13/10/2003 06:21 GMT+7

Sóc Trăng: Tượng cổ chết dần!

PHƯƠNG NGUYÊN - QUANG VINH
PHƯƠNG NGUYÊN - QUANG VINH

TT (Sóc Trăng) - Hàng chục tượng gỗ trên 120 năm tuổi ở chùa Bửu Linh (xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) nếu có cảm xúc chắc cũng phải rơi lệ. Bởi các bức tượng cổ có trên 120 tuổi đang ngày càng xuống cấp trầm trọng với nguy cơ bị hủy hoại. Thế nhưng chẳng thấy cơ quan có trách nhiệm nào quan tâm, bảo quản...

Ubpz97uy.jpgPhóng to
Sư cô Đăng Giới hằng ngày cúng bái, lau chùi các bức tượng cổ
TT (Sóc Trăng) - Hàng chục tượng gỗ trên 120 năm tuổi ở chùa Bửu Linh (xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) nếu có cảm xúc chắc cũng phải rơi lệ. Bởi các bức tượng cổ có trên 120 tuổi đang ngày càng xuống cấp trầm trọng với nguy cơ bị hủy hoại. Thế nhưng chẳng thấy cơ quan có trách nhiệm nào quan tâm, bảo quản...

Theo những người già trong làng thuật lại, chùa Bửu Linh được xây dựng vào năm 1881. Thời điểm đó, cư dân các nơi đến đây khai phá đất hoang, mở mang đồng lúa, trong đó có ông huyện Phát (Nguyễn Tấn Phát).

Cuộc mưu sinh lập nghiệp nơi vùng đất mới đã đưa ông lên hàng giàu có nhất vùng, đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Để tạ ơn trời và cám ơn vùng đất đã cưu mang mình, ông huyện Phát lấy ra 50 công đất để xây dựng một ngôi chùa qui mô nhất vùng thời điểm đó và gọi là Bửu Linh tự.

asxREl5K.jpgPhóng to
Tượng Long thần hộ pháp bị mối ăn rỗng ruột, chỉ còn lớp vỏ bên ngoài
Khi xây dựng chùa, ông huyện đã mời nhiều bậc thầy về điêu khắc và kiến trúc của cung đình Huế vào giúp sức. Trong đó có bốn người chuyên về chạm khắc tượng gỗ hình các la hán, thánh, Phật, thần,... đồng thời khắc chữ ngược trên các bản gỗ để làm khuôn in các kinh Vu lan, Phổ môn, Hồng danh, Di Đà và nhiều phù điêu, bài sám “Bồ tát thượng kỳ thú”.

Theo ông Trần Minh Mẫn, người được xem là am tường về lịch sử ngôi chùa này, các nhà điêu khắc đã làm ra tổng cộng 108 tượng bằng gỗ loại cực tốt, một cây đèn dược sư với 49 tượng gỗ nhỏ gắn trên đó, bốn bộ kinh gỗ với hàng trăm bản và đặc biệt là một tượng Cửu Long bằng đồng nặng 40kg - độc nhất vô nhị ở khu vực Tây Nam bộ thời điểm bấy giờ.

Sau năm 1945, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của cách mạng, hòa thượng trụ trì đã cho dỡ bỏ một phần chùa và giấu các tượng, kinh sách vào rừng. Đến năm 1950, khi chính phủ phát động “tuần lễ vàng”, nhà chùa đã hiến cho chính quyền cách mạng nhiều hiện vật có giá trị. Trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nhiều tượng cổ đã bị tàn phá. Một số Phật tử xót xa đã cất giấu tượng.

Sau năm 1975, nhất là khi các vị hòa thượng trụ trì mất đi, ngôi chùa này bị bỏ hoang phế mặc cho thời gian bào mòn. Năm 1991 ngôi chùa được khôi phục từ từ và đến năm 1993, nhờ sự đóng góp của các Phật tử gần xa, ban hộ tự quyết định xây dựng lại chùa cho khang trang hơn và việc chăm sóc, quét dọn chùa được giao phó cho ba vị ni sư già.

fpQat6HE.jpgPhóng to
Kinh Phật cổ...đang chết dần
Như lời sư cô Giới nói, mỗi năm qua lòng hảo tâm của phật tử và làm 5 công ruộng, tổng cộng được khoảng vài trăm ngàn đồng. “Không có nguồn nào nên việc bảo dưỡng, tu bổ các tượng là rất khó, chỉ nhờ vào tấm lòng của Phật tử. Chúng tôi biết các bức tượng này rất quí, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa... nhưng đành chịu”.

Cũng theo sư cô, trước đây có một vài đoàn vào nghiên cứu, chụp ảnh... nhưng rồi không thấy họ đả động gì tới nữa. Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng cũng có lần ghé qua nhưng những bức tượng cổ vẫn còn nằm y chỗ cũ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tâm - phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng - thừa nhận đây là một bộ phận trong di sản văn hóa địa phương, thuộc về văn hóa tôn giáo của người Việt, rất có giá trị về mặt bảo tàng.

Hiện ngành bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị tiến hành làm thủ tục để có các biện pháp bảo quản, đưa về nơi an toàn tránh nguy cơ bị kẻ gian đánh cắp, thất lạc, mất mát... Ngành bảo tàng cũng đang cố gắng tranh thủ ý kiến lãnh đạo quyết định về việc mời các đoàn chuyên gia xuống thẩm định cũng như có kế hoạch khôi phục, giữ gìn.

Khi mà các bức tượng, kinh Phật cổ này chưa được xác định đúng giá trị thì sự “chết dần, chết mòn” của tượng gỗ còn diễn ra và vô hình trung, một di sản văn hóa dân tộc có giá trị của vùng ĐBSCL đang bị chính chúng ta chôn vùi.

PHƯƠNG NGUYÊN - QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên