08/04/2025 10:31 GMT+7

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 4: Ai qua Phú Lâm, ai về Lục tỉnh

Trải cùng thăng trầm thời cuộc, Phú Lâm - một địa danh quá đỗi gần gũi, thân thương với bao đời người Sài Gòn - TP.HCM.

địa danh - Ảnh 1.

Nhà ga xe lửa Phú Lâm một thời - Ảnh tư liệu

Trừ những đứa bé chưa kịp qua cửa ngõ thành phố này, còn người lớn thì chắc chắn không ít nhất vài mươi lần cũng hàng trăm, hàng ngàn lần ngược xuôi đường Hồng Bàng - Kinh Dương Vương để qua bùng binh Phú Lâm về miệt sông nước miền Tây hoặc ngược lại vào thị thành đô hội. Điều bất ngờ thú vị là ngay thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 ở đây, tôi còn tìm thấy bảng khắc tên đường Lục tỉnh trước cổng chùa Sùng Đức. Một địa danh - tên lộ xa xưa mà hiện nay không còn dùng nữa chứng tỏ cửa ngõ Phú Lâm đã có từ lâu đời lắm rồi...

Phú Lâm, địa danh thôn làng cổ xưa

địa danh - Ảnh 2.

Cổng đình xưa Phú Lâm vẫn còn đến nay. Ảnh: Quốc Việt

Thật ra, ai giở từ điển địa danh sẽ thấy rõ cái tên Phú Lâm không hề "độc quyền" đất Sài Gòn - TP.HCM. Kiếp nhân sinh xưa nay, mấy ai chẳng muốn phú quý, sang giàu, nên chữ phú gắn với rất nhiều địa danh từ Phú Lâm, Phú Thọ, Phú Thọ Hòa, Phú Nhuận, đến Phú Tân, Phú Mỹ, Phú Cường, Phú Túc, Phú Hội, Phú Vinh, Phú Hòa, Phú An, Phú Thạnh, Phú Đức, Phú Hữu... Ôi, cơ man nào là phú, bút viết kể sao cho xuể. 

Còn riêng cái tên Phú Lâm cũng hiện diện khắp đất nước, từ địa danh, tên đường, tên trường đến tên người, tên công ty này nọ. Bởi chắc chắn nhiều người đã nghĩ rằng đó là cái tên ý nghĩa gắn liền ước mơ nhân sinh.

Ngược dòng thời gian, trong cuốn Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (NXB Chính Trị Quốc Gia 2008), nhà nghiên cứu cao niên khả kính Nguyễn Đình Tư ghi chép cụ thể về Phú Lâm như thế này ở trang 797: "Phú Lâm thôn thuộc tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, triều Minh Mạng, do đổi tên thôn Tân Phú Lâm có từ triều Gia Long. 

Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức, đến đầu thời Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thanh tra Chợ Lớn. Từ 5-1-1876 gọi là làng, đổi thuộc hạt tham biện Chợ Lớn. Ngày 27-10-1889, sáp nhập một phần vào thành phố Chợ Lớn và đổi thành phủ Phú Lâm. Phần còn lại nhập vào làng Tân Hòa Đông, tổng Lộc Thành Hạ, cùng hạt".

Quá trình thực hiện bài viết này, tôi cũng may mắn được nhà nghiên cứu Hà Việt Hùng gửi tặng một bản đồ xưa ghi rõ địa danh Phú Lâm trong sách in 1929 (Atlas Colonial Français). Xem kỹ bản đồ có thể thấy rõ tên Phú Lâm vẫn được gắn liền với địa danh xưa cũ, chẳng gì thay đổi cả dù vùng đất này đã trải qua chiến tranh, ly loạn rồi nhiều đổi thay, thăng trầm kể từ khi người Pháp đem pháo hạm sang xâm lược. 

Đặc biệt nơi bùng binh (bây giờ hay gọi là vòng xoay) Phú Lâm ngày nay xem ra cũng không khác nhiều so với bản đồ năm 1929. Con đường Hồng Bàng - Kinh Dương Vương giờ xuôi về miền Tây (hay ngược vào Chợ Lớn - Sài Gòn) chính là lộ Lục tỉnh một thời. 

Các đường quẹo qua Tân Hòa Đông, Bình Thới, Phú Thọ hay sang bến Phú Định cũng rõ hướng trên bản đồ xưa, dù rằng chắc chắn thời xa vắng đó còn là những con lộ đất...

địa danh - Ảnh 3.

Chùa cổ Sùng Đức vẫn còn để bảng lộ Lục tỉnh năm xưa - Ảnh: QUỐC VIỆT

Dấu xưa tích cũ vẫn còn đây

địa danh - Ảnh 4.

Bản đồ sách in năm 1929 (Atlas Colonial Francais) vẽ rõ địa danh Phú Lâm

Có một nhân chứng cao niên từng sống liền kề Phú Lâm mà tôi may mắn được hầu chuyện nhiều lần trên bước đường nghiệp là cụ Võ Anh Tuấn, cựu đại sứ tại Liên hợp quốc. Ông cụ sinh năm 1927, thượng thọ minh mẫn đến cuối đời bách niên. 

Trí nhớ ông cụ kể "quê sinh ở làng Tân Tạo, thuộc tổng Long Hưng Thượng của quận Trung Quận, Chợ Lớn", nay là phường thuộc quận Bình Tân, TP.HCM. Dân làng ông hiếm ai không rành rẽ cửa ngõ Phú Lâm vì trai tráng thường phải qua đây để vào bến Bình Đông xin việc vác lúa gạo mướn, còn phụ nữ thì vá bao bố bị rách.

Trí nhớ cựu đại sứ Võ Anh Tuấn hồi tưởng nửa đầu thập niên thế kỷ 20, vùng Phú Lâm, Tân Tạo này đã "lởm chởm những chòm dân cư ở sát nhau" nhưng đa số vẫn còn ruộng vườn, ao đầm, kinh rạch chằng chịt. Nhà cụ Tuấn có mấy mẫu ruộng từ ông bà nội để lại, nên các anh cụ được đi học "trường tỉnh Phú Lâm". Cụ Tuấn thì theo học trường Tân Kiên mà vẫn có rất nhiều kỷ niệm với chợ Phú Lâm, nhà ga Phú Lâm, vì về sau ông thường đi xe lửa lên học ở trường Pétrus Ký tại Sài Gòn (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM).

Cụ Tuấn đã nhớ chính xác Phú Lâm từng có nhà ga xe lửa vì đây là một cung đoạn trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được xây dựng sớm nhất Việt Nam. Xe lửa đến đây dừng lại để trả hoặc đón thêm khách. Tuổi thơ cậu bé quê làng Tân Tạo được lên Sài Gòn bằng phương tiện hiện đại nhất thời điểm đó. Ông cụ Tuấn kể thêm ngày tháng đó rất vất vả, nhưng thi thoảng vẫn được ăn cháo lòng hay hủ tiếu ở chợ Phú Lâm rất ngon do người Hoa nấu.

Trải cùng năm tháng, Phú Lâm là khu vực có nhiều người Việt và người Hoa cùng chung sống. Thời niên thiếu cụ Tuấn, đa số bà con làm nghề nông hoặc đi làm mướn. Một số lanh lợi ra buôn bán, trong đó có nghề buôn gạo ở chợ Phú Lâm, bởi vùng này cửa ngõ lúa gạo từ Lục tỉnh vào Chợ Lớn và Sài Gòn, thuận tiện cả đường thủy, đường bộ, đường xe mà qua thế kỷ 20 là những chuyến xe lửa hằng ngày từ ga Mỹ Tho lên. 

Ngoài ra những thập niên đầu thế kỷ 20, liền kề Phú Lâm vẫn là đồng lúa cò bay thẳng cánh trải liền về miệt dưới. Trong đó có cả những mẫu ruộng của nhà ông Tuấn ở làng Tân Tạo mà nay đã thành nhà máy và khu dân cư sầm uất, san sát nhau.

Lần lại dấu xưa tích cũ ở thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 này, tôi vẫn tìm được nhiều cái tên Phú Lâm gắn với địa danh cổ xưa. Tên chợ Phú Lâm vẫn còn và đã trở thành ngôi chợ nhà lồng bề thế cả hai mặt tiền trên hai con đường xưa là Bà Hom và Tân Hòa Đông. Gần bên còn có chợ Cây Da Sà vốn cũng hình thành từ lâu đời, nét đặc trưng nơi nào nhiều người Hoa là nơi đó có buôn bán, cửa tiệm rồi quây quần thành chợ sung túc.

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 4: Ai qua Phú Lâm, ai về Lục tỉnh - Ảnh 5.

Bùng binh (vòng xoay) Phú Lâm là cửa ngõ về miền Tây mà xưa là lộ về Lục tỉnh - Ảnh: QUỐC VIỆT

Và gần đây, ngay bùng binh Phú Lâm còn mọc lên siêu thị Phú Lâm bề thế được cho là chính trên nền nhà ga xe lửa năm xưa, rồi cách đó không xa là cư xá Phú Lâm, trường học Phú Lâm...

Một nét đặc trưng nữa trải cùng mấy thế kỷ ở cửa ngõ Sài Gòn - TP.HCM này là có rất nhiều chùa chiền cổ xưa. Ngôi chùa này gần vách chùa kia, chùa bên đây đường soi bóng bên kia đường và nhiều ngôi chùa đã có tuổi đến một vài trăm năm. Trong đó cổng ngôi chùa cổ Sùng Đức vẫn để vẹn nguyên dòng chữ "đường Lục tỉnh" từ xa xưa khiến người đến lễ hay qua đường đều phải ngước nhìn trở về hoài niệm.

Đặc biệt, khu vực này còn có một nơi đã đi vào lịch sử. Đó là An dưỡng địa Phú Lâm từng hỏa táng Hòa thượng Thích Quảng Đức sau khi ngài tự thiêu để phản kháng anh em nhà ông Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963. Kỳ lạ là sau hai lần hỏa thiêu, trái tim ngài Quảng Đức vẫn vẹn nguyên đầy nhiệm màu trên chính mảnh đất Phú Lâm này...

Thế hệ người Sài Gòn - TP.HCM chúng tôi dù chỉ sinh nửa đầu thập niên 1970 đều trải nhiều kỷ niệm với Phú Lâm. Đây là nơi chúng tôi bịn rịn chia tay thành phố để về miền quê kinh tế mới thời hậu chiến nghèo khó, và đây cũng là cửa ngõ đón chúng tôi trở lại với phố vui.

Rồi ngày nay cũng từ bùng binh Phú Lâm, chúng tôi cùng con cháu mình lại xuôi về miền Tây. Nhưng có điều khác là chúng tôi không phải ngồi trên những chuyến xe cọc cạch đi kinh tế mới đầy nỗi niềm nặng trĩu nữa, mà chúng tôi đi du lịch với nhiều niềm vui...

------------------------------

Dặm dài lịch sử Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM, nhiều địa danh được gọi "tên chữ" xuất phát từ mỹ từ, cổ tự, được đặt trên sổ sách đã không ít lần thay đổi theo quản lý hành chánh, nhưng những cái tên xuất phát từ dân gian thì lại trường tồn. Nhà Bè là một cái tên như vậy...

Kỳ tới: Nhà Bè nước chảy

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 4: Ai qua Phú Lâm, ai về Lục tỉnh - Ảnh 3.Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 3: Tân Sơn Nhứt hay Nhất cũng là một thôi nghen

Bảy năm trước khi tôi in cuốn sách 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất, một vài bạn bè mê lịch sử đã hỏi: "Tại sao không viết Tân Sơn Nhứt cho chính xác cổ danh mà lại là Tân Sơn Nhất chỉ xuất hiện sau năm 1975".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên