![Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 1. Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/thue-1739322300766919338936.jpg)
Bộ Tài chính đề xuất giảm bậc thuế để bớt gánh nặng cho người nộp thuế TNCN - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-2, đại diện Bộ Tài chính cho biết thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) theo biến động chỉ số giá tiêu dùng vào kỳ họp tháng 10 năm nay, đồng thời tính toán thời điểm áp dụng mức GTGC mới.
Cũng theo vị này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 - 2024 đã tăng gần 16%. Và với mức tăng CPI dự kiến vào khoảng 4% trong năm nay, theo các kịch bản đã được Bộ Tài chính đưa ra trước đó, khả năng CPI từ năm 2020 đến cuối năm nay sẽ chạm ngưỡng 20%.
Khi đó, theo luật, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nâng mức GTGC theo biến động CPI.
Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến một số đại biểu và chuyên gia.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia tài chính):
Nên áp dụng mức GTGC mới ngay trong năm nay
Mức GTGC mới khi nâng thêm 20% theo diễn biến CPI như Luật Thuế TNCN quy định sẽ là 13,2 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 5,3 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Mức này vẫn là quá thấp so với biến động của giá cả, chưa đáp ứng được đủ những chi tiêu cho nhu cầu tối thiểu ăn ở, mặc, học hành... của người nộp thuế hiện nay.
Thực tế, nhiều người nộp thuế phải đi thuê nhà, hoặc đang trả lãi vay ngân hàng hằng tháng để mua nhà 5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng không được khấu trừ trước khi nộp thuế. Ngay cả tiền học nâng cao tay nghề trình độ cũng không được khấu trừ trước khi tính thuế...
Do đó, mức GTGC mới được nâng lên theo biến động của CPI cần sớm được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và áp dụng ngay trong kỳ tính thuế của năm nay.
Mục đích là để thực hiện theo quy định của đúng luật hiện hành và động viên, chia sẻ khó khăn với người nộp thuế TNCN. Còn khi xây dựng Luật Thuế TNCN thay thế, tôi đề nghị người làm chính sách này cần thay đổi tư duy để chính sách đưa ra phải hợp tình hợp lý, không thể để nộp thuế TNCN là áp lực, gánh nặng lớn đối với người dân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật):
Nghiên cứu trình Luật Thuế TNCN theo quy trình 1 kỳ họp, có hiệu lực ngay đầu năm 2026
Mức GTGC 11 triệu đồng/tháng với người chịu thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc được duy trì từ năm 2020 đến nay. Sau năm năm, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều đã tăng, thậm chí có những hàng hóa thiết yếu đã tăng nhanh hơn cả thu nhập của người dân.
Do vậy mức GTGC nêu trên đã rất lạc hậu. Chưa kể, mức giảm trừ với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng cũng quá lạc hậu, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế.
Nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay đã phải 6 - 7 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn thế. Nếu gia đình có con đi học, chi phí học hành chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình...
Vì vậy, nếu phải chờ đến tận 2026 mới thông qua quy định mới của Luật Thuế TNCN và 2027 mới áp dụng thực hiện sẽ quá chậm, khiến nhiều người dân trong cảnh "thắt lưng buộc bụng" nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN.
Thêm vào đó, mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2024 đã tăng thêm 30%, tương đương mức tăng 2,34 triệu đồng/tháng, đương nhiên thu nhập của nhiều người tăng lên và mức chi tiêu cũng phải tăng theo. Thế nhưng bây giờ phần thu nhập tăng lên đó sẽ phải chịu thuế TNCN.
Vô hình trung, việc tăng lương sẽ giảm ý nghĩa. Do đó, Chính phủ, Bộ Tài chính nên có nghiên cứu để điều chỉnh lại việc sửa Luật Thuế TNCN, trong đó có mức GTGC cho phù hợp.
Chính phủ đang đề xuất sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp bất thường lần thứ 9. Căn cứ theo đề xuất sửa đổi, với các luật không có nhiều ý kiến khác nhau, có thể nghiên cứu trình thông qua quy trình rút gọn tại một kỳ họp.
Với Luật Thuế TNCN, nội dung nhận được nhiều ý kiến từ các kỳ họp vừa qua và việc sửa đổi rất cần kíp, cấp bách để đáp ứng thực tiễn cuộc sống, Chính phủ có thể nghiên cứu trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp. Theo đó có thể xem xét trình thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2025) và có hiệu lực ngay từ đầu năm 2026.
Việc sửa đổi mức GTGC nói riêng, thuế TNCN nói chung cũng phải tính toán để bổ sung đúng, đủ các chi phí của người dân phục vụ cho cuộc sống.
Với riêng mức GTGC hiện tại, cần xem xét, nếu chỉ số CPI từ năm 2020 đến nay đã biến động trên 20%, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, báo cáo, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh trong năm 2025.
Ông Nguyễn Văn Được (tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín):
Không thể chờ đến 2027 mới điều chỉnh GTGC
Dự thảo Luật Thuế TNCN thay thế sẽ được Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10-2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026, có thể áp dụng từ năm 2027 là quá lâu. Vì từ năm 2020 đến hết năm 2024, CPI đã tăng gần 16%.
Trong trường hợp đến cuối năm nay CPI tăng chạm ngưỡng 20% thì theo luật, Bộ Tài chính có thể báo cáo Chính phủ để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất nâng mức GTGC cho người làm công ăn lương.
Trong trường hợp mức tăng CPI đến cuối năm nay chưa chạm ngưỡng 20%, có thể tính đến một giải pháp khác đó là sau khi Luật Thuế TNCN sửa đổi được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026, có thể có hiệu lực ngay từ 1-7, thậm chí cho hồi tố áp dụng mức GTGC mới từ 1-1-2026 để bớt thiệt thòi cho người dân.
Suốt từ năm 2020 và 2021 đến nay, trải qua các đợt dịch giá cả hàng hóa, dịch vụ... đã tăng rất nhiều trong khi đồng lương của người lao động teo tóp, cuộc sống ngày càng khó khăn nên cần sớm điều chỉnh những bất cập này, không nên để kéo dài hơn nữa.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn:
Không nên trì hoãn việc điều chỉnh mức GTGC thêm nữa
Những bất hợp lý về mức GTGC và bậc thuế lũy tiến từng phần quá dày đã được người nộp thuế, chuyên gia kiến nghị từ nhiều năm qua. Mức GTGC quá lạc hậu cũng là lý do mà mới đây có tới 16 bộ và địa phương đồng loạt đề nghị nâng mức GTGC lên gấp rưỡi so với hiện nay.
Như vậy có thể thấy việc điều chỉnh mức GTGC và bậc thuế lũy tiến từng phần là rất cấp thiết, không thể trì hoãn thêm nữa. Điều này không chỉ giảm bớt gánh nặng cho người làm công ăn lương đang phải còng lưng gánh thuế, dù thu nhập không đủ trang trải cuộc sống mà còn giúp kích thích sức mua, giúp kinh tế hồi phục.
Nếu không, người dân phải tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" và sức mua giảm, thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, không thể lấy lý do chờ sửa toàn bộ một bộ luật hoàn chỉnh để trì hoãn mà thay vào đó nên có giải pháp để sửa sớm hai bất cập trên trước khi trình thông qua việc sửa đổi hoàn thiện bộ Luật Thuế TNCN nhằm khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu trong bối cảnh hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận