12/11/2003 09:14 GMT+7

Đà Nẵng: Dân nín thở... chờ qui hoạch

VÂN AN
VÂN AN

TT (Đà Nẵng) - Đã hơn 10 năm nay, người dân ở khu vực Thuận An - Đông Xuân (phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã gửi nhiều đơn khiếu kiện đến các cấp chính quyền về việc bị ô nhiễm nặng do chất thải của các cơ sở sản xuất (CSSX) gây ra, vậy mà đến giờ họ vẫn phải tiếp tục chịu đựng...

6YdGcU2V.jpgPhóng to
Bàu Phần Lăng bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và sinh hoạt thường ngày của người dân
TT (Đà Nẵng) - Đã hơn 10 năm nay, người dân ở khu vực Thuận An - Đông Xuân (phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã gửi nhiều đơn khiếu kiện đến các cấp chính quyền về việc bị ô nhiễm nặng do chất thải của các cơ sở sản xuất (CSSX) gây ra, vậy mà đến giờ họ vẫn phải tiếp tục chịu đựng...

Sống cùng... ô nhiễm!

“Cứ đi thẳng vào gần khu giết mổ gia súc, hễ nghe mùi thối không chịu được thì đó là khu 118”. Đó là câu trả lời chúng tôi nhận được khi tìm đường đến khu dân cư 118 An Khê. Theo qui hoạch, khu 118 có 117 lô, dành cho các đối tượng chính sách của TP Đà Nẵng nhưng hiện chỉ có 52 hộ sinh sống.

Bác Phan Ân nói với chúng tôi: “Mùi thối từ Procimex (Công ty Kinh doanh chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng) xộc qua không tài nào ngủ được. Cái mùi khó chịu lắm, cứ như mùi xác con vật chết để lâu ngày bị sình”.

Chị Phạm Thị Anh tiếp lời: “Tất cả chất thải rắn như xương, vây, nội tạng của các loại hải sản hay lông, da, huyết, phân... của các loại súc sản cứ dồn lại một nơi và nước từ các chất thải đó tuôn ra...”.

Vào đến tổ 41, khối Đông Xuân, bác Nguyễn Văn Chim không giấu những bức xúc: “Trước đây, mỗi năm gia đình tôi trồng hai vụ lúa, mỗi mùa thu hoạch cũng được 40 ang/sào (1 ang = 6kg). Nhưng bây giờ nước từ bàu Phần Lăng tràn vào rồi nước từ sân bay sền sệt dầu cũng đổ xuống, ngập sâu lắm, đành bỏ ruộng. Chỉ còn một số đất ít ngập tôi trồng rau muống, xà lách xoong nhưng đều bị... chín hết”.

Bác Trần Văn Đi, tổ trưởng tổ 41, bực bội: “Tôi cũng là nông dân giỏi làm ăn lắm nhưng bây giờ phải ăn không ngồi rồi”. Chị Trần Thị Cúc, tổ 63, đang bê một mủng rau diếp cá vừa hái ở ruộng lên, nghe chuyện, bức xúc nói thêm: “Chừng này rau chỉ bán được 15.000 đồng nhưng đành nín thở để hái cho xong. Nước dưới ruộng hôi thối lắm, mỗi lần ở dưới ruộng về dù tắm rửa xát xà phòng thật nhiều nhưng mùi hôi vẫn cứ xộc lên mũi, ngứa ngáy”.

Được biết, cách đây bốn năm, mỗi khi mưa lớn nước đọng trong bàu Phần Lăng còn theo mưa chảy ra cống, nhưng từ khi làm đường Điện Biên Phủ nước không thoát được nên ruộng càng bị ngập sâu hơn.

Do vậy, chủ tịch Hội Nông dân phường An Khê Nguyễn Văn Quân đã phải thường xuyên làm công tác tư tưởng cho nông dân vì có lần một số người dân ở đây đã đòi ném đá vào Procimex. Cuối cùng lãnh đạo UBND phường xuống gặp gỡ bà con và lãnh đạo công ty để hòa giải.

Phó chủ tịch UBND phường Phạm Tấn Thanh bộc bạch: “Sự thật là dân phải chịu ô nhiễm quá nặng. Lãnh đạo phường phải cố gắng làm dịu bức xúc trong dân, không tạo thành điểm nóng”.

Trong khu vực này không phải chỉ có mỗi đơn vị này. Theo ghi nhận của chúng tôi, cũng phải kể đến các CSSX như gia công chế biến hàng tơ tằm, Công ty cổ phần nước giải khát Đông Nam Á, giấy Ngọc Lan... Tất cả nước thải của các đơn vị này đổ thẳng ra bàu Phần Lăng - một nơi trước đây được ví như lá phổi xanh của phường.

Khi đến cầu Gió Bay, chúng tôi đã không thể chịu nổi phải bịt mũi vì mùi hôi từ bàu Phần Lăng xộc lên. Trên mặt nước đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng... hậu quả từ nước thải của các CSSX giấy và hàng tơ tằm.

Phó chủ tịch phường Phạm Tấn Thanh ngao ngán nhìn nhận: “Môi trường đã bị ô nhiễm đến vậy nhưng những người vô ý thức lại vứt thêm xác súc vật, rác rến xuống bàu nên đã thối lại càng thêm thối”.

Vẫn phải tiếp tục... nín thở

Quá bức bách, UBND phường xây dựng dự án đầu tư một con kênh bằng bêtông có nắp đậy với kinh phí 800 triệu đồng để dẫn nước thải ra biển. Trong đó Procimex góp 100 triệu đồng, các CSSX khác khoảng 20-30 triệu đồng/đơn vị, Sở Khoa học - công nghệ hỗ trợ 100 triệu đồng, khoản còn lại từ ngân sách địa phương và do nhân dân đóng góp. Nhưng dự án này không được cấp thẩm quyền phê duyệt do 18ha của khu vực này sẽ được qui hoạch lại, các CSSX được di dời lên các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến giờ này chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được một văn bản hay một quyết định chính thức nào về qui hoạch mới này (?). Chính vì lẽ đó hiện tại người dân rơi vào tình cảnh bỏ thì thương vương thì nợ. Cuộc sống của nhiều người đã gắn liền với mảnh ruộng nên phải đeo bám dù thu hoạch chẳng là bao và mỗi khi ra ruộng là phải... nín thở chịu đựng.

Mới đây, trao đổi về tình trạng của khu vực Thuận An - Đông Xuân, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Điểu đã xác định: “Sẽ nhanh chóng làm việc với các CSSX tại An Khê để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và cần UBND TP hỗ trợ những gì khi tiến hành di dời đến các khu công nghiệp. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ báo cáo với UBNDTP để có thể nhanh chóng qui hoạch lại khu vực này”.

Nhanh chóng là cần, nhưng... đến bao giờ?

VÂN AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên