Năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi về môn thi. Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học cũng có nhiều điểm mới. Điều này buộc các trường đại học phải điều chỉnh phương án tuyển sinh.
Cho thí sinh chọn môn xét tuyển
Theo phương án tuyển sinh của Trường đại học FPT, với cả phương thức xét tuyển riêng và xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường này xét tổ hợp gồm ba môn thi.
Trong đó môn toán bắt buộc, hai môn còn lại do thí sinh lựa chọn. Với phương thức xét kết quả xếp hạng học sinh THPT 2025, thí sinh cần đạt xếp hạng top 50 năm 2025 theo điểm học bạ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 với điều kiện điểm môn toán và điểm hai môn bất kỳ của học kỳ 2 năm lớp 12 đạt từ 21 điểm trở lên.
Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ xét theo tổ hợp toán và hai môn bất kỳ. Điểm môn toán nhân hệ số 2. Điểm trúng tuyển sẽ công bố cụ thể sau khi có kết quả kỳ thi.
Trường đại học Tài chính - Marketing cũng thông tin dự kiến tuyển sinh năm 2025. Đối với môn xét tuyển, trường dự kiến xét theo tổ hợp ba môn bất kỳ trong đó có ít nhất một môn bắt buộc là toán. Như vậy hai môn còn lại sẽ do thí sinh tự chọn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Đạo - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết đây mới là dự kiến, trường chờ quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT.
"Chúng tôi xác định môn toán cần thiết cho ngành nghề đào tạo của trường nên dự kiến như vậy. Hai môn còn lại trường cũng sẽ xác định dựa trên đặc thù đào tạo của trường. Với số lượng tổ hợp cho mỗi ngành, 4 hay 6 tổ hợp trường sẽ công bố sau. Trường không sử dụng quá nhiều tổ hợp, bởi như vậy vừa rối cho thí sinh vừa rối cho trường" - ông Đạo cho biết thêm.
Trong khi đó, nhiều trường đại học khác lại có những điều chỉnh trái ngược nhau liên quan đến tổ hợp và phương thức xét tuyển. Trong khi không ít trường thu hẹp tổ hợp và phương thức xét tuyển thì nhiều trường ngược lại. Chẳng hạn năm nay hàng loạt trường đại học loại điểm học bạ khỏi phương thức xét tuyển của trường, rút gọn phương thức tuyển sinh như Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Nha Trang, Đại học Sư phạm Hà Nội...
Trường đại học Nha Trang năm 2024 xét tuyển 4 phương thức với 12 tổ hợp xét tuyển. Năm 2025, trường này bỏ phương thức xét tuyển học bạ. Cách thức xét tuyển cũng có nhiều thay đổi. Trong đó trường dự kiến sơ tuyển điểm học bạ THPT từ 3 đến 4 môn tùy ngành và toán, văn, tiếng Anh là bắt buộc. Khi xét tuyển chính thức, trường xét tuyển theo tổ hợp ba môn, môn toán và môn văn có ở tất cả tổ hợp xét tuyển.
Trường đại học Kinh tế quốc dân giữ phương thức tuyển sinh như năm 2024, nhưng số tổ hợp chỉ còn 4 thay vì 9 như năm trước. Năm 2024 trường này tuyển 9 tổ hợp xét tuyển, trong đó có cả toán, hóa, sinh cho các ngành khối kinh tế nông nghiệp, toán - văn - sử và toán - văn - địa cho ngành quan hệ công chúng. Năm nay chỉ còn 4 tổ hợp với các môn truyền thống, hoàn toàn không có các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thêm, thay đổi tổ hợp để tuyển sinh
Một trong những điểm đáng chú ý năm nay là việc nhiều trường mở rộng, thay đổi tổ hợp xét tuyển. Năm nay Trường đại học Công Thương TP.HCM xét tuyển tổ hợp văn - sử - địa cho nhiều ngành khối kinh tế - xã hội. Đại diện trường này cho rằng việc tuyển sinh khối C nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh, ngoài ra cũng giúp trường chọn lọc được những sinh viên có năng lực và nền tảng phù hợp với từng ngành học của trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-2, ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết trường vừa có điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển. Trường sẽ xét tuyển 6 tổ hợp, bao gồm 2 tổ hợp truyền thống đã bị loại bỏ trước đây.
"Các tổ hợp truyền thống trường tuyển sinh nhiều năm. Thí sinh có ý định xét tuyển vào trường cũng tập trung học các môn này. Do đó khi dự kiến bỏ hai tổ hợp truyền thống, trường nhận được nhiều ý kiến từ phụ huynh và học sinh nên đưa hai tổ hợp này tuyển sinh trở lại. Riêng hai tổ hợp mới với các môn thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường nhận thấy phù hợp với chương trình đào tạo nên đưa vào tuyển sinh" - ông Tiến cho biết thêm.
Tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, môn thành phần của tổ hợp xét tuyển có sự thay đổi nhỏ. Môn khoa học tự nhiên trong tổ hợp xét tuyển được thay bằng công nghệ công nghiệp, môn khoa học xã hội thay bằng một số môn khác. Đáng chú ý là việc toàn bộ các ngành của trường năm nay đều có từ 1 đến 2 môn chính nhân hệ số 2. Đây là điểm khác biệt lớn so với năm trước.
Ông Quách Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết dự thảo quy định điểm thành phần môn toán, văn phải chiếm 50% nên trường xác định toàn bộ tổ hợp đều có môn nhân hệ số nhằm đảm bảo quy định.
Hơn nữa thí sinh có thế mạnh môn đào tạo cốt lõi sẽ học tập tốt hơn. Chẳng hạn môn tiếng Anh ở ngành sư phạm Anh, toán ở các ngành học khối STEM. Thí sinh có thế mạnh môn chính sẽ có lợi hơn khi xét tuyển.
Một ngành xét tuyển 20 tổ hợp
Theo phương án tuyển sinh 2025 của Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường áp dụng bốn phương thức tuyển sinh cho 17 ngành với tổng 1.088 chỉ tiêu. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trong 17 ngành đào tạo có 6 ngành xét tuyển từ 4 đến 6 tổ hợp, trong khi nhiều ngành tuyển sinh theo 11 - 12 tổ hợp. Đặc biệt một số ngành có tới 19 - 20 tổ hợp xét tuyển.
Ngành khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh giữ kỷ lục với 20 tổ hợp xét tuyển, trở thành ngành có số lượng tổ hợp xét tuyển nhiều nhất trong hệ thống đại học hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều ngành khác tại trường cũng có số lượng tổ hợp xét tuyển lớn, như ngành toán ứng dụng với 19 tổ hợp xét tuyển. Năm 2024, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường xét tuyển từ 3-4 tổ hợp/ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận