21/05/2025 21:17 GMT+7

Những gì tồn đọng phải giải quyết cho hết trước khi sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng mới

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu xử lý các dự án tồn đọng trước khi sáp nhập ba tỉnh thành tỉnh Lâm Đồng mới.

Những gì tồn đọng phải giải quyết cho hết trước khi sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng mới - Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận về công việc sáp nhập tỉnh - Ảnh: M.V

Ngày 21-5, tại TP Đà Lạt, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận về việc triển khai nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII), đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị sáp nhập tỉnh.

Tại buổi làm việc, phó thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách: "Những gì tồn đọng của ba tỉnh phải giải quyết cho hết trước khi sáp nhập về 'nhà mới'. Các dự án tồn đọng phải tập trung tháo gỡ".

Theo phó thủ tướng, đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho một giai đoạn phát triển ổn định, không bị kéo lùi bởi các vướng mắc hành chính, pháp lý hay nguồn lực từ trước.

Thống kê cho thấy riêng tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 200 dự án với tổng vốn đầu tư trên 2.700 tỉ đồng đang đình trệ cần được thúc đẩy thực hiện. Tương tự, hai tỉnh còn lại cũng có hàng trăm dự án chờ tháo gỡ.

Phó thủ tướng trao đổi thêm, sắp tới Chính phủ sẽ có danh sách các dự án cần tháo gỡ gấp để giao cho các tỉnh xử lý. Ngoài ra, các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận cũng tự xem có những dự án, nhất là dự án dân sinh có những tồn đọng thì giải quyết gấp. Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: không được để nguồn lực, tiền bạc bị lãng phí trong các dự án bị ách tắc mà do lỗi của bộ máy hành chính.

Ông Bình cũng lưu ý công tác bố trí cán bộ sau sáp nhập phải đảm bảo nguyên tắc công tâm, khách quan và minh bạch; đặt lợi ích chung lên trên hết, tránh tình trạng cục bộ địa phương.

Với 340 đầu việc chuyển giao từ bộ ngành về địa phương, 620 nhiệm vụ từ cấp huyện chuyển về xã và 70 nhiệm vụ giao cho tỉnh, mô hình hành chính mới đòi hỏi hệ thống tổ chức, nhân sự và công nghệ vận hành đồng bộ, hiệu quả. 

Ông cũng chỉ rõ vai trò đặc biệt quan trọng của bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND cấp xã, khi hệ thống chính quyền cấp huyện không còn tồn tại sau ngày 1-7-2025.

Lâm Đồng thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện sáp nhập

Tại hội nghị, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết đã ký quyết định thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện sáp nhập. Tổ trưởng là ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, cùng hai tổ phó từ Bình Thuận và Đắk Nông.

dự án - Ảnh 2.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, báo cáo về tiến trình sáp nhập các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận - Ảnh: L.A

Tổ giúp việc sẽ đề xuất các giải pháp về sắp xếp bộ máy, tổ chức hành chính phù hợp với yêu cầu từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Việc hợp nhất ba địa phương không chỉ là bài toán kỹ thuật tổ chức mà còn là phép thử cho khả năng xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả và gần dân.

Xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng trước khi sáp nhập tỉnh - Ảnh 4.Lâm Đồng mới: Từ 'tỉnh hợp nhất' đến 'tỉnh hội tụ'

Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ trở thành một thực thể hành chính - kinh tế - văn hóa đặc biệt với diện tích lớn nhất cả nước. Điều gì đang chờ Lâm Đồng ở phía trước?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên