22/11/2003 10:31 GMT+7

Có nên nâng thẩm quyền thanh tra?

Đ.TR
Đ.TR

TT (Hà Nội) - Rất nhiều lời “đặt hàng” đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gửi tới ban soạn thảo dự án Luật thanh tra trong phiên thảo luận chiều qua 21-11.

QH thảo luận dự luật thanh tra:

ĐB Nguyễn Hải Phong (Hà Tây) đề xuất: dự luật cần làm rõ hai hình thức thanh tra định kỳ và thanh tra đột xuất. Trong đó thanh tra định kỳ hoạt động theo chương trình kế hoạch, mỗi năm chỉ thực hiện một lần, còn thanh tra đột xuất chỉ áp dụng khi phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở một cơ quan, đơn vị nào đó. Cách qui định này sẽ góp phần khắc phục tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp thường phải đón tiếp nhiều đoàn thanh tra trong cùng thời điểm hoặc nhiều lần thanh tra trong một năm.

Cho rằng thẩm quyền của thanh tra được nêu trong dự luật chưa đủ “đô”, một số ĐB đề nghị phải nâng lên cho “to” hơn, ĐB Lê Mạnh Hùng (Hà Tĩnh) đề nghị có thể giao thêm thanh tra quyền xử phạt hành chính. “Phần nhiệm vụ, quyền hạn chỉ ghi mỗi một câu đơn giản, chung chung: phòng ngừa và chống tham nhũng theo qui định của pháp luật là chưa đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của cử tri cả nước đối với lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh này”-ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nhận định. Vì thế ông Thân đòi hỏi ban soạn thảo cần “hết sức cụ thể” để tạo điều kiện cho thanh tra làm tốt công tác chống tham nhũng.

Trong khi đó ĐB Lê Kim Toàn lại tỏ ý băn khoăn với qui định cơ quan thanh tra có quyền “tạm đình chỉ hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác người đang cộng tác với thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra, nếu xét thấy việc thi hành quyết định này gây trở ngại cho việc thanh tra”.

Ông Toàn bình luận: “kiến nghị” thì được rồi, còn “tạm đình chỉ” liệu đã phù hợp? Bởi “nói gì thì nói thanh tra cũng chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc (cho nên không thể có thẩm quyền “to” như vậy được)”. Cũng theo ĐB Toàn, dự luật cần thiết kế riêng một điều khẳng định trách nhiệm của thanh tra trong trường hợp đưa ra kết luận sai: tùy mức độ mà bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại hoặc thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tương tự, một điều luật khác về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cũng phải được bổ sung: nếu không chịu thực hiện kiến nghị (đúng đắn, chính xác) của thanh tra, quản lý nhà nước cũng phải bị xử lý thích đáng.

Sáng nay 22-11, QH tiếp tục thảo luận dự luật thanh tra tại hội trường.

* Sáng 21-11, các tổ ĐB QH đã tiến hành thảo luận rút kinh nghiệm kỳ họp. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc nặng nhất từ trước đến nay và được đa số ý kiến phát biểu đánh giá chất lượng rất cao.

Đ.TR
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên