kế), bước vào nghề hầu như ai cũng được dạy: “Bảy lần đo mới được cắt”. Trong tư vấn thì điều tra khảo sát bao giờ cũng phải có ý nghĩ: “Mũi khoan sâu bao giờ cũng thông minh hơn sự phán đoán của nhà địa chất”.Chưa ai dám nói dự án này thiết kế sai nhưng chưa an tâm thì có nhiều lý do chính đáng.

Trước hết, qui mô dự án khá lớn, tốn nhiều tiền của, ảnh hưởng di dời nhiều nhà dân trong phố, ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ nửa triệu dân trong 420ha quận Bình Thạnh, mà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt của cả thành phố.

Hai là, thành phố đang triển khai dự án lớn, tiêu nước chống ngập chung cho toàn thành phố, gọi tắt là dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vốn đầu tư 200 triệu USD, điều tra khảo sát khá tỉ mỉ với công nghệ cao. Về địa hình, vừa đo đạc qua ảnh vệ tinh vừa đo mặt đất, kết hợp với điều tra thực địa. Các giải pháp ngăn triều bơm tiêu đã được tính toán khá đầy đủ.

Thành phố cũng đang tổ chức cho các nhà khoa học và các tổ chức phản biện, làm công việc “bảy lần đo” để giúp thành phố “cắt may” cho chính xác. Theo trình tự đầu tư thủy lợi thì đây là “dự án mẹ”, còn dự án kiểm soát triều là “dự án con”. Dự án mẹ phải được thực thi trước. Có thể trong quá trình thiết kế dự án mẹ, vì đại cục người ta đã phài cắt ra một vài “dự án con” để giải quyết riêng. Cũng có khi đến lúc vận hành, dự án mẹ mới phát hiện những tồn tại cục bộ, cần phải có dự án con. Dự án con nếu không được dự kiến trong dự án mẹ, làm vội vã thì rất dễ bị dự án mẹ phủ định, gây lãng phí lớn.

Mặt khác, khi đọc dự án kiểm soát triều này, vấn đề không an tâm chính là tài liệu điều tra khảo sát, đặc biệt là địa hình. Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi 2 là đơn vị trực thuộc bộ, dày dạn kinh nghiệm, có nhiều cán bộ trẻ tài ba, công nghệ tính toán cũng khá hiện đại... Không ai dám nghi ngờ, nhưng dữ liệu đặt lên bàn tính của họ thì chưa đủ độ tin cậy. Cái khó (nghèo) bó cái khôn, có thể chủ đầu tư quá hà tiện.

Cái quyết định trong giải pháp tiêu nước là vấn đề phân chia lưu vực tiêu. Muốn phân chia lưu vực tiêu thì tài liệu điều tra địa hình, địa mạo là cực kỳ quan trọng thì ở đây lại quá sơ sài, thậm chí chưa đủ đường đồng mức cao độ.

Trong giải pháp tiêu nước, ngành thủy lợi cũng đã trả giá đắt vì xu thế trạm bơm lớn tập trung (ở vùng Hà Nam - Nam Định) người ta gọi là “tiêu ảo”, “bơm chính trị” để dân yên lòng, nhưng lúa khoai vẫn chết chìm vì nước không chảy về kịp để bơm, máy bơm vẫn phải nằm đợi. Ở đồng ruộng, vật cản không đáng kể; còn ở thành phố phát triển bùng nổ, không quản lý được như mấy năm gần đây thì ngoài đo đạc còn phải đi điều tra thực địa, sờ tận tay khi trời mưa để tìm hướng nước chảy.

Trong giải pháp tiêu nước, cô lập lưu vực tiêu cũng rất quan trọng. Cô lập vùng cao không cho chảy vào vùng thấp, cô lập vùng ngoài rìa không cho chảy vào nội ô, cô lập vùng thứ yếu không cho chảy vào vùng quan trọng. Xem ra trong dự án “kiểm soát triều” nói trên chưa cân nhắc kỹ hoặc có cân nhắc mà chưa nói ra. Người ta không an lòng khi chỉ đặt hai trạm bơm quá lớn, máy bơm ngoại rất đắt tiền, với tổng công suất 200.000m3/giờ, rất dễ xảy ra “tiêu ảo”, “bơm chính trị”, đổ tại trời.

Nghe nói có một vị lãnh đạo khi biết chuyện này đã nói đại ý là dù phải bỏ thêm 1 tỉ đồng để cân nhắc lại thật kỹ thì cũng phải làm. Ý tưởng đó cũng là định hướng cho xây dựng cơ bản.

PHAN KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên