Ngay thượng nguồn sông Tiền mùa lũ mà dân phải dùng cá lóc nuôi để làm khô - Ảnh: QUỐC VIỆT
Nói về cá đồng miền Tây Nam Bộ thì không thể tách lũ được. Nói rõ ra là không có lũ thì không có cá đồng
Chuyên gia NGUYỄN HỮU THIỆN
Phải mở lũ cho cá
Từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã bày tỏ về khát khao giữ gìn các đồng cá cho quê hương mình.
Từ thuở sinh ra đến cuối đời đều sống miệt sông nước châu thổ, ông Nhị hiểu rằng mình không thể hi vọng một phép mầu nào đó có thể đưa nguồn cá nhiều trở lại như cái thời ông còn trẻ. Nhưng ông tin rằng cũng có cách gìn giữ nó.
"Hồi còn làm bên nông nghiệp rồi lên lãnh đạo tỉnh, tôi đã trăn trở thực hiện các vùng lõi bảo tồn cá giữa các cánh đồng lớn. Chẳng hạn những cánh đồng 5.000-7.000ha, quy hoạch vài chục hecta hay vài trăm hecta gì đó để làm khu bảo tồn cho cá sinh sống mà không sợ bị đánh bắt tận diệt.
Mùa nắng cá quần lại vùng lõi đó, mùa lũ lên thì chúng tràn ra đồng theo con nước để phát triển bầy đàn. Người dân không đánh bắt ở vùng lõi bảo tồn, nhưng bên ngoài thì được đánh bắt để hưởng lợi..." - ông Nhị nói và cho biết ý đồ đó của ông mới chỉ kịp thực hiện được vài nơi, trong đó có Búng Bình Thiên...
So với các khu vực khác, Búng Bình Thiên ở huyện An Phú, An Giang có vị trí khá thuận lợi nhờ nằm liền kề hai con sông Bình Di và sông Hậu. Ông Nhị và địa phương chẳng cần phải dụng công gì nhiều, vì cái đầm rộng 200ha này được thiên nhiên tạo thành từ ngàn đời.
Những năm 1980 trở về trước, mùa lũ Búng Bình Thiên với độ sâu trung bình 5-7m như cái rốn trữ cá tự nhiên của miệt này. Những người già địa phương từng ví von tin rằng chỉ khi nào sông Hậu cạn nước, Búng Bình Thiên mới hết cá.
Tuy nhiên, điều đó đã không còn đúng nữa và có thể thấy ngay trong đời họ. Qua thập niên 1990 - 2000, nguồn cá đồng miền Tây sụt giảm nghiêm trọng. Búng Bình Thiên cũng không thể là ngoại lệ.
Ông Nhị và địa phương buộc phải trăn trở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, trong đó đặc biệt là nguồn cá đồng cho cái đầm từng được mệnh danh không bao giờ hết cá này.
Cùng với dân địa phương, họ đã thực hiện những cam kết như là "hương ước" bảo tồn cá. Vừa thả thêm cá giống, họ vừa cam kết đánh bắt đúng quy định...
Ban đầu, những nỗ lực này cũng đem lại chút sức sống mới dưới mặt nước Búng Bình Thiên. Tuy nhiên, điều tốt đẹp đó không thể tăng dần như sự mong đợi của một số người.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm, sự lén lút lạm sát cá bằng các phương tiện không đúng quy định, mà đặc biệt là diện tích mặt lũ bị thu hẹp... đã làm cho đầm này không thể trở thành "mái nhà lý tưởng" của cá.
Trong khi Búng Bình Thiên loay hoay bảo tồn không được như ý, các vùng lõi trữ cá khác như mong muốn của ông Nhị cũng không thể thực hiện được, ngoại trừ một vài vườn quốc gia hiện có.
Nói về thực trạng này, chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện ở Cần Thơ cho biết thời kỳ đầu ông cũng rất hào hứng với những dự án vùng bảo tồn cá như Búng Bình Thiên. Tuy nhiên, sau đó ông đã thấy những bất cập của nó và biết chắc rằng nỗ lực của con người sẽ khó thành công.
"Nói về cá đồng miền Tây Nam Bộ thì không thể tách lũ được. Lũ chính là điều kiện để cá từ sông rạch lên đồng, và đó cũng chính là nơi cá sinh sản, phát triển bầy đàn. Nói rõ ra là không có lũ thì không có cá đồng. Nhưng bây giờ còn mấy cánh đồng có lũ?".
Theo ông Thiện, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cá đồng miền Tây cạn kiệt. Trong đó, ngoài lý do đánh bắt quá mức của con người, chính chương trình đê bao chống lũ ở miền Tây hồi thập niên 1990 đến đầu 2000 là nguyên nhân lớn nhất làm mất nguồn cá đồng.
Cá sống ở đâu khi hầu hết đồng ruộng được bao bọc quanh năm khô rang để làm lúa?
Một số cánh đồng hiếm hoi thi thoảng được lũ vào thì lại qua những cái cống, đập nhỏ hạn chế nghiêm trọng luồng di cư, sinh sản của cá. Chưa kể những cái "cửa tò vò" đó còn bị con người bít kín bằng đủ loại lưới mắt nhỏ...
Các ngư dân sống bằng nghề câu cá ở thượng nguồn sông Tiền - Ảnh: Q.V.
Cấm đánh bắt mùa sinh sản và tăng phạt
Sau vấn đề mở rộng diện tích đồng lũ, một giải pháp căn cơ nữa cũng rất cần được thực hiện ngay là thực hiện chặt chẽ lệnh cấm đánh bắt thời điểm cá sinh sản đầu mùa mưa. Rất nhiều nước đã luật hóa điều này.
Với người dân láng giềng Campuchia, việc không đánh bắt cá đầu mùa sinh sản không chỉ do luật mà còn là văn hóa của họ. Vậy tại sao Việt Nam không làm được, mà người ta còn tăng cường vơ vét cả "đặc sản cá con" vào ngay lúc cá mới sinh sản?
Các chuyên gia thủy sản tin rằng chỉ cần lệnh cấm đánh bắt được thực hiện tốt trong hai tháng đầu mùa mưa, chắc chắn tình hình sinh sôi, phát triển nguồn cá châu thổ miền Tây sẽ hồi sinh.
Cuối cùng, các hình thức, phương tiện lạm sát cá hiện nay như dùng lưới mắt nhỏ, điện... phải bị nghiêm cấm tuyệt đối.
Theo ông Thiện, chính quyền địa phương được rải chặt chẽ đến tận xóm ấp. Người dân làm cái gì họ cũng biết, nhưng tại sao lại không biết người ta đang ngày đêm tận diệt cá bằng điện, bằng lưới mắt nhỏ vơ vét cả cá lớn lẫn cá con.
Việc đầu tiên cần làm là ở ngay chính đầu vào, tức các làng nghề sản xuất ngư cụ. Một cam kết có tính pháp lý không được sản xuất lưới bắt cá mắt nhỏ là hoàn toàn khả thi.
Chính quyền địa phương cũng cần lên danh sách những người dân làm nghề cá ở khu vực mình quản lý, để cùng ký cam kết không đánh bắt cá bằng những phương tiện trái quy định. Đặc biệt, luật pháp nên nhanh chóng sửa đổi theo hướng tăng nặng mức phạt, để đủ sức răn đe vi phạm.
Cánh đồng cuối mùa lũ ở Đồng Tháp - Ảnh: Q.V.
Giải pháp lũ
Theo TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ, phải có nhiều giải pháp đồng bộ để bảo tồn, phát triển con cá đồng miền Tây. Nhưng trong đó quan trọng nhất là "giải pháp lũ".
Ai cũng thấy từ khi có đê bao khép kín, cá đồng giảm hẳn. Vậy thì muốn phục hồi nguồn lợi thiên nhiên, phải quy hoạch mở rộng hẳn diện tích đồng ruộng được cho lũ vào.
Đặc biệt, đường nước từ sông rạch vào phải là những cống lộ thiên đủ rộng lớn để cá theo nước lên đồng, và nghiêm cấm tuyệt đối các loại lưới chặn ngang những cửa cống này. Ai vi phạm phải bị phạt thật nặng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận