10/10/2015 09:45 GMT+7

Những đứa bé trong trại giam

HOÀNG ĐIỆP (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
HOÀNG ĐIỆP ([email protected])

TT - Được sinh ra trước hoặc sau khi mẹ nhập trại, những trẻ dưới 36 tháng tuổi theo mẹ ở hẳn trong trại giam. Hằng ngày, các bé được ở nhà trẻ trong trại giam và được mẹ chăm sóc.

Các em bé ở trong trại giam cùng mẹ - Ảnh: H.Điệp

>> Kỳ 1: Chúng con cần mẹ nhường nào…

>> Kỳ 2: Chuyện ghi ở phòng thăm gặp

>> Kỳ 3: Con tôi nơi đâu?

Buổi chiều gió nhẹ, khu vườn đầy bóng mát của cây tán rộng và những trảng cỏ xanh mát. Hai cặp mẹ con đang dắt nhau đi bộ trong khuôn viên trại giam. 

Nếu không có chiếc áo kẻ sọc của người mẹ và thấp thoáng cảnh phục của những cán bộ trại giam thì thật khó đoán ra đây chính là nơi giam giữ phạm nhân.

Theo mẹ vào tù

Là một trong số gần 20 phạm nhân có con nhỏ đang được chăm sóc tại trại giam Thủ Đức, chị T.T.K.G., 38 tuổi, đang dắt con đi dạo.

Chị nói đêm qua đứa bé khó ngủ, cứ quấy khóc suốt, không chịu bú và cũng không chịu chơi. Sáng nay nó ngủ đẫy một giấc ngày nên giờ chị mới dắt đi dạo.

Kể về việc đứa trẻ phải theo mẹ vào trại giam, chị G. nói chị có ba đứa con, hai đứa lớn là con người chồng trước.

Chị và người chồng này đã chia tay nhau và hiện hai đứa con lớn đang ở với ông bà ngoại. Kể từ khi chị bị bắt đi cải tạo về tội môi giới mại dâm, chị không có tin tức gì của người chồng trước.

“Hai đứa lớn cũng còn nhỏ và ở với ông bà, ông bà không có điều kiện nên không đưa vào đây thăm mẹ được. Còn đứa nhỏ này, may được ban giám thị trại rất quan tâm nên mẹ con em được ở gần nhau.

Cả mẹ cả con đều được chăm sóc cả sức khỏe và thể chất nên dù ở trại nhưng có mẹ có con. Ốm đau bệnh tật đã có cán bộ y tế chăm sóc, và ở trong trại, hoàn cảnh giống nhau nên các chị em cũng chia sẻ được với nhau nhiều hơn, đồng cảm với từng hoàn cảnh của nhau hơn”- chị G. nói.

Lần gặp các con gần nhất của chị G. đó là khi sinh em bé: “Lúc ấy tôi ra ngoài bệnh viện để sinh và người nhà được vào thăm. Sinh con xong tôi về lại trại mà không xin hoãn thi hành án, bởi đằng nào cũng một lần bà vãi lên chùa, tôi lớn tuổi rồi, nếu xin hoãn thì cũng vẫn phải xa con.

Vậy nên cho con vào trại giam cùng, thiếu thốn đâu thì báo cán bộ. Với lại mấy chị em cùng hoàn cảnh, mình thiếu gì các chị em có đều sớt cho, kể cả sữa cho em bé”.

Thế là đứa trẻ được sinh ra trong trại giam, lớn lên trong trại giam. Giờ nó đang bi bô nói và đã đi rất nhanh. Nó quen với khuôn viên trong trại và nhoẻn cười mỗi khi thấy ai xòe tay ra với nó.

May mắn hơn chị G. là phạm nhân T. T. T., 33 tuổi, đang thi hành án vì tội cố ý gây thương tích. Gương mặt trắng trẻo, hiền từ, chị T. nói mình quê ở Nghệ An, xưa nay chưa từng gây gổ mâu thuẫn với ai bao giờ.

“Bữa đó, người ta xông vào nhà kiếm chồng em giữa lúc đêm khuya khi em và các con đang ngủ. Sợ bị sàm sỡ nên em la lên rồi vớ lấy cây đánh liên tiếp, rồi người ta lấy xe máy bỏ chạy thì xe đâm vào tường nên bị gãy tay, thương tích đến 45%. Em bị khởi tố”- chị T. kể.

Giờ thì chị thi hành án ở trại giam, kèm theo con nhỏ 13 tháng. May mắn hơn nhiều chị em phụ nữ khác đang thi hành án ở trại, chồng chị T. không bỏ rơi mà thường xuyên vào thăm và động viên chị.

“Vì đang nuôi con nên chúng em được ưu tiên hơn so với những phạm nhân khác, mỗi ngày chỉ phải làm việc 4 tiếng, còn dành thời gian chăm con”- chị T. nói.

Là những người cùng cảnh ngộ thi hành án, nhưng không phải 22 bà mẹ này đều có điều kiện như nhau. Có người có con và được gia đình chăm nom, gửi thêm sữa cho bé ăn, nhưng cũng có những phụ nữ chẳng ai ngó ngàng gì tới.

“Vậy thì ai được gia đình gửi quà gì đều chia cho những người không có quà một ít, ai có sữa bột cũng cho, người này thiếu có thể lấy của người kia cho con mình ăn, ốm đau đã có cán bộ y tế chăm sóc”- chị T. kể.

Tiếng hát trong nhà trẻ

Đó là một ngôi nhà hình bát giác với sáu cửa thông với không gian chung là sân vườn bên ngoài. Nếu không có cánh cổng sắt được đóng chặt vào những giờ quy định thì nó cũng giống như mọi khu nhà tập thể khác dành cho công nhân hoặc người lao động ở ngoài.

Ngôi nhà bát giác ấy được bao quanh bởi những dãy phòng ở mới xây, có giường ngủ, có kệ để đồ, có nhà vệ sinh khép kín, trong nhà tắm có vòi hoa sen và nền gạch lúc nào cũng sạch bóng, trắng tinh.

“Ý tưởng làm nhà trẻ và khu giam giữ riêng này là của giám thị trại giam. Khi thiết kế, anh ấy nhắc chúng tôi làm sao để môi trường khu vực này gần gũi với đời sống bên ngoài nhất, để trong tâm trí những đứa trẻ được lớn lên tại đây không có điều gì ám ảnh các cháu”- thượng úy Vũ Thị Nga, quản giáo của khu giam giữ 2, chia sẻ.

Xung quanh nhà trẻ là vườn cỏ xanh mướt, non bộ hài hòa và những chiếc ghế xích đu được sơn màu trắng.

Ngôi nhà trẻ mới đi vào sử dụng chưa lâu nên trên tường, những hình ảnh về câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh được kể lại qua những nét vẽ đầy màu sắc. Trên tường, chiếc tivi màn hình phẳng đang phát bài Mẹ yêu không nào, với tiếng hát bé Xuân Mai.

“Miệng em chúm chím, mẹ có yêu không nào?”. Hai đứa trẻ miệng tròn vo hát theo tiếng hát của Xuân Mai trên vô tuyến rồi la lên: chị Mai, chị Mai...

Bảo mẫu là một nữ phạm nhân mặc áo kẻ sọc, vừa nhịp tay theo tiếng hát của em bé vừa làm động tác khuyến khích để em bé hát và bắt chước theo các động tác của bé Xuân Mai.

Góc khác, một đứa trẻ đang bày những con thú bằng bông xung quanh để “đút sữa”. Nó chăm chú chơi không để ý đến những bạn xung quanh, cũng không để ý đến tiếng hát được phát ra từ màn hình vô tuyến. Những đứa trẻ khác thì đang nằm chơi trên võng xếp đu đưa...

Đó là khung cảnh của nhà trẻ dành cho con của các nữ phạm nhân tại khu giam giữ 2, trại giam Thủ Đức (Bình Thuận). Đây là những em bé dưới 3 tuổi, con của các nữ phạm nhân đang trong thời gian cải tạo tại trại giam Thủ Đức.

“Những em bé phải theo mẹ vào trại phần lớn do gia đình khó khăn. Tuy nhiên, quy định của Nhà nước thì các cháu chỉ ở đây đến đủ 3 tuổi, nếu khi đó mẹ của các cháu vẫn tiếp tục cải tạo mà các cháu không được đưa về nhà thì trại giam sẽ chuyển các cháu đến trung tâm bảo trợ xã hội”- thiếu tá Lại Văn Nghĩa, trưởng khu giam giữ 2 của trại giam Thủ Đức, cho biết.

Tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu

Đại tá Trần Hữu Thông - Ảnh: H.Đ.
Đại tá Trần Hữu Thông - Ảnh: H.Đ.

“Là nhà trẻ trong trại giam đương nhiên không thể nào đầy đủ như những nhà trẻ ở bên ngoài, bởi dù gì thì đó cũng là nơi thi hành án, có sự canh giữ nghiêm ngặt, có kỷ luật riêng.

Nhưng ban giám thị chúng tôi muốn những đứa trẻ theo mẹ vào tù phải được tạo điều kiện sống tốt nhất, gần với môi trường bên ngoài, để khi các cháu trở về với gia đình và xã hội thì không có gì khác biệt”- đại tá Trần Hữu Thông, giám thị trại giam Thủ Đức, nói.

Và để không còn “môi trường nhà giam” trong những nhà trẻ, những sản phẩm tốt nhất có thể dành cho trẻ em được ban giám thị trại giam lựa chọn và chăm chút.

“Đáng lẽ trong phòng giam không được có nước nóng, nhưng bởi các cháu bé cần có sữa uống nên vẫn đảm bảo có nước nóng để pha sữa cho trẻ, nơi ngủ dành cho trẻ cũng được thiết kế đặc biệt hơn những khu khác: vừa đủ ấm, vừa thoáng gió, vừa sạch sẽ và nhiều không khí”- thiếu tá Bùi Thế Công, người phụ trách công việc thi công nhà trẻ, vườn hoa tiểu cảnh trong khu giam giữ 2, cho biết.

______________

Kỳ tới: Chuyện một “phạm nhân mồ côi”

HOÀNG ĐIỆP ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên