26/03/2016 09:03 GMT+7

Ngư dân trả hai tàu vỏ thép

 ĐĂNG NAM - TRƯỜNG TRUNG (dangnam@tuoitre.com.vn)
ĐĂNG NAM - TRƯỜNG TRUNG ([email protected])

TTO - Trong khi tàu cá Hoàng Anh 01 đã được trả tàu về lại nơi sản xuất, chủ tàu Sang Fish 01 cũng tuyên bố bỏ cuộc với con tàu vỏ thép hằng ao ước này.

Tàu vỏ thép Sang Fish 01 đánh bắt thủy hải sản trong chuyến ra khơi đầu tiên trên vùng biển vịnh Bắc bộ tháng 8-2014 - Ảnh: Tiến Thành
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 đánh bắt thủy hải sản trong chuyến ra khơi đầu tiên trên vùng biển vịnh Bắc bộ tháng 8-2014 - Ảnh: Tiến Thành

Sau một thời gian ngắn vươn khơi, chủ tàu Hoàng Anh 01 và tàu Sang Fish 01, hai trong năm tàu cá vỏ thép đầu tiên và từng là niềm tự hào của ngư dân, đều phải “bỏ của chạy lấy người” vì tàu liên tục gặp sự cố.

Tàu Hoàng Anh 01 và tàu Sang Fish 01 được thiết kế để đánh bắt cá bằng lưới vây, nhưng việc khai thác cá bằng nghề này thời gian qua không hiệu quả nên các chủ tàu không thể trả tiền cho nhà máy như đã cam kết theo hợp đồng. Do đó, chúng tôi quyết định nhận lại hai con tàu này để thu hồi vốn. Hiện đã có đối tác tìm hiểu để mua lại hai tàu này và chúng tôi cũng đang dự định hoặc sẽ cho thuê mua (chủ tàu trả góp) hoặc bán đứt

Ông Lê Văn Toàn (giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang)

10 chuyến ra khơi, 6 chuyến hỏng hóc

Đã hơn sáu tháng nay, con tàu Sang Fish 01 phải nằm bất động tại âu thuyền Thọ Quang (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vì hư hỏng. Con tàu cao lừng lững nằm kẹp giữa các tàu cá vỏ gỗ đang xuống cấp hoen gỉ do phải nằm bờ quá lâu. Mặc dù chủ tàu đã dùng bạt che chắn cẩn thận tránh gió biển nhưng nhiều phần trên tàu đã ngả màu đỏ quạch, các khớp nối trục tời cũng nằm lăn lóc trên tàu.

Trong khi đó, cả một hệ thống điện tử như máy dò luồng cá, giàn đèn pha hiện đại... trị giá cả tỉ đồng cũng phải bỏ không khiến nhiều người tiếc nuối. Giải thích lý do tàu nằm bờ, ngư dân Phan Bé, chủ tàu, nói: “Tôi quá mệt mỏi với tàu này rồi, 10 chuyến đi thì có đến 6 chuyến gặp sự cố. Giờ thì hết kiên nhẫn rồi”.

Tàu Sang Fish 01 là tàu cá vỏ thép thứ hai trên cả nước được hạ thủy vào tháng 7-2014 với công suất lên tới 750CV, từng được kỳ vọng sẽ vươn khơi làm chủ Biển Đông. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, con tàu này liên tục gặp sự cố.

Cụ thể: trong chuyến khai thác đầu tiên, tàu Sang Fish 01 đã ba lần gặp sự cố gãy tời khiến đội tàu mất đi một số lưới, riêng tiền khắc phục lên tới hơn 500 triệu đồng.

“Từ khi nhận tàu đến nay, tôi đi 10 chuyến trên biển thì có tới 6 chuyến gặp sự cố hỏng hóc. Tời hỏng liên tục. Hết tời đến máy chính bị mất tải không hoạt động được nên phải đưa tàu vào bờ khắc phục. Mỗi đợt như thế năng suất đánh bắt không đủ bù tổn phí nên bạn chài bỏ đi hết. Đợt cuối cùng máy chính quá tải không hoạt động được, tôi kéo về nằm đây đến giờ” - ông Bé than thở.

Ông Lê Văn Sang - đồng sở hữu tàu Sang Fish 01 - cũng cho biết tàu nằm bờ là do “chỉ thấy bỏ tiền ra chứ không có thu vô”.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, từ tháng 5-2015 ông Mai Thành Văn ở huyện Bình Sơn - chủ tàu cá Hoàng Anh 01 (tàu cá vỏ thép đầu tiên trong cả nước được hạ thủy) - cũng đã quyết định trả lại tàu cho đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang.

“Trong 5 chuyến ra khơi, có đến 3 chuyến tàu bị hỏng hóc, lúc thì hư tời, khi thì hỏng máy buộc phải gọi tàu bạn kéo vào bờ, chẳng làm ăn gì được. Nhận tàu về tôi phải bỏ thêm 2 tỉ đồng để mua ngư cụ. Vậy mà đánh bắt không hiệu quả, không có chuyến nào lời nên đành mang tàu trả lại cho nhà máy” - ông Văn cho biết.

...và đã phải sửa chữa ngay trong chuyến ra khơi đầu tiên trên biển - Ảnh: Tiến Thành
...và đã phải sửa chữa ngay trong chuyến ra khơi đầu tiên trên biển - Ảnh: Tiến Thành

 

Do lỗi thiết kế?

Từ khi trả tàu, ông Văn cho biết mình như người... cụt chân phải ngồi một chỗ vì các con tàu gỗ trước đây đều được ông bán đi để mua ngư lưới cụ cho tàu Hoàng Anh 01.

Trong khi đó, sau khi tàu Sang Fish 01 nằm bờ, ông Bé cùng ngư dân Lê Văn Sang quyết định chuyển toàn bộ số ngư lưới cụ trị giá hơn 4,2 tỉ đồng cho một chủ tàu vỏ gỗ khác để đánh bắt rồi cùng ăn chia.

Theo ông Bé, tàu Sang Fish 01 được ông ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, trả dần số tiền trong vòng sáu năm.

Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa có chuyến biển nào có lãi nên ông vẫn chưa hoàn tiền cho nhà máy. Ông Bé cho biết ông đang liên hệ với đơn vị đóng tàu để làm các thủ tục trả lại tàu vì để càng lâu, thiết bị càng hư hỏng mà tiền lãi lại kéo dài.

Hầu hết ngư dân đi trên hai con tàu vỏ thép này khi được hỏi đều cho rằng nguyên nhân khiến tàu liên tục gặp sự cố và đánh bắt không hiệu quả là do thiết kế không hợp lý. Ông Mai Thành Văn cho biết ngay sau chuyến ra khơi đầu tiên gặp sự cố, ông đã yêu cầu Công ty Đóng tàu Nha Trang điều chỉnh một số thiết kế như cắt bỏ một phần tháp cabin và điều chỉnh hướng của máy tời.

“Độ cao gần 2m của cabin này được thiết kế giống như tàu vận tải. Lẽ ra phải hạ thấp hơn nữa, khoảng 1m để tàu không bị rung lắc khi gặp gió lớn ngoài khơi. Bởi tàu liên tục bị rung lắc mạnh sẽ không đánh bắt được” - ông Văn nói.

Tương tự, theo ông Bé, ngay trong lần chạy thử, ông đã nói với đăng kiểm viên rằng tàu Sang Fish 01 khó hoạt động trên biển bởi có rất nhiều khuyết điểm như cabin quá cao, bậc lên xuống thành tàu quá cao, trụ cẩu cũng chưa hợp lý.

“Mình cũng háo hức với tàu vỏ thép quá nên mới “cố đấm ăn xôi”, chứ thiết kế này không hợp với tàu cá” - ông Bé khẳng định. Cũng theo ông Bé, sau khi hạ thủy tàu Sang Fish 01, ông đã chọn hướng hậu cần bằng cách thu mua cá thay vì đi khai thác.

Tuy nhiên, do thiết kế thành tàu quá cao nên khi tiếp cận với các tàu vỏ gỗ giữa biển để thu mua hải sản, thành tàu vỏ thép đã vô tình đánh vỡ mạn thuyền cũng như giàn đèn, thậm chí vỡ luôn cabin của các tàu tiếp cận. Vậy là nhiều tàu cá không dám đến gần.

Không chịu thua, ông Bé quyết định chuyển sang đi khai thác nhưng khi thả lưới, tàu vuông góc với hướng sóng nên vào mùa biển động, người kéo lưới trên tàu rất dễ rơi xuống biển. “Thành tàu quá cao, thu và thả lưới cũng rất khó nên năng suất không cao” - ông Bé giải thích.

Phải thay đổi thiết kế

Ông Võ Văn Hân (Bình Sơn, Quảng Ngãi, chủ tàu cá vỏ thép QNg 90999) cho biết đã trực tiếp tham gia chỉnh sửa lại thiết kế ban đầu, đồng thời theo dõi sát quá trình đóng tàu để đảm bảo tàu phù hợp với yêu cầu khai thác.

“Ngoài vỏ tàu không thay đổi thiết kế được, tất cả các phần boong tàu, cabin, hầm đá... đều phải thay đổi thiết kế, với tổng chi phí phát sinh hơn 200 triệu đồng. Chẳng hạn, thay vì hai tầng như thiết kế mẫu, tôi yêu cầu cabin một tầng, thuận tiện cho thuyền trưởng phụ kéo lưới cùng ngư dân” - ông Hân nói.

Tuy nhiên, sau hai lần đi biển thất bại do máy kéo lưới gặp trục trặc, ông Hân cũng phải đưa tàu vào cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu) để sửa chữa.

Ngư dân Võ Văn Chín (Đức Phổ, Quảng Ngãi) - chủ tàu vỏ thép gần 15 tỉ đồng, đang trong giai đoạn được Công ty CP đóng tàu An Phú (TP.HCM) hoàn thiện - cho biết trong suốt quá trình đóng tàu, bản thân ông cùng đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty tư vấn thiết kế Biển Đông liên tục họp bàn, điều chỉnh cho phù hợp.

“Cứ mỗi tuần, tôi cùng một số ngư dân ngồi lại với đơn vị thiết kế và thi công, bàn bạc và sửa đổi những chi tiết không phù hợp. Nói thiệt là nếu không cho thay đổi thiết kế, anh em sao dám làm” - anh Chín nói.

TRẦN MAI

Các tàu sau đều hoạt động hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Toàn - giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang - cho biết sau hai tàu Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01, đến nay công ty đã đóng và bàn giao thêm sáu tàu cá vỏ thép cho ngư dân, chưa kể bốn tàu cá vỏ thép đang được hoàn tất và chuẩn bị ký hợp đồng đóng thêm ba tàu cá vỏ thép nữa.

“Ngoại trừ Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01, tất cả những tàu cá vỏ thép được đóng sau đó đều đã có những thay đổi, điều chỉnh, khắc phục những hạn chế chứ không áp theo 21 mẫu tàu do Bộ NN&PTNT đưa ra” - ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, do thói quen khai thác của ngư dân ở từng vùng miền, địa phương và cả sở thích của từng chủ tàu khác nhau nên khi đóng các tàu vỏ thép sau này công ty đều tính toán để điều chỉnh, thực hiện theo yêu cầu thiết kế của từng chủ tàu, như vị trí lắp đặt trang thiết bị, máy móc, thiết bị khai thác trên tàu...

Chẳng hạn, thay vì thiết kế theo kiểu của trục thủy lực của tàu cá vỏ gỗ như áp dụng với tàu Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01, trục tời thu kéo lưới của những tàu sau này đều lắp đặt tời điện hoặc tời điện thủy lực.

Tương tự, cabin tàu được điều chỉnh chiều dài và rộng theo ý chủ tàu, riêng chiều cao của cả hai tầng được điều chỉnh thấp hơn 30cm so với thiết kế ban đầu.

Đặc biệt, trong khi hai tàu cá vỏ thép đầu tiên là Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 đều lắp đặt máy tàu đã qua sử dụng, tất cả tàu cá vỏ thép sau này đều được các chủ tàu yêu cầu lắp đặt máy tàu mới.

“Với thiết kế và trang thiết bị được điều chỉnh, sáu con tàu vỏ thép được bàn giao sau Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 đều hoạt động rất hiệu quả” - ông Toàn cho biết.

PHAN SÔNG NGÂN

ĐĂNG NAM - TRƯỜNG TRUNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên