TTCT - Năm 2020 diễn ra cuộc chuyển mình của ngành năng lượng tại VN cả về chính sách lẫn thực tiễn. Điều này không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch từ năng lượng bẩn sang năng lượng sạch đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Sự chuyển mình của chính sách năng lượngNăm 2020 khởi đầu bằng một quyết sách vĩ mô quan trọng, có tính chất định hình ngành năng lượng của VN trong 25 năm tới. Đó là nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó ưu tiên các nguồn năng lượng sạch, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, “ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý”. Điểm đột phá nữa của chính sách này là coi trọng sự tham gia của khối tư nhân vào phát triển năng lượng, đồng thời loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.Ngày 29-9-2020, một sự kiện mang tính bước ngoặt của ngành năng lượng VN diễn ra: lần đầu một doanh nghiệp tư nhân được giao đầu tư lưới điện, hiện thực hóa nghị quyết 55, tại Ninh Thuận. Dự án trạm biến áp và đường dây truyền tải 220kV, 500kV dài hơn 17km do Tập đoàn Trung Nam đầu tư đã đóng điện thành công, góp phần giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ.Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8 - QHĐ8) do Viện Năng lượng chủ trì thực hiện, đã qua hai lần hội thảo tham vấn, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Dự thảo QHĐ8 vào tháng 9-2020 dù đã cố gắng nâng công suất điện mặt trời, điện gió, điện khí và giảm điện than so với QHĐ8 hiệu chỉnh nhưng điện than vẫn đóng vai trò chủ chốt trong năm 2030. Cụ thể, dự kiến tổng công suất lắp đặt nguồn điện đến năm 2030 là 138.000 MW, trong đó điện than chiếm tỉ lệ lớn nhất là 27%, tương đương 38.123 MW (hình 1). So với 19.831 MW công suất nhiệt điện than vận hành trong năm 2020 (tỉ trọng 36%), điều này có nghĩa công suất nhiệt điện than sẽ gấp đôi trong 10 năm tới. Đây là mảng tối trong việc xây dựng chính sách năng lượng trong năm 2020, dù quyết định cuối cùng về QHĐ8 vẫn còn để ngỏ.Dự án điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện tại Ea Súp, Đắk Lắk. Ảnh: TÂM ANĐiện mặt trời tỏa sángDù bị chững lại gần 10 tháng chờ đợi chính sách, điện mặt trời đã có một năm “bùng nổ”. Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại VN”, được áp dụng từ 22-5-2020 thật sự là thỏi nam châm thu hút nguồn vốn chảy mạnh vào nguồn năng lượng này.Từ việc chỉ có 134 MW công suất điện mặt trời trong năm 2018, VN đã có bước nhảy vọt khi đã có hơn 100 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất trên 7.100 MWp (đến cuối tháng 11-2020). Số liệu của EVNSolar cũng cho thấy có khoảng 77.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất trên 3.500 MWp đang vận hành (đến ngày 16-12-2020). Những con số ấn tượng về công suất điện mặt trời gia tăng được cập nhật qua từng tháng, cho thấy sức nóng của nguồn điện này. Sự quan tâm dành cho điện mặt trời còn thể hiện qua số dự án xin bổ sung quy hoạch và đăng ký đầu tư. Trong năm 2020, quy mô công suất điện mặt trời đã được duyệt bổ sung vào quy hoạch là trên 11.000 MW. Có 25.000 MW công suất được đăng ký đầu tư chưa được bổ sung vào quy hoạch.Kỷ lục nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á được thiết lập và bị phá vỡ khi Việt Nam có nhà máy mới công suất cao hơn chỉ sau một tháng. Đầu tháng 11-2020, Tập đoàn Xuân Thiện đưa vào vận hành Nhà máy Ea Súp với công suất 831 MWp, được xem là lớn nhất Đông Nam Á. Trước đó, kỷ lục này thuộc về Tập đoàn Trung Nam với dự án Thuận Nam, công suất 450 MWp.Ngày 31-12-2020 là thời hạn cuối cùng để các dự án điện mặt trời chỉ được áp dụng giá cố định theo quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Những ai “chậm chân” sẽ phải xác định giá thông qua “cơ chế cạnh tranh”. Tuy nhiên đến thời điểm này, “cơ chế cạnh tranh” cụ thể là gì thì chưa rõ. Điều đó có nghĩa tình trạng doanh nghiệp chờ chính sách tiếp tục tái diễn với điện mặt trời.Điện gió đi trước, về sauVề mặt chính sách, điện gió đi trước 6 năm so với điện mặt trời, khởi đầu với quyết định 37/2011/QĐ-TTg và kế thừa bởi quyết định 39/2018/QĐ-TTg, với nhiều cơ chế hỗ trợ, trong đó có chính sách về giá điện nối lưới (giá FIT). Dù vậy, điện gió đang bị điện mặt trời bỏ lại khá xa. Theo Bộ Công thương, đến hết tháng 9-2020 chỉ có 472 MW công suất đã vận hành, khoảng 2.905 MW đã ký hợp đồng mua bán điện và đang xây dựng, có khả năng đi vào vận hành trong năm 2021. So với toàn bộ công suất điện mặt trời đang vận hành, công suất điện gió chưa đến 5%.Công suất điện gió đang vận hành và xây dựng cũng chiếm chưa đến 30% trong số 11.800 MW công suất điện gió được phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực. Ngoài ra, còn có khoảng 45.000 MW công suất điện gió khác đăng ký khảo sát, xin chủ trương đầu tư và chờ bổ sung vào quy hoạch. Dù nhận được nhiều sự quan tâm, thực tế chính sách phát triển điện gió dường như chưa đủ hấp dẫn để nhà đầu tư xuống tiền. Theo nhận định của người viết, sự gia tăng của điện khí và thoái trào của điện than trên thế giới đến từ ba nguyên nhân chủ yếu: (1). Cuộc cách mạng khí đá phiến (shale gas) tại Mỹ với thời điểm bùng phát là năm 2007; (2) Cuộc chiến chống ô nhiễm tại Trung Quốc, khởi đầu từ kế hoạch hành động chống ô nhiễm không khí tháng 9-2013 và tiếp đến là kế hoạch năng lượng 5 năm (lần thứ 13), tháng 12-2016; (3). Hiệp định khí hậu Paris được 195 nước thông qua tại COP21 tháng 12-2015 nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, với trọng điểm là cắt giảm nhiệt điện than và chuyển hướng sang năng lượng sạch.Rộn ràng điện khíĐiện khí được đề cao trong nghị quyết 55 với việc ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước và chú trọng phát triển nhanh điện khí nhập khẩu (LNG), trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ điều tiết hệ thống. Tin vui nhất của ngành khí VN năm 2020 là việc phát hiện mỏ Kèn Bầu ngoài khơi VN, thuộc lô 114 vào đầu tháng 8. Vị trí này ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc VN, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65km, cách Đà Nẵng khoảng 86km. Ước tính trữ lượng sơ bộ của mỏ Kèn Bầu là 230 tỉ mét khối khí tự nhiên và 450 triệu thùng khí ngưng tụ condensate. Dự kiến có thể đưa vào khai thác từ năm 2028, đây là mỏ khí có trữ lượng lớn nhất được tìm thấy ở VN từ trước đến nay.Một điểm nhấn quan trọng khác là dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt đã được cập bờ dẫn đến đường ống Nam Côn Sơn 2 tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 16-11-2020. Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ mét khối khí tự nhiên cùng với 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ bổ sung cho các nhà máy điện khí khu vực Đông Nam Bộ.Tổng công suất điện khí đang vận hành hiện là 7.097 MW, chỉ chiếm 12% công suất lắp đặt toàn hệ thống nguồn điện của VN. Hiện có 6.000 MW công suất điện khí đang xây dựng hoặc đã được cấp phép trước đó, do EVN (Ô Môn 3 & 4, Dung Quất 1 & 3) và PVN (Nhơn Trạch 3 & 4, Miền Trung 1 & 2) làm chủ đầu tư.Thực tế, chưa có dự án điện khí LNG nào vận hành tại VN. Tuy vậy, năm 2020 tiếp tục xu thế rộn ràng của các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài trong cuộc đua tỉ đô rót vào điện khí LNG tại VN, tiếp nối trào lưu từ hai năm trước đó. Thống kê của tác giả bài này cho thấy ít nhất 8 dự án điện khí LNG có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài (Mỹ, Nhật) được ký kết hoặc công bố, với tổng công suất lên đến 25.600 MW và tổng đầu tư lên đến 33 tỉ USD.Trào lưu từ chối điện than, chuyển sang điện khí cũng được tiếp tục trong năm 2020. Mới nhất là đề xuất của Hà Tĩnh về việc chuyển đổi trung tâm nhiệt điện than Vũng Áng 3 sang tổ hợp điện khí LNG. Trước đó, Long An và Bạc Liêu đã thành công trong việc tìm kiếm nhà đầu tư điện khí sau khi kiên quyết chia tay điện than.“Cường quốc” điện thanNăm 2020, có thêm 1.888 MW công suất nhiệt điện than của ba nhà máy được đưa vào vận hành. Trong đó, Nhà máy Duyên Hải 3 mở rộng (688 MW) và tổ máy số 1 của BOT Hải Dương (600 MW x 2) đi vào vận hành thương mại. Cuối tháng 11-2020, tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (600 MW x 2) đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Trong khi phải trì hoãn mục tiêu “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thêm 10 năm nữa, VN đã thành “cường quốc” nhiệt điện than. Theo Global Coal Plant Tracker, VN hiện xếp thứ 6 châu Á và thứ 11 trên thế giới về công suất lắp đặt nhiệt điện than. Ba nước đứng đầu thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), lượng phát thải khí nhà kính từ đốt nhiên liệu của VN đã tăng 117% chỉ trong vòng 10 năm qua, so với mức tăng trung bình của thế giới chỉ là 10%. Phát thải từ đốt than đá đóng góp lớn nhất, chiếm đến 71%. Các nhà máy nhiệt điện than là đối tượng chủ chốt tiêu thụ than đá, đây chính là “thủ phạm” trong việc gây ô nhiễm không khí tại VN.Trong vòng 10 năm qua, tăng trưởng công suất nguồn điện được đóng góp chủ yếu bởi nhiệt điện than (hình 2). Tăng trưởng công suất toàn hệ thống là 2,5 lần, nhưng tăng trưởng công suất nhiệt điện than đến 7,2 lần. Từ việc chỉ chiếm 12,7% tổng công suất nguồn điện năm 2010, nhiệt điện than đã chiếm đến 36% tổng công suất nguồn điện năm 2019. Đó là kết quả của chính sách chọn nhiệt điện than làm trụ cột.Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 60.000 người chết mỗi năm tại VN có liên quan đến ô nhiễm không khí. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại VN khoảng 5% GDP mỗi năm, tương đương 13 tỉ USD. Theo lượng than đá tiêu thụ, các nhà máy nhiệt điện than gây ra thiệt hại do ô nhiễm không khí đến 4,5 tỉ USD mỗi năm.Nguy cơ thủy điệnLoạt mưa lũ liên tục tại miền Trung trong những tháng cuối năm làm dấy lên tranh luận về tác hại của thủy điện, mà chủ yếu là thủy điện nhỏ. Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), những dự án thủy điện có công suất dưới 10 MW được xếp là thủy điện nhỏ và là loại năng lượng tái tạo. Trong khi đó, VN lại xem thủy điện nhỏ là loại có công suất từ 1 MW đến 30 MW (quyết định 2394/QĐ-BCN ngày 1-9-2006) và được xếp vào loại năng lượng tái tạo (quyết định 06/2016/TT-BCT ngày 14-6-2016). Như vậy, xét theo chuẩn mực quốc tế, VN khá dễ dãi khi phân loại thủy điện nhỏ là những dự án thủy điện có công suất từ 10 MW đến 30 MW.Tại VN, thủy điện đã “chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn và chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão”, theo thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Miền Trung lại là một nơi đặc biệt với địa hình hẹp, độ dốc lớn, lượng mưa nhiều, bão lũ thường xuyên. Do đó, việc xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện trong sự quản lý thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương đã tạo ra những nguy cơ thường trực về thảm họa thiên tai và nhân tai mà người dân không thể lường hết. Sử dụng điện kém hiệu quả nhất thế giớiĐể đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một quốc gia, người ta dùng chỉ số cường độ điện năng. Đó là lượng điện năng tiêu thụ để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP. Số liệu cho thấy trung bình 10 năm qua, cường độ điện năng của VN gấp 2,7 lần trung bình của thế giới. Con số này của VN gấp 1,5 lần so với Ấn Độ, gấp 1,6 lần Trung Quốc, gấp 1,8 lần Malaysia, 2,2 lần Hàn Quốc, 2,5 lần Thái Lan, 3,1 lần Philippines, 3,4 lần Indonesia, 3,9 lần Nhật Bản và 5,7 lần Singapore (hình 3).Năm 2020 là một năm bất thường khi tiêu thụ điện và GDP đều giảm do tình hình COVID-19 nên không có tính đặc trưng. Dù vậy, ước tính cường độ điện năng năm này cũng không khác biệt so với trung bình 10 năm qua.Một nghiên cứu gần đây của WB đã chỉ ra giá điện sản xuất của VN thuộc nhóm thấp nhất trong các nước châu Á. Chính sách duy trì giá điện sản xuất thấp đã dẫn đến việc du nhập những công nghệ lạc hậu từ nước ngoài, gây lãng phí điện năng và tạo áp lực liên tục lên nguồn cung điện. Như một vòng luẩn quẩn không có lối ra, VN lại phải tiếp tục tìm nguồn vốn bổ sung nguồn điện mới, trông cậy vào nhiệt điện than để giải tỏa cơn khát điện… ■Điện khí và điện than: VN ngược chiều thế giớiXu hướng chung của thế giới là tăng cao sản lượng điện từ khí và giảm dần sản lượng điện từ than, VN đang đi ngược xu hướng đó. Trung bình 10 năm qua, tăng trưởng sản lượng điện than và khí trung bình của thế giới lần lượt là 1,3% và 2,6%, nghĩa là tốc độ tăng của sản lượng điện khí gấp đôi điện than. Tăng trưởng sản lượng điện khí cao nhất tại Trung Quốc, đạt 11,8%, gấp gần 3 lần mức tăng của điện than. Mỹ là nước có mức giảm điện than lớn nhất (tăng trưởng âm), đạt 6,2%, tiếp theo sau là Đức, Canada và Úc.Trong khi sản lượng điện than của VN tăng 21,6% và sản lượng điện khí thậm chí giảm 0,4%. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Nhìn lại 2020 Tiếp theo Tags: Việt NamNăng lượng sạchXã hội du lịchĐinh Ngọc DiệpNinh Dương Lan Ngọc
Các cửa khẩu nào sẽ tạm dừng thông quan với Trung Quốc? HÀ QUÂN 23/01/2025 Các cửa khẩu ở khu vực tỉnh Lạng Sơn sẽ tạm dừng thông quan hàng hóa với Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.