
Một góc nhìn từ trên cao từ cáp treo Hòn Thơm, TP Phú Quốc - Ảnh: BỬU ĐẤU
Sáp nhập hai tỉnh, nhân dân vui mừng
Vị này cho rằng ở An Giang không có biển nhưng Kiên Giang có biển.
Việc kết nối tiềm năng du lịch sẽ hoàn thiện hơn khi một bên là hải đảo nghỉ dưỡng, còn bên An Giang hiện tại là du lịch di tích, lịch sử.
Hai vùng đất này gắn liền với nhau, đặc biệt là lịch sử trong cuộc kháng chiến.
"An Giang và Kiên Giang nhập lại sẽ tạo nên vựa lúa lớn nhất, hỗ trợ kinh tế lẫn nhau trong chuỗi giá trị lúa gạo, cho phép chuyên canh lúa chất lượng cao và nuôi sống nửa đất nước", vị này nói.
Ông Lê Minh Tùng, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết người dân rất vui mừng trước thông tin An Giang sáp nhập với Kiên Giang vì tỉnh mới sẽ có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp: sản lượng lúa chất lượng cao (9 triệu tấn, cao nhất nước) và thủy sản (1,5 triệu tấn nuôi lồng bè, chưa kể hải sản đánh bắt), giúp An Giang dẫn đầu xuất khẩu gạo.
“Tỉnh mới này vừa có sông vừa có biển và tiềm năng du lịch cũng nổi bật cả nước, vì có đảo Phú Quốc. Còn An Giang vừa mới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đối với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, rồi có núi Cấm, du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư”, ông Tùng nói.

Du khách lặn ngắm san hô tại khu vực Hòn Mây Rút Trong, phường An Thới, TP Phú Quốc - Ảnh: BỬU ĐẤU
Theo ông Tùng, nếu nhập An Giang và Kiên Giang lại sẽ có trên 3,7 triệu dân. Đây là tỉnh đông dân nhất Đồng bằng sông Cửu Long, vừa có biển vừa có núi, vừa có đồng bằng nên có điều kiện không gian phát triển.
“Bây giờ phải thích nghi với tình hình mới trong bối cảnh công nghệ số để cố gắng vươn mình phát triển. Do đó, việc lựa chọn cán bộ tới đây chắc chỉ giữ lại những cán bộ có năng lực. Lúc đầu ai cũng lúng túng, cán bộ cũng tâm tư nhưng do bỏ hết cấp huyện rồi nên phải “vừa chạy vừa xếp hàng” mới được”, ông Tùng nói.
Khơi thông nhiều tiềm năng của vùng
Tiến sĩ Dương Thế Hiền, phó trưởng bộ môn lịch sử Trường đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết về mặt lịch sử, từ năm 1832 khi vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính thì An Giang đã có tên, còn Kiên Giang có tên gọi là tỉnh Hà Tiên nhưng là tỉnh nhỏ so với tỉnh An Giang.
Khu vực hai tỉnh này gọi là vùng đất thuộc Hạt An Hà. Hai tỉnh này chung quản lý tổng đốc An Hà. Đứng đầu của từng tỉnh gọi là Tuần phủ.

Giới chuyên gia và nguyên lãnh đạo hai tỉnh khẳng định nếu sáp nhập An Giang và Kiên Giang sẽ khai phá nhiều tiềm năng du lịch và liên kết - Ảnh: BỬU ĐẤU
Về kinh tế, An Giang và Kiên Giang (trước đây là Hà Tiên) có nhiều điểm tương đồng, nhất là nông nghiệp. Kết hợp hai tỉnh sẽ rất thuận lợi cho việc khai thác thống nhất vùng Tứ giác Long Xuyên - vùng canh tác nông nghiệp rộng lớn.
“Nông nghiệp đảm bảo được an ninh lương thực sẽ làm nền, trụ vững cho kinh tế biển sắp tới. Nó sẽ thúc đẩy kinh tế biển cũng như phát triển những ngành dịch vụ khác đi theo”, tiến sĩ Dương Thế Hiền nói thêm.
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang ngày xưa là tỉnh Long Châu Hà, kéo dài từ Long Xuyên - Châu Đốc - Hà Tiên.
Tức là một phần của Kiên Giang bây giờ.

Nếu nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang thì sản lượng lúa cao nhất nước - Ảnh: BỬU ĐẤU
Xét về yếu tố lịch sử, vùng đất này đã hình thành, kết nối ở không gian từ kênh Vĩnh Tế do ông Nguyễn Văn Thoại chỉ đạo đào, kéo dài từ Châu Đốc đến Hà Tiên.
Nó tạo nên vùng “phên giậu” của vùng biên giới Tây Nam. Nó vừa bố trí dân cư, điều tiết nước, giao thông thủy. Trải qua hơn 200 năm hình thành, ý nghĩa của kênh Vĩnh Tế vẫn còn nguyên giá trị.
“An Giang và Kiên Giang nhập lại sẽ tạo ra một không gian lớn hơn, vừa phát huy thế mạnh của Kiên Giang, đặc biệt là thế mạnh về kinh tế biển. Nếu kết nối lại sẽ tạo ra thế mạnh rất đặc biệt cho “địa phương mới”.
Một bên là du lịch biển, đặc biệt là đảo Phú Quốc. Còn một bên là du lịch vùng Bảy Núi, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái…”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hiệp, cơ quan chức năng nên tham vấn những nhà nghiên cứu. Vì ở đây không chỉ nhìn đơn thuần ở góc độ kinh tế mà còn có ý nghĩa về lịch sử, về nhân văn. Việc này cần tham khảo ý kiến người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư để họ nhìn thấy không gian trọng đại như vậy.
“Từ đó, cơ quan chức năng sẽ thu thập ý tưởng để hoạch định “đơn vị hành chính mới”, đáp ứng phát triển chung của An Giang (tỉnh đông dân nhất Đồng bằng sông Cửu Long) và Kiên Giang (phát huy toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch), hết sức quan trọng cho vùng”, ông Hiệp khẳng định.

Cựu lãnh đạo tỉnh An Giang khẳng định nếu nhập hai tỉnh sẽ phát triển ngành hàng lúa gạo mạnh hơn theo hướng chất lượng cao - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận