09/11/2018 16:32 GMT+7

Những nỗi niềm của phở Việt

TRẦN PHI TUẤN
TRẦN PHI TUẤN

TTO - Không ít người nhìn vào những chuỗi thức ăn nhanh quốc tế vừa tiếc cho phở, vừa tham vọng mở mang chuỗi đồ ăn quốc hồn quốc túy này.

Những nỗi niềm của phở Việt - Ảnh 1.

Bát phở Hà Nội gây thương nhớ cho bao người - Ảnh: HOÀNG ANH

Sài Gòn đã có phở Lý Quốc Sư, rất nhiều nữa là khác và từ rất lâu rồi. Nhưng từ khi tiệm mới mở tại Đa Kao, quận 1, những người yêu phở Hà Nội kéo nhau đến ăn rất đông. Thực khách có khá nhiều người Hà Thành và không ít người đã lâu không ra Hà Nội. Thèm phở, nhớ hương vị của quán xưa, từ nay họ đã không cần phải bay ra Hà Nội, đến phố cổ để thưởng thức.

Sài Gòn một thời là “thủ đô” của hủ tiếu, đã nhanh chóng nhường chỗ cho các quán phở theo chân những người từ miền Bắc di cư vào Nam. Từ nhiều năm nay, các tiệm phở cũng mọc ra như nấm với không biết bao nhiêu tiệm phở treo bảng Phở Hà Nội, Phở gia truyền, Phở Bắc Hải… và cả Phở Lý Quốc Sư.

Tiệm thì thêm chữ Số 1, tiệm thì thêm dòng "gia truyền", "chính gốc". Có những tiệm ghi rõ "Không chi nhánh", tiệm thì ghi đơn giản: Phở 1954, quán thì hương Bắc, tiệm rặt vị Nam… Những phở Dậu, phở Dũng, phở Lệ, phở Hiền, phở Phú Hương… từ lâu đã đông thực khách.

Những năm gần đây, các chuỗi phở như Ông Hùng cùng với Món Huế có một sự "bành trướng" khá mạnh mẽ. Hệ thống Phở 24 khá thành công, dù đã về tay người Philippines, hay các quán phở 5 sao, Phở 2000 (sau thời ông Bill Clinton ăn phở ở đây, quán treo biển có logo chữ: Pho for the President khoe là Phở dành cho Tổng thống).

Những thực khách sành ăn vẫn trung thành với các quán phở danh tiếng "không chi nhánh" như Bát Đàn, Lý Quốc Sư… với hữu xạ tự nhiên hương. Còn những nhà khởi nghiệp hay giới đầu tư thì muốn phát triển phở theo chuỗi hay nhượng quyền và có sự tham gia của truyền thông, quảng cáo.

Không ít người nhìn vào những chuỗi thức ăn nhanh như KFC, McDonald, Burgur King ở Mỹ hay Lotteria từ Hàn Quốc, Jollibee, chuỗi thức ăn nhanh Philippines đã mua lại hệ thống Phở 24 của Việt Nam… mà tiếc cho phở Việt, vừa tham vọng mở mang chuỗi đồ ăn quốc hồn quốc túy này.

Vậy để phở Việt phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhưng vẫn giữ được "chuẩn chất" và "hương vị" của phở cần phải làm gì?

Cần một hiệp hội phở Việt ngồi lại để "chuẩn hóa" công thức phở, hay để mặc các nhà kinh doanh mỗi người một hướng đi?

Hay nói cách khác: Làm thế nào để phở Việt truyền thống phát triển, vươn xa, "hội nhập" với thế giới trong bối cảnh mới?

Đây là những câu hỏi mà báo Tuổi Trẻ, cùng với nhà tài trợ Acecook, đặt ra khi tổ chức song song hai cuộc thi: Ký ức về Phở Hiến kế phát triển Ngày của Phở.

Năm ngoái, ngày 12-12, Ngày của Phở lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, thu hút đông đảo thực khách là những tín đồ yêu phở trong và ngoài nước. Năm nay, sự kiện này sẽ được tổ chức tại "Kinh đô của Phở" là Hà Nội vào ngày 12-12, cũng với sự đồng hành của Acecook.

Nếu Ký ức của phở là những câu chuyện đáng nhớ hay những kỷ niệm khó quên về món phở, quán phở, Hiến kế ngày của Phở mong muốn nhận được những ý tưởng, giải pháp, cách thức để phát triển phở, từ thương hiệu, hương vị đến chất lượng…

Cơ cấu giải thưởng của mỗi cuộc thi:

1 giải nhất: 15 triệu đồng + quà tặng

1 giả nhì: 10 triệu đồng + quà tặng

3 giải ba: 5 triệu đồng/giải + quà tặng

3 giải khuyến khích: 1 triệu đồng/giải + quà tặng

Hạn chót nhận bài: 12-11-2018

Bài tham dự Hiến kế Ngày của Phở vui lòng gửi về: [email protected]

Bài tham dự Ký ức về Phở vui lòng gửi về: [email protected]

Những nỗi niềm của phở Việt - Ảnh 3.
Thi viết Ký ức về phở: Phở là món ăn xa xỉ của kỉ niệm Thi viết Ký ức về phở: Phở là món ăn xa xỉ của kỉ niệm

TTO - Với người Hà Nội, phở có thể là món ăn thân quen, thế nhưng với người miền Nam nhất là ở những vùng quê, phở lại là một món ăn rất đặc biệt. Nhớ chuyện quê mình ngày mới biết phở, tôi vừa buồn cười vừa thấy thương phở vô cùng.

TRẦN PHI TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên