Nhật Bản trở lại vị trí quán quân đầu tư FDI vào VN - Ảnh: N.BÌNH
Số vốn này chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư FDI của VN.
Dự án đáng chú ý của nhà đầu tư Nhật Bản là dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD, mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội…
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,06 tỉ USD, chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,39 tỉ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 20,33 tỉ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,37 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 7,91 tỉ USD, chiếm 38,9% tổng số vốn đầu tư đăng ký.
Cũng đã có hơn 5,5 tỉ USD vốn ngoại rót vào lĩnh vực bất động sản. Thu hút ít vốn hơn là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong khi tổng đăng ký mới và tổng vốn đăng ký tăng thêm lần lượt đạt 11,8 tỉ và 4,43 tỉ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, thì đầu tư qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lại tăng rất mạnh cả về lượt dự án và vốn đầu tư.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỉ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017.
Trong quý 1-2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào gần 650 triệu USD dưới hình thức đầu tư gián tiếp (mua cổ phần và góp vốn đầu tư) tại các doanh nghiệp Việt Nam, tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank), đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư VN, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.
Dòng vốn FDI tiếp tục ổn định đã giúp cho áp lực biến động tỷ giá giảm đáng kể. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều mối quan ngại kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào vốn FDI và xuất khẩu làm động lực tăng trưởng chính.
Trong khi đó, FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng, đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng.
Một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường; sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận