Phóng to |
Bởi vậy, muốn có được sự hiểu biết và rung động đầy đủ về nền văn minh Ai Cập cổ đại, cách tốt nhất là chọn tour đi thăm thú cả hai đầu thượng hạ Ai Cập dọc theo sông Nil.
Để đến Ai Cập tôi phải bay tuyến TP.HCM - Paris, rồi từ Paris lấy tour bay sang Luxor, từng có thời là kinh đô Ai Cập. Đoàn 30 người, ngoài tôi ra tất cả đều là người Pháp. Đến Luxor, chúng tôi đi thăm một số công trình tiêu biểu, trong đó có đền Karnak - ngôi đền thiêng liêng nhất Ai Cập, thờ đấng tối cao - thần Amon.
Là công trình kiến trúc - nghệ thuật tiêu biểu cho sự thịnh vượng của Ai Cập thời tân đại (khoảng từ 1.500 - 1.000 năm trước Công nguyên), đền được xây dựng trên một khu đất rộng 40ha với hàng trăm cột trụ đá cao 16m và to đến mười người ôm mới xuể. Những bút tháp (obelisk) bằng đá granit nguyên khối, cao 29m, nặng 385 tấn, sừng sững giữa trời như thách thức kỹ thuật kiến trúc hiện đại. Đền được nối liền với đền Luxor bằng một đại lộ dài 3.000m, hai bên san sát hai hàng nhân sư (sphinx) bằng đá.
Khác với các công trình ở Hi Lạp chỉ xây một lần bởi một kiến trúc sư, các công trình kiến trúc cổ Ai Cập được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, bởi nhiều pharaon khác nhau, có khi từ vị nọ đến vị kia cách nhau cả nghìn năm và ông vua nào cũng muốn để lại trên các công trình dấu ấn của mình. Nếu các công trình ở Hi Lạp cốt vươn tới cái đẹp thì tại Ai Cập lại nhằm đạt đến sự uy nghi, để tôn vinh quyền lực thần thánh của các pharaon. Đứng trước các công trình hoành tráng này, du khách nào cũng phải sững sờ trước khả năng tưởng tượng lạ lùng của con người thuở đó, và không khỏi nghĩ về nỗi khổ đau của những người dân phải lao động khổ sai để xây dựng chúng.
Phóng to |
Khách sạn chúng tôi ở là chiếc du thuyền bốn tầng, có cả bể bơi. Rời Luxor, tòa nhà ấy nhẹ nhàng lướt trên mặt sông về phía thượng nguồn. Quãng sông từ Luxor đến Aswan cả đi lẫn về khoảng 750km. Không ngờ có ngày tôi được trò chuyện với con sông mơ ước này. Sông Nil sâu thẳm, cuồn cuộn nhưng bao giờ trông cũng êm đềm và chan chứa.
Hoàng hôn trên sông Nil mới đẹp làm sao. Mặt trời cũng nhuốm màu vàng của cát. Những cây đoát cao vút nổi bật trên nền sa mạc... Đêm xuống, thích nhất là đứng trước mũi du thuyền khi con tàu như lặng lẽ trườn mình trở về thời tiền sử. Hơn 2.000 năm trước, Cleopatre và Cesar cũng đi thuyền trên con sông này. Mối tình ấy nồng nàn đến nỗi chỉ ngắn ngủi như một giấc mộng.
Aswan là tỉnh cuối cùng của Ai Cập, gần biên giới Sudan. Sau khi vượt qua những dốc đá gập ghềnh, khoảng sông này bỗng trải rộng ra, dịu dàng và thơ mộng. Sông Nil mát lành và sa mạc Nubia cát bỏng chỉ cách nhau một làn nước là hai yếu tố tạo nên cảnh sắc lạ lùng làm mềm lòng khách lãng du.
Từ Aswan xe buýt đưa chúng tôi vượt chặng đường 280km qua sa mạc Nubia, thăm ngôi đền nổi tiếng Abu - Simbel do Ramses II, vị pharaon lừng danh nhất Ai Cập, xây dựng. Ramses II là vị pharaon giàu chiến công nhất, xây dựng nhiều đền đài cung điện nhất, nhiều vợ nhất, nhiều con nhất, sống dai nhất, ngang tàng, chịu chơi và đa tình nhất...
Tất cả đều được kể lại tỉ mỉ trên các bức bích họa trong ngôi đền. Bên cạnh ngôi đền nổi tiếng khắc sâu trong núi đá này, Ramses II còn cho làm thêm một ngôi đền dành cho người vợ yêu dấu của ông - hoàng hậu Nefertari. Và ông đã tụng ca nàng: “Mặt trời mọc bởi tình yêu của Nefertari” - nên trong các cái nhất của Ramses II người ta phải kể thêm câu nói tuyệt vời nhất ấy.
Đến Aswan, du khách không thể bỏ qua đập thủy điện Nasser - công trình do Liên Xô giúp Ai Cập xây dựng năm 1960, một kỳ quan của nhân loại thế kỷ 20.
Chiếc du thuyền xuôi sông Nil về lại Luxor. Từ đây chúng tôi đáp máy bay đi Cairo, thủ đô Ai Cập. Ở đó, chúng tôi ai cũng náo nức muốn được chiêm ngắm các kim tự tháp, muốn đứng trước kỳ quan ấy chụp vài pô ảnh để về khoe với thế nhân. Sakkara là thành phố của người chết lâu đời nhất, với kim tự tháp bậc thang Josera 4.700 năm tuổi; công trình vĩ đại đầu tiên của nhân loại được xây bằng đá, “mẹ của các kim tự tháp”.
Nhưng ấn tượng hơn cả là quần thể ba kim tự tháp lớn nhất Ai Cập ở Gizeh. Đó là ba ngôi nhà vĩnh cửu của các pharaon: Kheops, con trai ông là Khephren và cháu nội ông là Mykerinos. Trước kim tự tháp Khephren có tượng nhân sư được tạc từ một tảng đá nguyên khối dài 73m, cao 20m, được cho là làm dưới thời Khephren và mang nét mặt của vị pharaon này. “Từ trên đỉnh kim tự tháp 4.000 năm lịch sử đang nhìn chúng ta” là câu nói trứ danh của Napoleon khi ông đến đây. Nhưng khi nhìn kim tự tháp, tôi chỉ thấy nó như giọt lệ còn đọng mãi từ mấy nghìn năm.
Phóng to |
Tôi gặp lại Alexandre trong bảo tàng thành phố. Ông ngồi trên bệ đá cao, khuôn mặt thanh tú, cái đầu nghiêng nghiêng, đôi mắt mơ màng nhìn thế gian như cậu bé nhìn đống đồ chơi chẳng còn thích thú nữa. Từ nhà hàng Tikka Grill nhìn xuống vịnh phía đông, biển êm đềm là thế. Vậy mà có ai ngờ 4m sâu bên dưới mặt nước biển là thành phố cổ Alexandria. Người ta đang thiết kế một đường ống bằng kính xuyên qua các công trình dưới nước cho khách tham quan. Nhìn quanh, chẳng thấy ruộng dâu, chỉ thấy biển xanh một màu thương hải.
Chương trình hai tuần trên quê hương kim tự tháp được khép lại bằng buổi chiều tham quan Bảo tàng Cairo. Tòa nhà hai tầng hiện đại quá chật bởi hàng hàng lớp lớp những hiện vật. Qua đó, người ta có thể đọc được tường tận lịch sử nền văn minh Ai Cập cổ đại 4.000 năm. Trong phòng xác ướp, tôi gặp lại vị pharaon lừng danh nhất: Ramses II. Ông vẫn nằm thế từ 3.238 năm rồi. Đôi chân ấy từng làm rung chuyển mặt đất, cánh tay ấy từng cầm chùy phang vào đầu kẻ địch, cái miệng ấy từng thốt lên những lời có cánh...
Hôm sau, tôi vẫy tay chào: “Tạm biệt sông Nil”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận