05/04/2014 19:20 GMT+7

Người Việt chen lấn, xô đẩy vì không biết xấu hổ?

ROBERT SMITH(Người Úc, sống và làm việc ở Việt Nam hơn 10 năm)QUỲNH TRUNG ghi
ROBERT SMITH(Người Úc, sống và làm việc ở Việt Nam hơn 10 năm)QUỲNH TRUNG ghi

TTO - Sau hai bài viết về những thói quen xấu của người Việt, Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được bài viết của ông Robert Smith, quốc tịch Úc, hơn 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam, chia sẻ về thói quen xấu trong giao thông của người Việt, xin trích đăng để bạn đọc tham khảo.

Người Việt thường không xếp hàng và hay chen lấnCó những người Việt xấu xí

ku1DUfXi.jpgPhóng to
Xe máy vô tư chở hàng cồng kềnh gây cản trở giao thông trên đường phố - Ảnh: Thuận Thắng

Bạn đang lái xe trên đường, người kế bên hoặc đi trước quẹo đột ngột hoặc chạy ra từ một con hẻm mà không nhìn trước nhìn sau và suýt tông bạn. Hoặc khi bạn đang đi ra từ một tòa nhà, người đi trước chỉ mở cánh cửa đủ để họ đi ra mà không quan tâm đến người sau. Theo tôi những tình huống như thế chỉ có ở Việt Nam.

Thiếu quan tâm đến người khác

Quan sát mọi người đi xe máy trên đường sẽ thấy được những thói quen không hay của một bộ phận người Việt. Nhiều xe máy ở Việt Nam không có kính chiếu hậu để người chạy quan sát xung quanh hoặc đằng sau. Ngay cả khi có kính chiếu hậu thì người lái xe cũng không dùng đến hoặc chỉ để soi gương, nặn mụn, cạo râu hoặc nhổ tóc bạc. Đó là thói quen thường thấy của một số người Việt tại nơi công cộng mà tôi từng chứng kiến.

Có một thực tế là không ít người Việt thường không quan tâm nhiều đến những người xung quanh - đặc biệt là những người họ không quen biết. Ở đây tôi không nói đến những người cần sự giúp đỡ trong cuộc sống hằng ngày (chẳng hạn người khuyết tật và người bệnh) bởi tôi thấy người Việt rất yêu thích công việc thiện nguyện và giúp đỡ người nghèo. Tôi chỉ nói chung về phản ứng của người Việt ở nơi công cộng.

Nhiều người bạn của tôi thường phàn nàn rằng lý do mà nhiều người Việt thường chạy cắt ngang các xe cộ khác trong khi lái xe hoặc chen lấn, xô đẩy nhau để giành ưu tiên là vì họ không biết xấu hổ. Một số người cho rằng căn nguyên của tình trạng này là do thiếu giáo dục hoặc do luật pháp Việt Nam chưa thật chặt để xử phạt hay răn đe hiệu quả, nhưng tôi nghiêng về khả năng những người này thiếu nhận thức và thiếu quan tâm đến cảm giác của người khác.

Trở lại ví dụ về đi xe máy. Người ta tìm mọi cách vượt qua những người đi trước khi có cơ hội hoặc thậm chí chen ngang. Một cô bạn người Việt nói với tôi rằng cô ấy thường cảm thấy phẫn nộ khi chứng kiến nhiều người phá vỡ những quy tắc này nhưng trong một số trường hợp cô thừa nhận cũng vi phạm vì lúc đó đang vội.

Sống ở Việt Nam lâu, tôi quan sát thấy có hai quy tắc phổ biến khi lái xe là "nhường đường cho những ai quyết tâm vượt qua người khác" và "nhường đường cho những xe lớn và nhanh hơn".

Khi xét về hành vi ứng xử nơi công cộng và hành vi xã hội, thành thật mà nói một bộ phận người Việt bây giờ giống như một số người sống trong xã hội không luật lệ thời miền Tây hoang dã (Wild West) trước đây.

Và tôi không cho rằng nguyên nhân chỉ vì người Việt vô tâm. Nhưng có thể bởi vì họ có cái nhìn phiến diện - một tầm nhìn chỉ cho phép họ nhìn thấy những gì diễn ra trước mắt (không nhìn thấy bên cạnh hay phía sau). Đây có thể là một sản phẩm của quá khứ chẳng hạn như dành nhiều thời gian và công sức tái xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Phương Tây không phải cái gì cũng tốt nhưng họ có văn hóa "nhường đường"

Không phải lúc nào xã hội phương Tây cũng tốt. Hầu hết mọi người ở phương Tây thường vị kỷ và đề cao chủ nghĩa cá nhân nhưng ít ra trên đường, chúng tôi cũng có cái gọi là “nhường đường” và có một số quy tắc trên đường.

Ở nơi công cộng, người phương Tây nói chung rất lịch sự và nhã nhặn đối với những người xung quanh, đặc biệt đối với những ai thể hiện sự nhã nhặn trước.

Ở các nước phương Tây, để khuyến khích các hành vi xã hội tích cực, chúng tôi phát động các chiến dịch truyền hình giải trí, các bản nhạc rock hoặc pop đương đại và các khẩu hiệu sáng tạo chứ không dùng các biểu ngữ hoặc poster tuyên truyền sáo rỗng.

Việt Nam có rất nhiều rạp chiếu phim, tôi nghĩ những nơi như thế này nên liệt kê rõ những thứ không nên làm và nên làm.

Những trung tâm mua sắm và các cửa hàng thức ăn nhanh phải yêu cầu khách hàng xếp hàng. Họ là những người có trách nhiệm chỉ dẫn mọi người cách ứng xử, cách ăn uống và tận hưởng nơi công cộng.

Một số người Việt không giải thích được lý do tại sao họ xô đẩy và chen lấn khi xếp hàng, hoặc tại sao lại không lịch sự với người khác. Một số người nói không ý thức được hành vi của mình là xấu khi tôi hỏi tại sao họ tiếp tục tìm một con đường khác để đi nhằm tránh kẹt xe hoặc vượt đèn đỏ.

Tôi nghĩ một bộ phận người Việt nên tự xem lại và điều chỉnh cái nhìn phiến diện của mình.

Bạn suy nghĩ gì về những ý kiến của ông Robert Smith, điều đó đúng hay sai? Hãy chia sẻ những suy nghĩ của bạn với chúng tôi qua địa chỉ email [email protected]. Xin cảm ơn.

ROBERT SMITH(Người Úc, sống và làm việc ở Việt Nam hơn 10 năm)QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên