20/06/2016 14:59 GMT+7

Người làm báo nhức nhối với “lợi ích nhóm”

PHẠM VŨ thực hiện (phamvu@tuoitre.com.vn)
PHẠM VŨ thực hiện ([email protected])

TTO - Báo chí khi ấy không chỉ mang tính thông tin hay dự báo mà mang tính giải pháp, tư vấn, là nguồn tham khảo quan trọng để xây dựng chính sách, điều hành xã hội.

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Việt Dũng
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Việt Dũng

 

Ngay khi còn ở chức vụ phó ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, TS Vũ Ngọc Hoàng thường xuyên gửi cho Tuổi Trẻ những bài báo, nghiên cứu của ông với những chủ đề nóng bỏng: quyền lực phải là của dân, cần có nghị quyết kiểm soát quyền lực...

Dịp 21-6 này, tuyến bài “Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm” được Tuổi Trẻ tổ chức từ bài viết của ông đã được Hội Nhà báo TP.HCM trao giải nhất nhóm chính luận...

* Nhận được tin bài viết “Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm” của mình được trao hai giải báo chí (một giải nhất của Hội Nhà báo TP.HCM và một giải nhất của Hội Nhà báo Việt Nam), theo ông, lựa chọn ấy nói lên điều gì?

- TS Vũ Ngọc Hoàng: Dịp này tôi nhận được ba giấy mời đi nhận giải thưởng báo chí: giải báo chí quốc gia và giải TP.HCM, Đà Nẵng. Vui, chứ không ngạc nhiên lắm bởi trước đó, khi báo đăng bài, tôi có được nghe ý kiến hoan nghênh, tán thành với chủ đề “lợi ích nhóm” của nhiều anh em, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả một số tổ chức Đảng ở địa phương và cơ sở.

Theo tôi, hội đồng chấm giải báo chí năm nay, cả TP.HCM và trung ương, lựa chọn bài và chủ đề ấy để trao giải đã thể hiện hai điều: thứ nhất, ở Việt Nam lợi ích nhóm đã trở thành một vấn nạn lớn mà cả xã hội quan tâm, trong đó tất nhiên những người làm báo là những người nhức nhối nhất.

Nhu cầu làm rõ nguyên nhân, đấu tranh với các thế lực để tìm giải pháp ngăn chặn, khắc phục, loại bỏ lợi ích nhóm tiêu cực đã trở thành nhu cầu của từng người dân, của xã hội, đòi hỏi thúc bách với các cấp chính quyền, lãnh đạo.

Thứ hai, tư duy của Hội Nhà báo thoáng hơn trước, trách nhiệm với xã hội, với đất nước được đặt lên trên nhiệm vụ tuyên truyền, không còn coi đó là vấn đề “nhạy cảm” không nên viết lên báo.

Đó là tư duy mới, đúng và cần thiết, cần phải được phát huy. Nghĩ thế tôi rất phấn khởi cho xu thế chung.

* Khi gửi những bài báo mang tính nghiên cứu về tư tưởng, thể chế, chính sách của mình đến báo chí, ông chờ đợi điều gì?

- Đối với việc phân tích những cảnh báo, bình luận các tư tưởng đổi mới và phổ cập đến mọi người thì báo chí đóng vai trò quan trọng nhất.

Ngày nay, trong kỷ nguyên thông tin, với những tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ, báo chí hằng ngày chuyển đến công chúng một khối lượng lớn thông tin, làm thay đổi nhận thức, nâng cao tri thức và năng lực, tham gia trực tiếp vào lực lượng sản xuất xã hội, góp phần mạnh mẽ cho công việc đào tạo, chuẩn bị con người. Báo chí rất cần thiết và nên tích cực thúc đẩy công cuộc đổi mới vì sự phát triển của dân tộc và đất nước.

Khi gửi những bài báo mang tính nghiên cứu về tư tưởng, thể chế, chính sách đến báo chí, ngoài việc muốn được đăng kịp thời, tôi còn mong được nhận nhiều thông tin phản hồi từ độc giả và đồng nghiệp, đồng chí.

Tôi coi đó là thước đo cho nghiên cứu của mình, là phương tiện để theo dõi, tìm hiểu nhận thức xã hội. Nhận được những chia sẻ, đồng cảm, tán thành, cùng thảo luận với vấn đề mình đặt ra là điều rất vui, khi đó có thêm nhiều người cùng quan điểm, biết thêm nhiều góc nhìn mới.

Nếu nhận được những phê phán, phản biện, ý kiến gai góc ở phía khác cũng rất có lợi, sẽ buộc mình phải suy nghĩ thêm, phải lật ngược lật xuôi vấn đề để tiếp thu hoàn thiện, củng cố và rèn luyện bản lĩnh, tìm ra những vấn đề mới để tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục viết.

* Thưa ông, điều đó có được đáp ứng khi bài viết này xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ?

- Điều đó được đáp ứng rất tốt trong tuyến bài “Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm” đăng trên Tuổi Trẻ.

Ngoài việc đăng rất kịp thời, đúng thời điểm góp ý trước đại hội Đảng, rất nhiều thông tin phản hồi, khen - chê có cả của độc giả, báo còn tổ chức thành tuyến để có thêm nhiều ý kiến về cùng chủ đề của TS Huỳnh Thế Du, TS Phạm Duy Nghĩa, thượng tướng Nguyễn Văn Rinh... mở rộng nhiều chiều, nhấn mạnh và phân tích cụ thể hơn từ những vấn đề lý luận mà tôi đề cập.

Giải pháp cho vấn nạn lợi ích nhóm đã bật ra: minh bạch thông tin, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, chuyển giao một số chức năng nhà nước cho các tổ chức xã hội, lấy doanh nghiệp tư nhân làm chủ yếu, kiên quyết với những sai lầm, sai phạm... Chính những điều đó đã thuyết phục được người đọc.

* Trong thời đại thông tin, mạng xã hội phát triển như ngày nay, ông chờ đợi được đọc những gì trên tờ báo mỗi sáng?

- Đọc báo, tôi thường chú ý đến những thông tin quan trọng về tình hình trong nước cũng như thế giới. Tôi quan tâm nhiều đến văn hóa, kể cả xây và chống, những thành tựu khoa học công nghệ, những tư duy đổi mới...

Tuy nhiên, thời đại hiện nay, tin tức và thông tin được cập nhật hằng giờ, hằng phút trên mạng và người đọc có thể tự chọn lựa theo quan tâm của mình.

Điều tôi chờ đợi ở những tờ báo như Tuổi Trẻ không chỉ là thông tin mà là những vấn đề được đặt ra từ trong cuộc sống, những thúc đẩy xuất phát từ nhu cầu phát triển.

Và không chỉ ở mức đặt vấn đề hay phân tích nguyên nhân, tôi muốn đọc được những đề xuất, thảo luận để tìm giải pháp ở trên mặt báo.

Những cuộc thảo luận đa chiều, thu thập ý kiến từ nhiều nguồn như các cấp lãnh đạo, các nhà trí thức, chuyên môn, những người dân ở trong cuộc hay có quan tâm đến vấn đề được đặt ra... sẽ cho chúng ta nhiều góc nhìn để tiếp cận sự thật, phân tích, xem xét bản chất cốt lõi và sẽ chỉ ra được những phương án giải quyết thích hợp, những lựa chọn...

Báo chí khi ấy không chỉ mang tính thông tin hay dự báo mà mang tính giải pháp, tư vấn, là nguồn tham khảo quan trọng để xây dựng chính sách, điều hành xã hội.

PHẠM VŨ thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên