
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đề xuất cắt đến 48% ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao do Ngoại trưởng Marco Rubio (trái) lãnh đạo - Ảnh: AFP
Theo báo Washington Post ngày 14-4 (giờ địa phương), Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) đề xuất mức phân bổ ngân sách năm tài khóa 2026 cho Bộ Ngoại giao Mỹ là 28,4 tỉ USD. Con số này thấp hơn ngân sách năm 2025 khoảng 27 tỉ USD, tương đương mức giảm lên đến 48%.
Chấm dứt một loạt chương trình hợp tác quốc tế
Con số này được đề cập trong một tài liệu nội bộ được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành hồi tuần trước. Đây là mức đề xuất của OMB và có thể được Ngoại trưởng Marco Rubio và các lãnh đạo bộ này yêu cầu chỉnh sửa, trước khi được trình cho Quốc hội Mỹ phê duyệt vào cuối tháng này.
Năm tài khóa 2026 ở Mỹ sẽ bắt đầu ngày 1-10-2025 và kết thúc ngày 30-9-2026.
Đáng chú ý, con số 28,4 tỉ USD nói trên bao gồm cả ngân sách cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Trong các năm tài khóa trước, USAID là một cơ quan độc lập, có ngân sách riêng biệt với Bộ Ngoại giao.
Điều này cho thấy hai điều: thứ nhất, mức cắt giảm dành riêng cho Bộ Ngoại giao Mỹ có thể còn sâu hơn mức giảm 48% được công bố; thứ hai, Nhà Trắng chính thức xem USAID là một bộ phận trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Tài liệu trên cũng khẳng định Nhà Trắng sẽ cắt 54% ngân sách cho hoạt động viện trợ nhân đạo và 55% ngân sách tài trợ y tế toàn cầu.
Đặc biệt, gần 90% ngân sách tài trợ cho các tổ chức quốc tế bị cắt bỏ. OMB đề xuất không chi một đồng nào cho Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 20 thiết chế khác.
Một vài tổ chức ít ỏi vẫn nhận tiền từ Washington cũng bị cắt quy mô tài trợ, bao gồm Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAA).
Các chương trình hợp tác giáo dục và văn hóa do Bộ Ngoại giao quản lý, điển hình như chương trình trao đổi học bổng Fulbright, sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiến hành cải tổ, tinh gọn bộ máy. Hàng chục ngàn trên tổng số 80.000 nhân viên của bộ này sẽ bị sa thải, cùng với việc đóng cửa nhiều lãnh sự quán và cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài.
Liệu có được Quốc hội Mỹ thông qua?

Đám đông người biểu tình việc Chính phủ Mỹ đang tìm cách giải thể USAID - Ảnh: REUTERS
Tài liệu nội bộ trên được ký bởi ông Douglas Pitkin, lãnh đạo bộ phận phụ trách ngân sách và hoạch định của Bộ Ngoại giao, và ông Peter Marocco.
Ông Marocco là đồng minh thân cận của tỉ phú Elon Musk, được điều đến Bộ Ngoại giao công tác nhằm thúc đẩy công cuộc cắt giảm ngân sách ở cơ quan này. Tuy nhiên gần đây ông Marocco đã rời Bộ Ngoại giao.
Theo tài liệu, ông Rubio phải phản hồi đề xuất của OMB, bao gồm cả các kiến nghị điều chỉnh, muộn nhất ngày 15-4.
Dù chưa chính thức được đưa ra Quốc hội xem xét, việc cắt mạnh tay ngân sách đối ngoại chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ một lượng lớn nghị sĩ.
Các khoản viện trợ nhân đạo từ lâu đã được xem là công cụ giúp Mỹ duy trì quyền lực mềm và sức ảnh hưởng lên các đối tác.
Do đó không ít quan chức lo ngại việc chấm dứt chương trình này sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ. Thậm chí các đối thủ cạnh tranh của Mỹ như Trung Quốc và Nga sẽ nhân cơ hội này, "nhảy vào" tranh giành tầm ảnh hưởng với Washington.
Mặt khác, một bộ phận đông đảo chính trị gia cũng cho rằng việc siết chặt ngân sách với các chương trình tài trợ quốc tế là cần thiết. Nhiều chương trình tài trợ quốc tế của Mỹ bị cáo buộc không minh bạch, thiếu hiệu quả và không thể chứng minh dòng tiền đã đến tay mục tiêu đề ra.
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen (bang Maryland), nghị sĩ Dân chủ cao cấp nhất trong tiểu ban phụ trách Bộ Ngoại giao và USAID thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nhận định: "Đây là bản ngân sách thiếu nghiêm túc. Tôi dự đoán nó sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả hai đảng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận