
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị tháng 10-2024 - Ảnh: LÊ NHƯ TÂM
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo và tờ trình về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.
Quảng Trị và Quảng Bình thuộc nhóm không đủ tiêu chí, đề xuất sáp nhập. 2 tỉnh này nằm giữa Hà Tĩnh và TP Huế, đều đạt tiêu chí, được đề xuất vào nhóm giữ nguyên.
Quảng Trị có vị trí địa lý chiến lược là cửa ngõ giao thương với Lào, Thái Lan, Myanmar, năng lượng tái tạo, du lịch tâm linh đặc thù. Trong khi Quảng Bình nổi lên là vương quốc hang động, du lịch biển, hạ tầng kết nối Bắc - Nam thuận lợi…
72 nghĩa trang liệt sĩ, Quảng Trị là 'bàn thờ của Tổ quốc'
Quảng Trị có vị trí chiến lược trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Đây là lợi thế cốt lõi của Quảng Trị. Tỉnh nằm ở điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây phía Việt Nam, kết nối Lào, Thái Lan, Myanmar ra Biển Đông qua 2 cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo.
Vị trí này tạo tiềm năng cực lớn cho phát triển dịch vụ logistics, thương mại quốc tế và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với hành lang này.
Tỉnh đang trình trung ương đầu tư 2 tuyến đường chiến lược kết nối Đông - Tây là: cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo và quốc lộ 15D.
Cảng nước sâu Mỹ Thủy công suất 100.000 tấn dự kiến khai thác cuối năm 2025 là yếu tố then chốt để khai thác tiềm năng của Hành lang kinh tế Đông - Tây, phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh.
Du lịch lịch sử - văn hóa đặc thù với hệ thống di tích chiến tranh dày đặc và mang tính biểu tượng như thành cổ Quảng Trị, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, Khu phi quân sự DMZ…
Quảng Trị còn được mệnh danh là "bàn thờ Tổ quốc" khi có 72 nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc mộ phần của hơn 55.500 liệt sĩ nhiều tỉnh, thành.
Đây là lợi thế riêng biệt, thu hút dòng khách du lịch chuyên biệt về lịch sử, hoài niệm, tâm linh, đặc biệt là du khách quốc tế và cựu chiến binh.

Quảng Trị định hướng phát triển thành trung tâm năng lượng sạch miền Trung - Ảnh: HOÀNG TÁO
Quảng Trị định hướng thành trung tâm năng lượng sạch miền Trung. Đây đang là một trong những trụ cột phát triển kinh tế mới, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn.
Đến cuối năm 2024, Quảng Trị có 31 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 46.000 tỉ đồng. Hai dự án điện khí LNG với tổng công suất trên 3.000MW cũng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là khu kinh tế động lực, được quy hoạch bài bản, gắn với tiềm năng phát triển cảng biển nước sâu. Cửa khẩu La Lay có vị trí thuận lợi trên EWEC, là cửa ngõ để kết nối mỏ than trữ lượng 1 tỉ tấn ở Sê Kông (Lào) với Biển Đông.
Vương quốc hang động Quảng Bình
Quảng Bình được cho có hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM nhờ lợi thế có sân bay Đồng Hới. Tỉnh cũng đang xây dựng cảng biển Hòn La để có thể đón tàu đến 100.000 tấn.
Quảng Bình được ví là "viên kim cương xanh", có tài nguyên du lịch thiên nhiên độc đáo và đẳng cấp thế giới là di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng…
Mệnh danh là "vương quốc hang động" là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối, thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là phân khúc du lịch khám phá, mạo hiểm cao cấp.
Tỉnh cũng có Khu kinh tế Hòn La gắn với cảng biển và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, tạo động lực thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Hang động là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của Quảng Bình - Ảnh: HOÀNG TÁO
Quảng Trị và Quảng Bình tối ưu hóa lợi thế của nhau
Với từng lợi thế riêng biệt ở trên, nếu 2 tỉnh sáp nhập và tối ưu hóa tốt lợi thế cạnh tranh sẽ tạo ra một tỉnh mới với bộ mặt khác biệt.
Tỉnh mới sẽ sở hữu một vị trí cực kỳ chiến lược, là cửa ngõ quan trọng trên cả trục Bắc - Nam (quốc lộ 1, đường sắt và cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh) và Hành lang kinh tế Đông - Tây qua quốc lộ 9, 12A và các dự án trong tương lai như quốc lộ 15D, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo…
Hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đa dạng hơn gồm sân bay Đồng Hới, cảng biển Mỹ Thủy, Hòn La, mạng lưới đường bộ và đường sắt. Tỉnh mới sẽ trở thành đầu mối logistics và giao thương liên vùng, quốc tế.
Tổng hợp GRDP, dân số, nguồn lực của hai tỉnh sẽ tạo ra một tỉnh có quy mô lớn hơn, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thị trường nội địa lớn hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng hơn về kỹ năng.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa du lịch khám phá thiên nhiên kỳ vĩ với du lịch lịch sử - văn hóa độc đáo, và du lịch biển hứa hẹn tạo ra các tour, tuyến du lịch liên hoàn hấp dẫn, độc đáo, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách.

Thành cổ Đồng Hới (Quảng Bình) nhìn từ trên cao - Ảnh: HOÀNG TÁO
Quảng Trị có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, Quảng Bình cũng có các dự án năng lượng. Việc hợp nhất giúp quy hoạch tổng thể và phát triển ngành năng lượng một cách hiệu quả hơn, đảm bảo an ninh năng lượng cho cả vùng.
Việc sáp nhập cho phép xây dựng một quy hoạch tổng thể thống nhất, hiệu quả hơn cho toàn vùng, tránh sự chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết giữa hai địa phương cũ. Nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực khác được tập trung hơn cho các dự án trọng điểm.
Mặc dù có thách thức ban đầu, việc sáp nhập có thể tạo nên một tỉnh mới có nhiều cơ hội hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Chỉ tiêu | Quảng Trị | Quảng Bình |
---|---|---|
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) | 5,97% | 7,18% |
GRDP bình quân đầu người | 81,2 triệu đồng | 65,1 triệu đồng |
Tổng thu ngân sách | 4.360 tỉ đồng | 6.960 tỉ đồng |
Tổng chi ngân sách | 10.772 tỉ đồng | 13.400 tỉ đồng |
Tổng số lượt khách du lịch | 3 triệu lượt | 5,2 triệu lượt |
Một số chỉ tiêu của 2 tỉnh năm 2024
* (Căn cứ báo cáo số 409 ngày 2-12-2024 của UBND Quảng Bình và số 314 ngày 3-12-2024 của UBND Quảng Trị)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận