Phóng to |
Điểm cao thể hiện tư chất thông minh và sự cần cù chăm chỉ của SV. Đây là yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của doanh nghiệp - Ảnh: Cù Mai Công |
Điểm cao: thông minh hay học gạo?
Nguyễn Hoàng Vinh, SV Trường ĐHQG Hà Nội, khẳng định: "Nếu doanh nghiệp chỉ nhìn vào bảng điểm của SV để lựa chọn nhân viên, chưa chắc đã tốt. Điểm số chỉ đánh giá một phần khả năng của SV. Ví dụ nhiều bạn suốt ngày học gạo để lấy điểm cao nhưng trong lúc làm việc lại thiếu đi tính sáng tạo, năng động".
Bổ sung quan điểm "điểm cao không phải nhân tố quan trọng", Phạm Xuân Sang, SV Trường ĐH Luật Hà Nội "lý sự": đánh giá con người là ở hiệu quả công việc và điều đó là sự hăng say. Sang còn chất vấn ngược "khi học, các anh có vừa học, vừa yêu không" để dẫn giải rằng, sự đam mê mới là yếu tố quan trọng. Nhiều SV ngồi dưới dường như cũng tán thành ý nghĩ điểm cao do "gạo" mà có nên không ngớt lao xao: Trường hợp của Bill Gates chưa học xong ĐH thì sao?
Đáp lại, anh Dũng cho rằng đó chỉ là sự biện minh và đưa ra dẫn chứng, đã từng trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng hàng nghìn ứng viên và đều thấy, những SV có điểm số cao khi trả lời phỏng vấn các tình huống ứng xử đều có câu trả lời thông minh hơn và dĩ nhiên là trúng tuyển. Anh Dũng nhấn mạnh: Điểm số cao của SV thể hiện tư chất thông minh và sự cần cù chăm chỉ. Đây là những yếu tố tối cần thiết cho sự tồn tại của doanh nghiệp.
Anh Lê Khắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam, bày tỏ: khi tuyển dụng, ít khi nhìn điểm số từng môn của ứng viên mà thường chỉ xem điểm trung bình của cả khóa học. Tùy vào vị trí nhân viên tuyển dụng mà để ý tới một số môn học có liên quan. Tuy nhiên, ứng viên có điểm học tập cao thường gây chú ý hơn.
Anh Sơn nhận xét: nhà trường hiện nay cho điểm còn chưa chính xác. Các môn học cơ sở giai đoạn đầu thường thì SV đạt điểm rất thấp. Còn ở năm cuối điểm lại rất cao, do đó điểm thực tập hay làm luận văn, đồ án của SV không được đánh giá cao.
Ít SV dám lập doanh nghiệp
Trả lời nhiều thắc mắc của SV về chuyện liệu các doanh nghiệp có mặn mà khi tuyển dụng nhân sự vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm hay không, anh Nguyễn Trung Chính, Giám đốc công ty máy tính CMC nhấn mạnh tính chủ động của người đi tìm việc: "Hồi tôi mới tốt nghiệp, mang hồ sơ đầu đơn tới hơn chục cơ quan và cũng có 5, 6 nơi tiếp nhận. Cái chính là các bạn phải có tinh thần chủ động. Nếu ai có ý tưởng và sự tự tin thì có thể tự lập doanh nghiệp".
Dẫn chương trình của buổi giao lưu, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Đức Thành bất ngờ đặt câu hỏi: "Trong số các bạn ngồi đây, bao nhiêu bạn thực sự có ý nghĩ sau này mình sẽ trở thành nhà doanh nghiệp?".
Hội trường gần 300 SV là đại biểu Hội SV các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội, lác đác vài cánh tay giơ lên. Anh Thành đếm hào phóng cũng chưa được 30%.
"Thật là đáng buồn khi có ít SV dám xông pha như vậy.. Trong khi là khâu sản xuất trực tiếp của cải vật chất của xã hội và là động lực thúc đẩy xã hội giàu mạnh thì SV vẫn có tư tưởng "nhàn thân", anh Sơn bày tỏ.
Anh Thành thì thẳng thắn: "Các bạn kêu khó tìm việc, đó là vì trong tư tưởng của mình chỉ nghĩ ra trường vào cơ quan này, viện nọ, dựa vào cơ quan Nhà nước cho an toàn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận