
Người dùng Việt dùng app đặt xe, gọi đồ ăn và thanh toán trung bình 5 lần/tuần - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo báo cáo "Thói quen sử dụng siêu ứng dụng tại Việt Nam 2025" vừa được Cimigo công bố, trung bình người Việt sử dụng siêu ứng dụng 5 lần mỗi tuần, tập trung vào ba nhóm dịch vụ chính: thanh toán điện tử 3,88 lần/tuần, gọi xe máy 3,04 lần/tuần, và đặt giao đồ ăn 2,83 lần/tuần.
Dùng app nhiều, ưu tiên tiện lợi
Cimigo là một công ty nghiên cứu thị trường độc lập hoạt động chủ yếu tại khu vực châu Á. Theo đánh giá của Cimigo, mô hình "tất cả trong một" thu hút người dùng đang có xu hướng ưu tiên tích hợp dịch vụ trong một nền tảng duy nhất để tiết kiệm thời gian, chi phí và thao tác.
Tại TP.HCM, nhóm người dùng trong độ tuổi 25-44 có tần suất sử dụng và mức chi tiêu cho hầu hết các dịch vụ trên siêu ứng dụng cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt ở dịch vụ giao đồ ăn.
Trong khi đó, dịch vụ gọi xe ô tô lại được nhóm người từ 44 tuổi trở lên sử dụng thường xuyên hơn, cho thấy sự khác biệt về nhu cầu di chuyển theo từng thế hệ.
Người tiêu dùng ngày nay có xu hướng dùng nhiều siêu ứng dụng song song để so sánh giá cả và săn tìm ưu đãi, phản ánh hành vi mua sắm linh hoạt và nhạy cảm với chi phí, theo báo cáo Cimigo.
Về mức độ phổ biến thương hiệu, Cimigo thống kê MoMo, Shopee, Be và Grab là những doanh nghiệp dẫn đầu với tỉ lệ chuyển đổi từ nhận biết sang sử dụng thực tế cao.
Đáng chú ý, Be đạt hiệu quả tốt ở cả mức độ nhận biết và tần suất sử dụng trong vòng 3 tháng gần nhất. Tuy vậy tỉ lệ duy trì người dùng của Be còn thấp, chỉ khoảng 15% cho thấy vẫn còn dư địa lớn để cải thiện lòng trung thành và trải nghiệm lâu dài.
Người dùng Be chủ yếu là nam giới trong độ tuổi 18-24, sử dụng chủ yếu cho các dịch vụ gọi xe máy, gọi ô tô và giao hàng nhanh.
Trong khi đó, Grab, ZaloPay và Traveloka lại phổ biến hơn với nhóm tuổi 25-44, còn TikTok Shop có mức độ phổ biến cao nhất ở nhóm 18-24 tuổi. Riêng Shopee và MoMo có độ phủ rộng nhất, xuất hiện đồng đều ở tất cả các nhóm tuổi.
Ba yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy người dùng gắn bó với một siêu ứng dụng gồm giá cả cạnh tranh, thao tác nhanh gọn, ổn định.

Báo cáo "Thói quen sử dụng siêu ứng dụng tại Việt Nam 2025" vừa được Cimigo công bố - Ảnh: Cimigo
Cuộc đua gọi xe công nghệ, "miếng bánh" ngày càng đông người chia
Trên thị trường app gọi xe công nghệ hiện nay, Grab vẫn giữ vị trí dẫn đầu, Be ứng dụng thuần Việt đang ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ mô hình tích hợp đa dịch vụ. Xanh SM tạo lợi thế bằng đội xe điện đồng bộ, còn Tada "đánh vào" nhóm tài xế với chính sách không thu phí hoa hồng.
Dù mỗi ứng dụng có chiến lược riêng, nhưng điểm chung là tất cả đều hướng đến mục tiêu giành lấy thời gian và chi tiêu mỗi ngày của người dùng Việt.
Trong năm 2024, Be ghi nhận mức tăng trưởng GMV toàn nền tảng đạt 60%, lượng người dùng tăng 50%. Đáng chú ý, 70% người dùng Be sử dụng từ hai dịch vụ trở lên, với mức chi tiêu cao gấp 25 lần nhóm chỉ dùng một dịch vụ.
Be đang tích hợp 12 nhóm dịch vụ như gọi xe, giao hàng, beFood, beGiúpviệc, đặt vé máy bay, xe khách, bảo hiểm, viễn thông…
Grab vẫn là "ông lớn" đi đầu với tệp khách hàng rộng và mạng lưới dày đặc. Tuy nhiên trong năm qua, hãng này đối mặt với thách thức về mức chiết khấu cao, khiến nhiều tài xế và người dùng chuyển sang các lựa chọn khác.
Xanh SM, thương hiệu gọi xe thuần điện của Tập đoàn Vingroup, nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng nhờ chất lượng dịch vụ và định vị rõ nét về môi trường.
Đáng chú ý, Tada không xuất hiện rầm rộ trên thị trường nhưng ứng dụng gọi xe công nghệ thu hút sự chú ý với chính sách hoa hồng tài xế khá thấp, tạo hiệu ứng lan tỏa tại Hà Nội và TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận