TTCT - Chính trường châu Âu đầy những "bông hồng" gai góc trong chính sách đối ngoại. Hai phụ nữ đang là cái gai trong mắt người Nga: Maia Sandu và Ursula von der Leyen. Ảnh: TwitterThủ tướng Anh Liz Truss “sẵn sàng bật nút hạt nhân nếu cần”, Chủ tịch Ủy hội châu Âu Ursula Von der Leyen không sợ bom rơi đạn lạc đến Kiev động viên đồng minh, và nữ Thủ tướng Moldova Maia Sandu sẵn sàng ban lệnh động viên.Đình đám nhất trong các nữ chính khách này gần đây chắc chắn là bà Truss vừa từ nhiệm. Không chỉ vì kỷ lục giữ ghế ngắn ngủi nhất, chỉ 44 ngày (trong đó hết 10 ngày gần như nước Anh không hoạt động vì tang chế của Nữ hoàng Elizabeth II), mà còn vì thành tích trong nhiệm kỳ ngắn kỷ lục."Tôi là chiến binh, không phải kẻ bỏ cuộc"Gói tài chính "ngân sách mini" của bà đã gây hậu quả khôn lường: việc giảm thuế 50 tỉ USD cho người giàu không chỉ không kích thích được kinh tế tăng trưởng, mà còn gây tâm lý hoảng loạn cả trên thị trường tài chính và trong xã hội. Trái phiếu chính phủ Anh hạ xuống mức thấp kỷ lục trong gần 40 năm. Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng - đồng minh thân cận của bà Truss và là tác giả "ngân sách mini" - bị sa thải hôm 14-10.Tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt lên thay đã đảo ngược gần như toàn bộ gói chính sách của người tiền nhiệm, chấm dứt hầu hết các khoản giảm thuế, trợ cấp năng lượng và cắt giảm chi tiêu công. Chính sách tài chính thay đổi xoành xoạch khiến công luận Anh bất bình. Rốt cuộc, nhiệm kỳ của bà Truss được so sánh với thời hạn sử dụng rau xà lách, một trò đùa do báo The Economist khởi xướng và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội thành meme: "Xà lách trụ lâu hơn Liz Truss".Thành tích đối ngoại của bà Truss cũng thủng lỗ chỗ như vậy. Trong một đoạn hội thoại ngày 10-2-2022 giữa bà với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi bà còn là bộ trưởng ngoại giao Anh, bà Truss nói với ông Lavrov rằng phía Nga phải rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine. Ông Lavrov đáp quân đội Nga có mọi quyền trên lãnh thổ Nga và cắc cớ hỏi: "Bà có công nhận chủ quyền của Nga với các vùng Rostov và Voronezh không?". Không chút đắn đo, bà Truss tuyên bố Anh không bao giờ công nhận các khu vực này thuộc Nga, khiến đại sứ Anh tại Nga Deborah Bonnert phải can thiệp, giải thích với bà rằng ông Lavrov đang nói về lãnh thổ Nga, chứ không phải Donbass. Sau đó, ông Lavrov gọi cuộc trao đổi là "trò chuyện với người mù và người câm".Khi tranh cử thủ tướng, bà Truss nổi bật với tuyên bố "sẵn sàng bấm nút hạt nhân nếu tình thế đòi hỏi". Bà cũng là người kêu gọi thành lập liên minh Ba Lan, Ukraine, Romania do Anh đứng đầu và kêu gọi NATO hóa phương Đông, để tạo ưu thế cho phương Tây trước Trung Quốc. Chính bởi "thành tích đối ngoại" này, nghe tin bà từ chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảm ơn bà Truss vì lập trường chống Nga của bà, và không còn gì khác.Thần khẩu hại xác phàm, trong phiên chất vấn cuối cùng trước các nghị sĩ hôm 19-10, bà Truss khẳng định sẽ vẫn giữ ghế thủ tướng. Bà thậm chí còn nói một "lời có cánh": "Tôi là chiến binh, không phải kẻ bỏ cuộc", để rồi chỉ một ngày sau, bà "bỏ cuộc". Dân chúng Anh lại được một phen cười cợt. Họ truyền nhau tin bà Liz "bỏ chạy" với mức lương hưu 115.000 bảng Anh/năm cho đến hết đời, mà bà mới chỉ 47 tuổi, rồi bình luận: "Thử so sánh với những phụ nữ về hưu khác ở Anh, nơi mức lương hưu thuộc loại bèo bọt ở châu Âu".Khi Thủ tướng Moldova đi hội chợThủ tướng đi hội chợ thì có gì mà ầm ĩ. Ấy thế mà việc nữ Thủ tướng Moldova Maia Sandu xuất hiện tại hội chợ nông nghiệp ở trung tâm Chisinau hôm23-10 lại được công luận Moldova đặc biệt quan tâm. Các nhà báo của ProTV Chisinau đưa tin từ hội chợ đã bắt gặp nữ thủ tướng và dĩ nhiên, ống kính của họ không "tha".Đầu đuôi là bởi không xa hội chợ, cũng lúc đó, gần tòa nhà quốc hội và dinh tổng thống ở Chisinau, hàng ngàn người biểu tình đang xuống đường đòi bầu cử trước thời hạn và cải thiện điều kiện sống. Cuối tuần qua, sau khi bị đặc nhiệm Molodova giải tán và dùng vũ lực phá hủy các lán trại, thị trấn lều tự phát đã mọc lên trở lại, và người biểu tình tuyên bố sẽ ở lại đó cho đến khi bà Sandu từ chức.Với mức lạm phát cao nhất châu Âu 34%, Moldova là quốc gia nghèo nhất châu lục. Tham gia lệnh cấm vận Nga của EU đã khiến giá khí đốt ở Moldova tăng cao. Người dân lo âu trước mùa đông sắp tới, cáo buộc chính phủ hi sinh lợi ích của họ để tuân theo nghị trình phương Tây. Cụ thể như chuyện mua điện. Trong nỗ lực tuân thủ cấm vận của EU và giảm tỉ lệ cung cấp năng lượng từ Pridnestrovie, lãnh thổ Moldova đang do Nga kiểm soát, từ tháng 5-2022, Moldova bắt đầu mua điện với giá đắt hơn nhiều từ Ukraine. Giá điện từ các nhà cung cấp Ukraine có thể lên đến 100 USD/MWh, cao hơn đáng kể so với từ Pridnestrovie, khoảng 62,5 USD/MWh.Nhưng từ tháng 10, Ukraine đã ngưng cung cấp điện cho Moldova, khiến nước này phải tìm kiếm nhà cung cấp mới. Theo ước tính của các nhà kinh tế, không quá 1% dân số Moldova sẽ có thể trả tiền điện và khí đốt trong mùa đông này mà không gặp trở ngại gì. Những người còn lại sẽ buộc phải chi từ 1/3 đến 2/3 ngân sách gia đình để thanh toán các hóa đơn. Thay cho "thời kỳ tốt đẹp" mà bà Sandu đã hứa trong chiến dịch tranh cử, Moldova đang có nguy cơ trở lại đầu những năm 1990, thâm hụt tổng thể, lạm phát ngất ngưởng và thiếu điện.Ngoài nỗi lo kinh tế, Moldova còn cơn đau đầu khác là Pridnestrovie (tức Transnistria, vùng lãnh thổ ở biên giới Moldova và Ukraine, nhưng do quân Nga kiểm soát). Tin đồn về lệnh động viên và ý định thu hồi lãnh thổ của bà Sandu trước tháng 2-2023 đang lan truyền trên mạng. Trước đó, bà Sandu khẳng định "cách tiếp cận mềm" trong đàm phán về giải quyết xung đột Prednistrovie đã thất bại.Sự hào hiệp của bà Von der LeyenMột nữ lãnh đạo mạnh mẽ khác của châu Âu là chủ tịch EC Von der Leyen, người có đường lối ngoại giao bài Nga quyết liệt khiến cả đồng minh châu Âu cũng phải ngạc nhiên. Trước đó, khi còn là bộ trưởng quốc phòng Đức, bà Von der Leyen tích cực ủng hộ mọi sáng kiến của Mỹ nhằm củng cố, mở rộng NATO và "kiềm chế Matxcơva". Đồng thời, bà liên tục chỉ trích chính quyền Nga và đặc biệt là Tổng thống Vladimir Putin về "chính sách đối ngoại hiếu chiến ở châu Âu".Nhất quán với đường lối này, khi trở thành chủ tịch EU, bà nhiệt thành ủng hộ Ukraine, nhất là từ khi cuộc chiến ở đây bùng nổ. Từ tháng 3 đến tháng10-2022, EU đã thực hiện tám gói trừng phạt chống Nga, bất chấp các biện pháp cấm vận gây ra không ít tác động ảnh hưởng kinh tế và đời sống người dân EU. Dưới quyền lãnh đạo của bà Von der Leyen, lần đầu tiên trong lịch sử, năm 2022 EU đã lập quỹ viện trợ quân sự để hỗ trợ Ukraine qua Cơ sở Hòa bình châu Âu.Ngày 21-10, bà đã đổ thêm dầu vào lửa khi thông báo Ukraine vừa yêu cầu Mỹ và EU phải chi cho nước này mỗi tháng từ 3 - 4 tỉ euro để Kiev trang trải các chi phí. Trong số này, bà cho biết EU sẽ trích mỗi tháng 1,5 tỉ euro, do đó vào năm 2023, hỗ trợ tài chính cho Ukraine sẽ lên tới khoảng 18 tỉ euro. Số còn lại sẽ do Mỹ và các tổ chức tài chính quốc tế khác hỗ trợ.Dễ hiểu là một bộ phận dân chúng EU không hài lòng với những khoản chi này, thậm chí kêu gọi bà từ chức, như Florian Filippo, cựu phó chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu Pháp: "Một tỉ rưỡi một tháng cho Ukraine của Zelensky, là 18 tỉ một năm. Trong lúc châu lục này phải sống chung với lạm phát, thất nghiệp, theo định mức. Bà ta điên rồi"! ■Hai bông hồng thép khác không thể không nhắc ở châu Âu lúc này là Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người vừa đảm nhận ghế thủ tướng Ý - nữ thủ tướng đầu tiên của quốc gia này, Giorgia Meloni.Bà Marin hiện đứng trước thử thách đưa Phần Lan gia nhập NATO trong sự chần chừ của hai thành viên Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu với trang Politico trước hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 20-10, bà Marin hy vọng Phần Lan sẽ tham gia khối quân sự này "càng sớm càng tốt" và cho biết đã trao đổi với hai nhà lãnh đạo Hungary, Viktor Orbán và Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan."Hiện không có mối đe dọa quân sự nào với Phần Lan, và chúng tôi đủ sức tự vệ - bà Marin khẳng định - Nhưng điều quan trọng là phải kiểm soát được rủi ro và tiến trình phê chuẩn [cho Phần Lan gia nhập NATO] phải diễn ra càng suôn sẻ và càng sớm càng tốt". Bà cũng nói tới "những mối đe dọa hỗn hợp, như dùng người nhập cư làm công cụ tác động lên chính sách, hay môi trường an ninh một nước khác", cũng như nhu cầu của Helsinki muốn "tổ chức tốt, giám sát, và kiểm soát" đường biên giới giữa họ và Nga.Bà Meloni, trong khi đó, đang sắp sửa thành lập nội các sau hơn một tuần dàn xếp các phe phái (Đảng Huynh đệ Ý của bà về nhất, nhưng cũng chỉ được 26% số phiếu). Trong tiến trình đó, bà đanh quánh tới mức chính trị gia lão làng của nước Ý Silvio Berlusconi cũng phải ngán. Nhà lãnh đạo Đảng Forza Italia mô tả bà Meloni là "hống hách… áp chế… kiêu căng… hung hãn". Trước đó, ông Berlusconi bị ghi âm nói rằng cuộc chiến Ukraine là do lỗi của ông Zelensky, cũng như khẳng định tình bạn của ông với ông Putin. Bà Meloni đáp lại rằng bất cứ ai không đồng ý với lập trường thân châu Âu và NATO của bà "dứt khoát không có chỗ trong chính quyền mới, ngay cả nếu điều đó đồng nghĩa tôi không thể lập được nội các". (Forza Italia chỉ về hạng 5, với 8,1% số phiếu). Tags: Nữ thủ tướngChính sách đối ngoạiChâu ÂuNữ chính kháchChính phủ AnhNữ thủ tướng Anh Liz TrussNgaMaia Sandu
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Bộ Nội vụ đề xuất chi tiết cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ THÀNH CHUNG 27/01/2025 Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Trọng tài bị dọa giết sau khi rút thẻ đỏ cầu thủ Arsenal ĐỨC KHUÊ 27/01/2025 Trọng tài Michael Oliver trở thành mục tiêu tấn công trên mạng sau quyết định gây tranh cãi trong trận đấu giữa Arsenal và Wolverhampton cuối tuần rồi.