Phóng to |
Nhiều phụ huynh của thí sinh không được nhập học vì không được hưởng ưu tiên khu vực |
Nhiều điểm không rõ ràng
Theo qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui được ban hành kèm theo quyết định số 08/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 13-3-2003 của bộ trưởng Bộ GD-ĐT (sau đây gọi tắt là qui chế tuyển sinh) thì tại điểm 3, điều 7 qui định: “Trước khi dự thi, thí sinh đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên (tính đến ngày dự thi) tại khu vực nào thì hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực đó”.
Nghĩa là để được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực 1 hoặc khu vực 2 (gồm cả khu vực 2 nông thôn), thí sinh cần phải có hai điều kiện: “đang sinh sống tại vùng thuộc khu vực 1 hoặc khu vực 2” và “tính đến ngày dự thi phải có hộ khẩu thường trú tại khu vực đó từ 36 tháng trở lên”.
Tuy vậy, tại điểm 1, điều 7 của qui chế tuyển sinh đã phân chia các đối tượng thành hai nhóm ưu tiên. Theo đó, trong nhóm ưu tiên 1 có hai đối tượng sau đây liên quan nhiều đến chính sách ưu tiên theo khu vực, đó là: “người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số VN” và “công dân VN không phải là người dân tộc thiểu số (người Kinh, Hoa) có hộ khẩu thường trú 36 tháng trở lên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu”.
Theo qui định tại điểm 1 và điểm 3, điều 7 của qui chế tuyển sinh nói trên, chúng ta có thể hiểu về chính sách ưu tiên theo khu vực và ưu tiên theo đối tượng như sau: những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng cao thì đều thuộc nhóm ưu tiên 1.
Ngoài ra, nếu tính đến thời điểm dự thi tuyển sinh đang sinh sống tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng thêm ưu tiên theo khu vực, tức thuộc khu vực 1; còn nếu không sinh sống tại những vùng đó thì không được hưởng ưu tiên theo khu vực, tức thuộc khu vực 3 (nếu thí sinh đó sinh sống tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM hoặc nằm ngoài vùng ưu tiên tuyển sinh) hoặc thuộc khu vực 2 (đối với những tỉnh còn lại).
Mặt khác, một khiếm khuyết khác liên quan đến chính sách ưu tiên theo đối tượng, đó là qui chế tuyển sinh không qui định về thời điểm tính ưu tiên theo đối tượng cho nhóm ưu tiên 1 là từ ngày nào, nên thời gian 36 tháng của những thí sinh không phải là người dân tộc thiểu số sinh sống tại những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu không phải tính đến ngày dự thi như những thí sinh khác, mà có thể được tính đến ngày thí sinh làm thủ tục nhập học.
Điều này cũng có nghĩa là thời hạn 36 tháng trở lên của những thí sinh này cũng có thể được tính sau 30 ngày kể từ ngày nhập học nếu thí sinh đó có lý do chính đáng (bị tai nạn, ốm đau có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên).
Nên qui định cụ thể từng trường hợp
Tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:
Đối với thí sinh đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên (tính đến ngày dự thi) thì tùy theo nhóm ưu tiên và khu vực mà được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng là: KV1-5A, KV1-5B, KV1-08, KV2NT, KV2.
Trong trường hợp thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng cao (thuộc nhóm ưu tiên 1) nhưng không sinh sống và học tập tại các vùng đó thì sẽ được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng như sau:
- Nếu sinh sống tại các thành phố thuộc khu vực 3 hoặc nằm ngoài vùng ưu tiên tuyển sinh thì sẽ thuộc chính sách ưu tiên là: KV3, ưu tiên 1 (tức sẽ được hưởng ưu tiên 3 điểm). Ví dụ thí sinh có hộ khẩu thường trú tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (thuộc vùng sâu) đến sinh sống và học tập ba năm THPT tại quận 1, TP.HCM thì sẽ được hưởng ưu tiên 1 (ưu tiên theo đối tượng) nhưng lại không được hưởng ưu tiên theo khu vực (tức thuộc khu vực 3).
- Nếu sinh sống tại các tỉnh còn lại thì sẽ được hưởng chính sách ưu tiên là: KV2, ưu tiên 1 (tức sẽ được hưởng ưu tiên 4 điểm). Ví dụ: cũng theo thí sinh trên nhưng lại đến TP Biên Hòa để sinh sống và học tập ba năm THPT thì sẽ được hưởng ưu tiên theo đối tượng là ưu tiên 1 và ưu tiên theo khu vực là thuộc khu vực 2.
Riêng đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng cao (thuộc nhóm ưu tiên 1) và có thời gian sinh sống và học tập tại các vùng khác chưa đủ 36 tháng (tính đến ngày dự thi) thì được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực tại nơi có hộ khẩu thường trú (tức thuộc khu vực 1, ưu tiên 1).
Ví dụ một thí sinh có hộ khẩu thường trú tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (thuộc đối tượng 5B), có thời gian sinh sống và học tập liên tục tại đây đến hết năm lớp 10, sau đó chuyển về TP.HCM học tiếp lớp 11, 12 thì vẫn được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực (cách áp dụng này trên cơ sở đã được qui định đối với quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 24 tháng trở lên tại khu vực nào thì được hưởng theo khu vực đó; nếu dưới 24 tháng thì được hưởng theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ).
Các hướng giải quyết trên đây cũng được áp dụng cho những thí sinh có các điều kiện khu vực và đối tượng ngược lại. Ví dụ thí sinh có hộ khẩu thường trú tại quận 1, TP.HCM, vì một lý do nào đó đã đến xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai để sinh sống và học tập, nếu có thời gian từ 36 tháng trở lên (tính đến ngày dự thi) thì sẽ được hưởng ưu tiên theo đối tượng và khu vực là: khu vực 3, ưu tiên 1.
Ngoài ra, qui chế tuyển sinh cũng nên sửa đổi và bổ sung theo hướng: khi làm hồ sơ dự thi yêu cầu thí sinh phải nộp luôn các loại giấy tờ chứng minh đối tượng và khu vực ưu tiên của mình (ví dụ bản sao sổ hộ khẩu gia đình, học bạ cấp III; bản sao thẻ thương binh, bệnh binh...) để khi nhận được giấy báo nhập học thí sinh không còn phải băn khoăn là mình đã được xét cho hưởng ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng hay chưa; giấy báo gọi nhập học của mình đã chắc chắn chưa hay còn phải chờ đến ngày làm thủ tục nhập học ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận