Phóng to |
HS Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM tan trường lúc 11g sau buổi học tăng tiết trong hè và vẫn tiếp tục tăng tiết trong năm học mới |
Đoàn do ông Đậu Đình Nga, phó chánh thanh tra Sở GD-ĐT, làm trưởng đoàn, trước mắt sẽ “gõ cửa” những địa chỉ đã được phụ huynh học sinh phản ảnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Nga cho biết:
- Những vấn đề nóng được phụ huynh (PH) phản ảnh là những khoản tiền nhà trường thu đầu năm học, tiền tăng tiết, tiền vận động của hội PH HS, quĩ hội PH trường, quĩ hội PH lớp... Có những nội dung như: tiền cơ sở vật chất bán trú (theo qui định 150.000đ/năm - PV), PH thắc mắc sao năm nào cũng đóng; nồi niêu, gối mền gì hư nhanh thế? Có PH hỏi: “Tiền điện, tiền nước sao phải đóng thêm, trong khi ngân sách nhà nước đã có khoản này?”.
Tất nhiên chúng tôi phải xuống thanh tra xem trường thu bao nhiêu, có hợp lý không? Công việc của thanh tra là mắt thấy, tai nghe, phải xem thực tế ra sao mới có kết luận chính xác được.
* Trong số những bức xúc của PH, chúng tôi nhận thấy vấn đề tăng tiết được đề cập nhiều nhất. Hiện dường như trường nào cũng tăng tiết, tăng đủ kiểu, còn tiền tăng tiết thì thu vô tội vạ. Chuyện này năm nào cũng diễn ra và thanh tra sở chắc cũng nắm rõ nhưng sao vẫn không chấn chỉnh được?
- Khi đi thanh tra chúng tôi dựa vào một số văn bản của bộ là: thông tư liên bộ số 16 hướng dẫn thực hiện dạy thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập; thông tư 17 về qui định dạy thêm học thêm; chỉ thị 15 của bộ trưởng Bộ GD-ĐT về các biện pháp tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm...
Tuy nhiên, khó khăn đối với chúng tôi là văn bản của Nhà nước về qui định dạy thêm, học thêm đã lạc hậu so với thực tế dẫn đến tình trạng các trường không bao giờ thu theo thông tư mà thường thỏa thuận với PH. Có nơi thu 1.000đ, 1.200đ/tiết, thậm chí có nơi thu 3.000đ/tiết là quá cao!
Cái khó nữa là qui định của bộ không cho tăng tiết trong thời khóa biểu chính khóa, nhưng với tình hình thực tế của TP.HCM, nhiều trường khó có phòng để dạy thêm trái buổi nên đa số các trường phải tăng tiết trong giờ chính khóa. Nghĩa là có những buổi HS học 2 tiết, 3 tiết thì những tiết còn lại nhà trường dùng để dạy thêm.
* Theo qui định, đối tượng dạy thêm chỉ là phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi... nhưng trong thực tế nhiều trường vẫn buộc HS học thêm đại trà và điều này đã gây không ít bất bình đối với PH...
- Vâng, nhưng trong thực tế vì tăng tiết trong buổi học chính khóa nên thường 100% HS lớp đó đều phải học không phân loại gì cả. Như vậy coi như nhà trường đã sai phạm. Tuy nhiên lại khó bắt lỗi vì nhà trường cho rằng HS mình đầu vào kém (bán công chẳng hạn), và đã thỏa thuận cũng như được sự đồng ý của PH.
Chứng lý của thanh tra là dựa vào biên bản họp của hội PH. Nhiều biên bản có nhiều ý kiến nhiệt tình đóng góp xây dựng, nhất là chung quanh vấn đề dạy thêm, PH yêu cầu cụ thể thời lượng dạy, giá cả...
Nhưng cũng có rất nhiều nơi PH không phát huy quyền dân chủ của mình. Biên bản không có ý kiến gì cả, chỉ có thư ký ghi 100% đồng ý, trong khi chính tại nơi đó lại có đơn thư. Đến khi hỏi người ta mới nói sợ con mình đang học bị trù dập...
* Một vấn đề khác cũng khiến PH không hài lòng là các khoản thu mang danh hội PHHS như: thu xây dựng cơ sở vật chất, quĩ hội PHHS trường, quĩ hội PHHS lớp. Thu thế nào là đúng, thế nào là sai, thưa ông?
- Nguyên tắc hoạt động của hội PHHS là muốn làm gì cũng phải cụ thể. Tiền sử dụng đến đâu quyết toán công khai đến đó, không ép buộc, không ấn định mức thu. Chương trình hoạt động cũng phải thực tế, phải thật sự hỗ trợ giáo dục. Nói chung, giảm thu mà hiệu quả giáo dục vẫn tốt là hay nhất.
Riêng quĩ lớp do chi hội lớp vận động, nếu PH thấy đó là việc có ích thúc đẩy giáo dục HS, động viên thầy cô và đồng tình thì không có gì sai. Tuy nhiên khi hội đưa vấn đề ra cuộc họp, PH nên cứ mạnh dạn góp ý thì không ai dám ép phải đóng, vì đây là việc vận động tự nguyện.
* Sau đợt thanh tra này, đoàn sẽ có biện pháp gì để chấn chỉnh những sai phạm ở các trường, thưa ông?
- Trách nhiệm của chúng tôi là tìm hiểu thực tế, sau đó sẽ có kiến nghị với giám đốc Sở GD-ĐT xử lý nếu trường có sai phạm. Sau đợt này chúng tôi cũng sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét sửa đổi thông tư 16 cho phù hợp, đồng thời ban hành những hướng dẫn cụ thể và thực tế về vấn đề dạy thêm, học thêm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận