05/11/2003 06:11 GMT+7

Định rõ trách nhiệm, biện pháp thực hiện Luật doanh nghiệp

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TT (Hà Nội) - “Phải chỉ rõ thời hạn, trách nhiệm của từng bộ, từng cơ quan trong việc triển khai các biện pháp cụ thể đẩy mạnh thực hiện Luật doanh nghiệp” - Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh với các bộ, ngành, địa phương khi đề cập đến dự thảo chỉ thị của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật doanh nghiệp.

dM79MS2X.jpgPhóng to
Nhiều doanh nghiệp làm gốm sứ kêu khó tiếp cận vốn tín dụng - Ảnh: L.N.

Dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật doanh nghiệp (DN), khuyến khích phát triển DN vừa và nhỏ đã được gấp rút soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến DN ngay tại hội nghị sơ kết bốn năm thi hành Luật DN (3 và 4-11 tại Hà Nội).

Sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn thi hành Luật DN

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc, có hai vấn đề nổi cộm trong quá trình thực hiện Luật DN suốt bốn năm qua.

Đó là việc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DN chưa được ban hành đầy đủ, trong khi việc thực hiện đăng ký kinh doanh (ĐKKD) theo Luật DN trong suốt thời gian qua cũng chưa được thực hiện thống nhất đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là việc chuyển hướng hoạt động quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm chưa làm được đến nơi đến chốn.

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, cho đến nay vẫn còn hàng loạt lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cấm kinh doanh nhưng có kèm điều kiện hoặc chứng chỉ đối với người có ý định kinh doanh như dịch vụ tư vấn pháp lý, đòi nợ, định giá tài sản, đánh giá tín nhiệm, điều tra dân sự, môi giới việc làm, môi giới nhà đất...

Thế nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành khiến cả cơ quan ĐKKD, cơ quan quản lý nhà nước đều lúng túng, trong khi người có nhu cầu đầu tư lại bị lỡ cơ hội làm ăn.

Trong khi đó, theo một kết quả điều tra khác, chưa bao giờ cán bộ ĐKKD lại chịu nhiều áp lực như hiện nay, khi mà các cơ quan pháp luật thường đến kiểm tra việc ĐKKD đối với DN, coi đó là nơi tạo ra DN vi phạm pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khi đề cập đến hoạt động ĐKKD cũng cho rằng: “Cơ quan ĐKKD hiện nay của ta là manh mún về mặt tổ chức, kém về mặt năng lực và yếu về mặt quyền lực nhà nước. Một đội ngũ như vậy rõ ràng là chưa đủ sức để đóng được vai trò là đội quân chủ lực trong việc thực thi Luật DN”.

Cũng vì vậy, dự thảo chỉ thị của Thủ tướng cũng đã nêu rõ Bộ KH-ĐT trước tháng mười hai này phải hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo bổ sung sửa đổi nghị định 02/2000 và 03/2000 của Chính phủ, cũng như các thông tư hướng dẫn việc thực hiện Luật DN, trong đó bao gồm nội dung ĐKKD.

Đối với hàng loạt vướng mắc của DN, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn tín dụng, báo cáo của Bộ KH-ĐT cũng cho thấy việc hình thành quĩ bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn nhất, dù đã có chủ trương từ hai năm nay nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống, chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng DN.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những chủ trương này chưa đi vào được cuộc sống bởi từ quá trình xây dựng, các bộ đã đưa ra những nội dung không thực tế. Và cũng vì vậy, Bộ Tài chính đã được giao trách nhiệm trong quí 1-2004 phải nghiên cứu, bổ sung để trình Chính phủ sửa đổi qui chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quĩ bảo lãnh tín dụng.

Ngoài ra, Bộ này cũng sẽ được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ KH-ĐT xem xét, đánh giá các qui định hạn chế việc nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính DN, nhất là các qui định về báo cáo tài chính, kế toán, hạch toán chi phí... để đưa ra những kiến nghị cơ chế khuyến khích DN nâng cao tính trung thực, minh bạch trong hạch toán, kế toán, đồng thời với việc xem xét mở rộng thí điểm chế độ tự kê khai và nộp thuế cho cả các DN hoạt động theo Luật DN.

Tiếp tục cuộc chiến với giấy phép con

Tại hội nghị, giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoa Phượng (Hà Nội) Trần Đình Căn phát biểu cho rằng mặc dù Luật DN và các văn bản của Chính phủ đã xóa bỏ khá nhiều loại giấy phép con, nhưng đến nay trong hệ thống các văn bản pháp qui lại đã xuất hiện thêm không ít loại giấy phép con mới, chưa kể đến những thủ tục phiền hà.

“Đối với các DN kinh doanh vận tải hành khách công cộng, để bắt đầu hoạt động được trên một tuyến vận tải phải qua rất nhiều khâu với 22 văn bản khác nhau. Như vậy khác nào dưới tấm thảm mà Luật DN trải ra đã được gắn thêm chông” - ông Căn bức xúc đưa Thủ tướng xem tập văn bản mà ông phải có để được đưa số xe của mình vào hoạt động.

Để xóa bỏ các rào cản về thủ tục hành chính đang cản trở DN, dự thảo chỉ thị của Thủ tướng cũng đã giao trách nhiệm cho tổ công tác thi hành Luật DN và Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ phối hợp rà soát để kiến nghị Thủ tướng tiếp tục bãi bỏ các loại giấy phép không còn cần thiết, chuyển các loại giấy phép không cần thiết thành điều kiện kinh doanh không cần giấy phép hoặc chuyển sang quản lý theo hình thức khác.

Bên cạnh đó, các loại giấy phép còn tồn tại cũng cần phải nghiên cứu để đơn giản hóa tối đa thủ tục cấp phép, hợp lý hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và thẩm quyền cấp đối với các loại giấy phép đó.

Cũng liên quan đến nội dung hỗ trợ DN sau ĐKKD, các hiệp hội cũng sẽ có trách nhiệm thường xuyên tập hợp các kiến nghị của DN về luật pháp, cơ chế chính sách, cách thức quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, theo dõi và đánh giá sự “tiếp thu” của cơ quan nhà nước, nguyên nhân của “tiếp thu” và “không tiếp thu” để có giải pháp tiếp theo.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên