03/09/2003 11:31 GMT+7

Ai kiểm soát quyết định của Chính phủ Mỹ - Âu tại WTO?

DUY VĂN
DUY VĂN

TT (TP.HCM) - Trước tuần diễn ra hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Cancun (từ 10 tới 14-9), một báo cáo mang tên “Luật lệ kinh doanh tại WTO: Ai trả giá?” do Tổ chức quốc tế Những người bạn của Trái đất (FOEI) thực hiện phối hợp với Đài Quan sát công ty châu Âu (CEO) đã được công bố. Báo cáo vạch rõ: các công ty lớn đang tiến tới kiểm soát các quyết định của Chính phủ Mỹ và châu Âu trong các cuộc thương lượng tại WTO.

312aYXe5.jpgPhóng to
Các thế hệ mai sau ở các nước đang phát triển sẽ là những người trả giá.
TT (TP.HCM) - Trước tuần diễn ra hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Cancun (từ 10 tới 14-9), một báo cáo mang tên “Luật lệ kinh doanh tại WTO: Ai trả giá?” do Tổ chức quốc tế Những người bạn của Trái đất (FOEI) thực hiện phối hợp với Đài Quan sát công ty châu Âu (CEO) đã được công bố. Báo cáo vạch rõ: các công ty lớn đang tiến tới kiểm soát các quyết định của Chính phủ Mỹ và châu Âu trong các cuộc thương lượng tại WTO.

Theo báo cáo của FOEI, đằng sau sự khoa trương về “buôn bán dựa trên luật lệ” và “tự do hóa thương mại” của WTO là một thực tế khác: các luật lệ buôn bán và đầu tư của WTO được định hình theo lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia. Bằng chứng là sự hiện diện của 250 nhóm vận động tại Hội nghị Cancun với nhiệm vụ “đảm bảo các nhà đàm phán bám sát vào chương trình nghị sự thân thiện với kinh doanh mà các chính phủ phương bắc sẽ mang tới Cancun”.

Nghiên cứu của FOEI dựa trên các đối tượng cụ thể là các tập đoàn đa quốc gia như Pfizer (dược phẩm), Suez (nước), Halliburton (năng lượng), Monsanto (thực phẩm) và Exxon Mobil (năng lượng).

Mối liên hệ chính phủ - tập đoàn

Cuộc thương lượng về giá thuốc cho các nước nghèo được thông qua một cách trầy trật tuần qua là một trong các ví dụ về ảnh hưởng của các tập đoàn nêu trong báo cáo. Nguyên tắc về việc các nước đang phát triển phải được quyền tiếp cận các loại thuốc trị AIDS, sốt rét và lao phổi và những bệnh hiểm nghèo khác đã được đồng thuận từ hai năm trước.

Theo đó, các nước nghèo được sản xuất các loại thuốc nhái mà không phải tuân theo luật quốc tế TRIPS, vốn qui định mỗi loại thuốc mới này không được phép sản xuất nhái trong vòng 20 năm. Thế nhưng việc đạt được các chi tiết của thỏa thuận đã bị trì kéo rất lâu. Đến tháng 12-2002 Mỹ còn phong tỏa một trong những điểm của thỏa thuận vì nó “tạo điều kiện cho quá nhiều loại thuốc thoát khỏi luật bản quyền”.

Cuối cùng, thỏa thuận chỉ được thông qua khi tất cả thành viên WTO hứa không “lạm dụng luật mới” và không sản xuất các loại thuốc “cho những mục tiêu lợi nhuận”. Chuyên gia của các tổ chức nhân đạo thì vạch rõ thỏa thuận mới đang trói buộc các nước Thế giới thứ ba vào mạng lưới rắc rối của những điều kiện và hoàn toàn không giảm nhẹ được giá cả. Oxfam tuyên bố: “Văn bản thỏa thuận còn quá nhiều bẫy hành chính và vô số chướng ngại”.

Nhưng ai đang đứng sau các quyết sách này? Theo báo cáo FOEI, đó là những tập đoàn dược phẩm giàu có - tổng trị giá năm công ty dược phẩm hàng đầu thế giới hiện gấp đôi tổng thu nhập nội địa (GNI) của tất cả các nước châu Phi Hạ Sahara.

Báo cáo cho biết nhà sản xuất dược phẩm khổng lồ của Mỹ Pfizer đã chi 3,4 triệu USD trong năm 2000 cho việc lobby (vận động hành lang) chính phủ. Công ty Pharmacia, sau này sáp nhập cùng Pfizer, thì chi 3,7 triệu USD. Kết quả là quan điểm của Mỹ về TRIPS mang nét “tương đồng tới mức gây ấn tượng với các mong muốn của các nhóm lobby cho công nghiệp dược”, báo cáo FOEI viết.

Những tay trong

Theo báo cáo FOEI, việc tiếp cận các dược phẩm thiết yếu chỉ là một trong bốn tác động chính của các tập đoàn đối với các quyết sách của WTO. Trong lĩnh vực các tiêu chuẩn môi trường, sức khỏe và thực phẩm, báo cáo cho biết, Monsanto, công ty Mỹ dẫn đầu trong việc phát triển thực phẩm biến đổi gen (GMF), đã chi hơn 2 triệu USD để vận động chính phủ.

Nhờ đó công ty này được tiếp xúc với các quan chức và các nhà thương lượng về GMF. Không chỉ thế, Monsanto còn có đại diện tại Ủy ban cố vấn chính sách nông nghiệp trong mậu dịch và Ủy ban cố vấn công nghệ sinh học của chính quyền Mỹ.

Đó là chưa kể Monsanto còn là thành viên của Europabio, một nhóm vận động hành lang công nghệ sinh học của châu Âu. Ngoài ra, việc thúc đẩy phát triển GMF còn được tiếp tay vận động bởi Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ, được tạp chí Fortune xếp hạng là “một trong những tổ chức quyền lực nhất ở Washington”.

Mối liên hệ mật thiết của Monsanto với các quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ còn được tạo điều kiện bởi các mối quan hệ giữa công nghiệp với chính phủ. Ví dụ Michael Kantor, cựu bộ trưởng thương mại và cựu đặc sứ thương mại Mỹ, hiện là một thành viên trong ban giám đốc của Monsanto.

Hay Michael Taylor, người trước đây từng làm luật sư cho Monsanto, đã là một quan chức trong Cục Thực phẩm và dược phẩm Mỹ vào lúc cơ quan này đồng ý với loại hoocmôn trong sữa BST của Monsanto. Taylor sau đó lại trở về Monsanto làm phó chủ tịch.

Các mối liên hệ này không chỉ giới hạn trong chính quyền Mỹ: cựu phó giám đốc Monsanto, ông Rufus Yerxa, đã được bổ nhiệm làm phó cho tổng giám đốc WTO vào tháng 8-2002. Tờ The Financial Times mô tả Rufus Yerxa “đúng là người (mà tổng giám đốc WTO) cần nếu Mỹ bỏ nhỏ WTO về việc nới lỏng các giới hạn của EU đối với GMF”.

Đối với việc bảo vệ môi trường, báo cáo của FOEI cảnh báo: các nhóm vận động hành lang đang đòi các luật lệ của WTO có tính chỉ huy cả đối với các thỏa thuận môi trường đa phương (MEA). Báo cáo đơn cử trường hợp Ủy ban cố vấn công - doanh nghiệp (BIAC) của Tổ chức Hợp tác và phát triển châu Âu (OECD).

BIAC, với tư cách một nhóm cố vấn chính thức của OECD, đang sử dụng cơ hội để tác động vào chính sách của các thành viên OECD. Thế nhưng các thành viên chủ tọa Ủy ban môi trường của nhóm này lại thuộc Tập đoàn Suez; trong khi các tập đoàn Monsanto, Pfizer thì lại làm phó chủ tịch các ủy ban công nghệ sinh học của BIAC, DuPont nhận ghế chủ tịch Ủy ban thương mại BIAC, và Shell làm phó chủ tịch Nhóm đặc nhiệm về thay đổi khí hậu!

Đối với việc kiểm soát đầu tư, báo cáo FOEI đơn cử một ví dụ từ trường hợp Tập đoàn thuốc lá Philip Morris (PM). PM đang vận động để đưa vào các vòng đàm phán WTO “Thỏa thuận đầu tư đa phương” (MIA) mà một trong những điều khoản là cho phép các tập đoàn được trực tiếp kiện các nước.

Với qui mô kinh doanh bao trùm 148 nước, PM vận động MIA qua kênh Hội đồng kinh doanh quốc tế của Mỹ và Phòng thương mại quốc tế. Nếu MIA được thông qua, các tập đoàn sẽ được dấn sâu hơn vào thị trường các nước đang phát triển. Trong khi đó con số 10 triệu mạng sống sẽ mất đi vì thuốc lá tới năm 2030 lại là một vấn đề không được quan tâm.

Trong lĩnh vực các dịch vụ cơ bản, FOEI cho biết những người khổng lồ Suez và Vivendi đã thông qua các kênh để tìm cách trói buộc các quốc gia vào những hợp đồng tư nhân: những hợp đồng này không ngăn cản được các công ty rời bỏ chốn đầu tư nếu lợi nhuận giảm sút, trong khi các chính phủ không dễ gì kết thúc hợp đồng.

Những năm gần đây nhiều chính phủ buộc phải kết thúc sớm các hợp đồng nước tư nhân do giá quá cao và dịch vụ kém. Ví dụ tại Cochabamba (Bolivia), theo sau việc tư hữu hóa, giá nước tăng 150%, và công ty nước (một chi nhánh của Bechtel) dọa cắt nước những ai không trả tiền. Kết quả là những cuộc biểu tình khiến chính phủ phải hoãn hợp đồng tư nhân năm 2000.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên