
Bà Nguyễn Thị Bích Nga và bà Nguyễn Thị Phương thời trẻ - Ảnh: NVCC
Ở độ tuổi còn rất trẻ, họ là những nữ chiến sĩ chấp nhận rời xa gia đình để tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động trong lực lượng biệt động Sài Gòn. Thời bình, họ trở về làm bà, làm mẹ của người con, cháu và thường tham gia các buổi trò chuyện với những người trẻ về một thời chiến đấu hoa lửa.
Các nữ chiến sĩ ấy là bà Nguyễn Thị Bích Nga, quyền chủ nhiệm câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, và bà Nguyễn Thị Phương - thư ký đánh máy của tư lệnh Trần Hải Phụng.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, bà Nga và bà Phương kể với Tuổi Trẻ những ký ức còn sót lại về ngày hòa bình đầy bồi hồi, xúc động.
Nghe tin từ đất liền, chúng tôi ôm nhau khóc
Bà Nguyễn Thị Bích Nga sinh năm 1951, là cô gái mồ côi sống ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Có ba nuôi cũng hoạt động cách mạng và chứng kiến nhiều cuộc đàn áp tàn bạo của địch khiến bà luôn nung nấu ý định tham gia lực lượng chiến đấu.
Năm 12 tuổi bà vào Sài Gòn làm giúp việc cho một gia đình ở đường Tân Hóa, ba năm sau bà được đưa vào căn cứ qua sự kết nối của người chủ. Khi ấy ban tham mưu cử bà Nga đi học một khóa quân sự và phân công bà về hoạt động tại B8 biệt động thành Sài Gòn từ cuối năm 1966.
Nhiệm vụ đáng nhớ nhất trong đời bà Nga là gắn liền với tổ dự bị pháo kích Dinh Độc Lập trên đường Vườn Chuối, quận 3 với khẩu cối 82 ly. Trong đó bà đã thực hiện pháo kích vào sở chỉ huy của Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam - tướng Westmoreland ở Sài Gòn ngày 13-2-1967, gây ra không ít tổn thất cho đối phương.
Tết Mậu Thân 1968, bà được giao nhiệm vụ pháo kích cối 60 ly vào Dinh Độc Lập nhưng không may trên đường vận chuyển cối, bà Nga bị bắt ở Bình Chánh, rồi chịu cảnh tù đày, tra tấn khốc liệt trong bảy năm đằng đẵng, từ nhà giam Bình Chánh, Gia Định, Thủ Đức cho đến khám Chí Hòa, trại giam Tân Hiệp và cuối cùng là "địa ngục trần gian" Côn Đảo.

Bà Phương thực hiện lại công việc "giải mã" mật thư của mình ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn đầu năm 2024 - Ảnh: HỒ LAM
"Tôi nhớ lúc ở trong xà lim, chúng tôi có ba người gồm tôi, chị Võ Thị Thắng và thêm một chị người Hoa nữa, chỉ được một lon nước mỗi ngày để sinh hoạt. Chị Thắng là người hay lấy nước đổ vào khăn lau mặt cho tôi, rồi để dành nước gội đầu cho tôi" - bà Nga xúc động nhớ lại.
Giây phút biết được tin đất nước thống nhất, bà Nga và đồng đội vẫn còn bị giam giữ tại Côn Đảo: "Ở bên trong, chúng tôi nghe được tin Dinh Độc Lập đã phát lời đầu hàng, miền Nam giải phóng từ đài phát thanh thì mừng khấp khởi trong bụng, nhưng nói thật là chưa dám tin vào tai mình cho đến khi cả đảo cùng nổi dậy. Ra trại tù rồi mà mừng chảy nước mắt, chỉ biết ôm nhau khóc thôi".
Đến thời điểm hiện tại bà Bích Nga vẫn còn một mong mỏi là tìm được rõ nguồn gốc mồ mả của ba má ruột mình bởi trong thời chiến loạn lạc, bà không có cơ hội được biết rõ.
Hai đứa con nguyên vẹn trở về
Nếu bà Bích Nga trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu thì bà Nguyễn Thị Phương là người làm những nhiệm vụ có vai trò như "mạch máu lưu thông" cho hoạt động của quân đội: tải đạn, viết mật thư về kế hoạch tác chiến...
Bà Phương sinh năm 1952 tại Campuchia trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bà ngoại của bà Phương là bà Trần Thị Công - Bà mẹ Việt Nam anh hùng có ba người con hy sinh vì cách mạng, một người là thương binh.
Nghe lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bà Phương cùng người chị ruột gia nhập quân đội khi mới 15 tuổi. Bà được phân công về Quân khu Sài Gòn - Gia Định làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau năm 1968 thì bà được điều về văn phòng của Bộ Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Trong khoảng thời gian chiến đấu, bà Phương từng kinh qua nhiều nhiệm vụ: vận chuyển vũ khí bằng xuồng hai đáy, thư ký đánh máy, viết bạch (viết mật thư)...

Bộ dụng cụ giải mật thư mà bà Phương đã dùng và giữ lại cho đến giờ - Ảnh: HỒ LAM
Ký ức về thời chiến của bà Phương đầy những cuộc giao tranh ác liệt: "Như khi tải đạn, tải thương từ biên giới qua chiến trường Long An nhiều khi phải giẫm lên cả thi thể đồng đội. Người ngã xuống vì bom đạn bắn liên tục, người thì vẫn tiếp tục tiến về phía trước vì nhiệm vụ", bà kể.
Ngày 30-4-1975 cùng đồng đội đi xuyên cung đường từ Củ Chi hướng về Sài Gòn, chứng kiến nhiều khu vực lần lượt giải phóng cho đến khi vào nội thành, lòng bà Phương vui mừng và nhẹ nhõm phần nào.
Bà thầm nghĩ về gia đình: "Con đã hoàn thành được nhiệm vụ, giữ lời hứa với gia đình là kiên định chiến đấu và bảo toàn được sinh mạng mình".

Bà Phương khoác tấm vải dù mà bà đã mang theo suốt thời làm tải đạn, tải thương. Bà đã dùng tấm vải này để che chắn và đắp khi vận chuyển vũ khí dọc qua các tuyến đường, con rừng - Ảnh: HỒ LAM
Mấy tháng sau ngày thống nhất, bà quyết đi tìm lại gia đình mình và may mắn gặp được. "Lúc đó tôi và chị ruột gặp lại ba má và mấy đứa em mà mừng mừng tủi tủi. Ba má đưa đi giới thiệu với họ hàng, bởi khi tôi và chị tham gia chiến đấu thì phải bảo toàn mọi thông tin, xem như chúng tôi không có ở trong gia đình", bà Phương xúc động kể lại.
Có nhiều kỷ vật chiến đấu quý giá đã được bà Phương lưu giữ đến hiện tại như tấm vải dù, bộ dụng cụ giải mật thư, máy đánh chữ… Riêng với máy đánh chữ thì bà Phương đã gửi cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định để lưu trữ, giới thiệu cho những ai quan tâm và muốn tìm hiểu.
Tin vào lớp trẻ để dựng xây hòa bình
Là những người từng chiến đấu và tiếp tục chứng kiến đất nước đổi thay qua 50 năm kể từ ngày thống nhất, hầu hết những chiến sĩ biệt động Sài Gòn như bà Nga, bà Phương luôn có niềm tin với thế hệ trẻ đi sau mình.
Bà Nga kể gần đây bà nói chuyện với nhiều sinh viên ở các trường đại học và "mừng là các bạn trẻ rất tâm huyết với những giá trị lịch sử, truyền thống".
"Nhiều bạn trẻ còn thực hiện các dự án, chương trình nghệ thuật kịch nói về biệt động Sài Gòn, tôn vinh các giá trị lịch sử. Với sự năng động, sáng tạo, lợi thế trong việc tiếp thu kiến thức, tôi tin thế hệ con cháu của mình sẽ dựng xây một đất nước hòa bình, vững vàng hơn nữa trong kỷ nguyên mới" - bà Nga nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận