18/04/2025 09:00 GMT+7

Nhiều hệ lụy từ trục lợi bảo hiểm

Những năm gần đây, tình trạng trục lợi bảo hiểm diễn ra càng nhiều với diễn biến phức tạp. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc và nghiêm trọng.

bảo hiểm - Ảnh 1.

Công ty bảo hiểm có thể liên hệ cơ quan chức năng để phản ánh nghi ngờ bị trục lợi bảo hiểm, song song đó luôn nêu cao tinh thần đảm bảo quyền lợi cho những khách hàng chân chính một cách nhanh chóng và thỏa đáng

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (sinh năm 1981) để điều tra về một vụ án hình sự có liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm nhân thọ.

Từ góc nhìn ngành bảo hiểm, đây là trường hợp nghiêm trọng, phản ánh sự toan tính tinh vi và kín kẽ trong hành vi trục lợi. Trên thực tế, trục lợi bảo hiểm không phải là câu chuyện mới, nhưng thời gian qua ghi nhận chiều hướng gia tăng rõ rệt, cả ở quy mô lẫn độ phức tạp.

Nhiều trường hợp bị nghi trục lợi bảo hiểm

Gần đây, có doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết đã phát hiện số lượng hồ sơ yêu cầu bồi thường do bỏng, gãy xương tăng đột biến và bất thường.

Phía công ty bảo hiểm nhận định, với trường hợp bỏng, nhiều khách hàng có bối cảnh bị bỏng tương tự nhau như: va vào nước sôi khi ăn tiệc, va vào nồi nước luộc gà, bỏng do bị nước lẩu đổ vào người… Trong khi đó, có những ca gãy xương ghi nhận vết thương không phù hợp với các mô tả về lực tác động, lý do gãy thiếu thuyết phục, không có nhân chứng lúc xảy ra tai nạn…

Các khách hàng nêu trên đồng loạt bị tai nạn khi hợp đồng vừa có hiệu lực vài tháng. Có khách không làm việc trong những nhóm ngành nghề nguy hiểm, nhưng mua bảo hiểm tập trung vào quyền lợi tai nạn giá trị lớn và mua cùng lúc các hợp đồng của nhiều công ty bảo hiểm khác nhau.

Theo chuyên gia, để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, trong trường hợp nghi ngờ nhưng không thể xác định 100% rằng khách hàng trục lợi bảo hiểm hay bị tai nạn ngẫu nhiên/trùng hợp, công ty bảo hiểm có thể báo với cơ quan chức năng, công an để điều tra làm rõ. Nếu rơi vào trường hợp bị từ chối chi trả, khách hàng cũng cảm thấy tâm phục khẩu phục.

Trên thực tế, ở nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam, có trường hợp bên trục lợi cố tình tiếp cận người mắc bệnh hiểm nghèo, sử dụng danh tính của họ để lập hồ sơ bảo hiểm rồi sau đó yêu cầu chi trả. Một số đối tượng khác có các hành vi giả mạo hồ sơ y tế, hợp thức hóa điều trị nội trú dù thực tế chưa từng nằm viện.

Hệ lụy đáng tiếc

Trục lợi bảo hiểm là hành vi gian lận có chủ đích, nhằm chiếm đoạt tiền bồi thường từ các công ty bảo hiểm. Đối tượng trục lợi có thể giả mạo giấy tờ, tráo đổi người bệnh, tự tạo hiện trường tai nạn giả, thậm chí là tự gây thương tích cho bản thân.

Theo điều 213, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể bị xử phạt lên đến 7 năm tù giam kèm theo những án phạt khác.

Thời gian qua, nhiều vụ trục lợi bảo hiểm từng gây xôn xao dư luận với nhiều hệ lụy. Đối tượng trục lợi có thể rơi vào vòng lao lý, hoặc đối mặt với thương tật vĩnh viễn trên cơ thể.

Điển hình, năm 2016, bà Lý Thị N. (Hà Nội) đã thuê người chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa hòng chiếm đoạt 3,5 tỉ đồng tiền bồi thường bảo hiểm. Dù chưa bị khởi tố, song những thương tật vĩnh viễn trên cơ thể đã trở thành bài học đắt giá cho hành vi liều lĩnh và bất chấp hậu quả.

Một vụ trục lợi bảo hiểm khác cũng từng dậy sóng dư luận trong năm 2020. Vì nợ số tiền lớn, không có khả năng trả nên Đỗ Văn M. (Đắk Nông) đã lên kế hoạch giết người cháu, tạo hiện trường giả là cái chết của chính mình nhằm trục lợi 18 tỉ đồng từ bảo hiểm. Kế hoạch bất thành, ông M. bị bắt và sau đó bị tuyên tử hình.

Chuyên gia thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng những người tham gia bảo hiểm với mục đích trục lợi thường không lường trước được các hậu quả pháp lý như bị phạt tiền, truy tố hình sự, cũng như bỏ qua các thiệt hại về sức khỏe, thân thể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn làm tổn hại đến uy tín và danh dự của gia đình.

Trục lợi bảo hiểm không chỉ là hành vi gian lận ảnh hưởng đến doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn gây hệ lụy trực tiếp đến khách hàng chân chính. Trước tình trạng trục lợi gia tăng, các công ty bảo hiểm có xu hướng siết chặt quy trình thẩm định, khiến khách hàng chân chính gặp khó khăn trong lúc cấp thiết.

Ngoài ra hành vi trục lợi cũng có thể làm tăng giá sản phẩm bảo hiểm, vì khi phải chi trả cho những yêu cầu giải quyết quyền lợi không hợp pháp, doanh nghiệp phải tăng mức phí bảo hiểm để bù đắp tổn thất. Vì vậy cần có những biện pháp nghiêm minh hơn để ngăn chặn trục lợi, không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn từ pháp luật, cơ quan quản lý.

Nhiều hệ lụy từ trục lợi bảo hiểm - Ảnh 3.Xuất khẩu lao động có được tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam?

Tôi đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam thì đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, vậy tôi có được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam không?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên