27/11/2011 10:13 GMT+7

Muốn hạnh phúc, tổ ấm phải "ngoại bất nhập"?

NGUYỄN MINH 
NGUYỄN MINH 

TTO - Nỗi băn khoăn Chia sẻ tổ ấm, làm ơn mắc oán? đang nhận được những đồng cảm từ bạn đọc. Những "rủi ro" khó thể lường trước có thể phần nào khiến gia chủ phân vân trước việc chia sẻ hay không chia sẻ không gian sống với người khác.

Thêm những câu chuyện đầy không khí xung đột, đổ vỡ... vì không gian sống bị họ hàng "xâm lăng" càng cho thấy không dễ gì ứng xử cho đẹp lòng nhau khi chung sống. Liệu có phải muốn hạnh phúc thì tổ ấm tuyệt đối không thể có "bên thứ ba"?

Mời bạn đọc theo dõi ý kiến sau và chia sẻ quan điểm.

SoNYM4VJ.jpgPhóng to

Nhà có thêm "khách dài hạn" có thể gây nên sóng gió gia đình -Ảnh minh họa: từ Internet

Đã làm ơn còn mang tiếng ky bo

Vợ chồng tôi có căn nhà để trống có người hỏi thuê, nhưng nghĩ cho thuê cũng chẳng được bao nhiêu nên thôi. Sau đó, chúng tôi cho bác vợ cùng với con gái và hai đứa cháu ngoại ở tầng dưới. Tầng trên là hai đứa cháu của tôi ở. Để tránh phiền hà giữa những người ở tầng trên và tầng dưới, tiền điện và tiền nước do vợ chồng tôi trả.

Sau một thời gian, do có quá nhiều phiền toái trong việc cho ở nhờ - người ở tầng trên và tầng dưới không thể ở chung hòa thuận; để công bằng, cả tầng trên và tầng dưới phải dọn ra, vợ chồng tôi lấy nhà lại. Khi dọn ra, những người ở tầng dưới dọn luôn cả những vật dụng trong nhà bếp của chúng tôi.

Sau khi dọn xong, tầng dưới nhắn lại là cất giữ giùm chúng tôi những vật dụng đó (chúng tôi không hề nhờ cất giùm). Tầng trên nói với tôi: "Nhà bây giờ không có ai, chú coi chừng ăn trộm". Có lẽ ý đứa cháu nói là nó đã bỏ công ra trông giữ nhà giùm tôi chứ không phải tôi cho nó ở nhờ! Rồi cũng vì chuyện lấy lại nhà đó mà vợ chồng tôi cũng bị mang tiếng giàu có mà ky bo.

Kinh nghiệm "xâm lăng" giúp tôi bảo vệ tổ ấm

Đọc bài "Xâm lăng" tổ ấm cũng khổ trăm bề, tôi thấy giống hoàn cảnh của tôi quá, có điều là tôi đã trải đủ cả hai vai trò: là người "xâm lăng" tổ ấm và cũng là người có tổ ấm bị "xâm lăng".

Cách đây 16 năm, tôi từ quê lên TP.HCM kiếm sống. Ngày đó, tôi chẳng hình dung thành phố ra sao, tôi sống ở tận vùng quê hẻo lánh lắm, xung quanh chỉ có sông nước ruộng đồng. Nhà lại nghèo, học hành chưa tới đâu, kiến thức không có, rồi nếp sinh hoạt ở vùng nông thôn không được hay như cách sinh hoạt ở thành phố. Đó là nguyên nhân gây nên những xung đột trong cuộc sống ăn nhờ ở đậu.

Tôi được ba dẫn lên xin ở nhờ nhà người cô ruột. Nhưng dù là cô ruột mà không sống gần nhau nên cũng chẳng có tình cảm gì. Rồi cháu thì quê mùa, cô thì khó tánh, thế là cháu làm gì cũng không vừa lòng cô, lâu ngày đâm ra ghét, hễ thấy cái mặt cháu là cô ghét ngay không cần biết nó làm gì, nói gì.

Hồi đó, tôi cũng không hiểu tại sao cô khó với tôi quá vậy, lại hay la mắng oan cho tôi. Khi lớn hơn, hiểu được cuộc sống ở thành thị hơn, tôi mới thông cảm lại cho cô, thì ra là do quan điểm sống, cách sống và suy nghĩ về cuộc sống của hai người không giống nhau.

Cuộc sống thôn quê của tôi cả tháng không có đồng xu nào cũng vẫn sống được, vì cơm gạo vào mùa là đã để dành ăn cả năm rồi. Bữa ăn ở quê cũng chả cần có thịt cá, chỉ cần vài cọng rau luộc chấm với nước mắm là xong. Thế đấy, làm sao biết được thế nào là tủ lạnh, bếp gas, chứ đừng nói là cách sử dụng, bảo quản, cách nấu ăn, cách ăn uống nữa...

Cô nghĩ cháu hậu đậu, hư hỏng, vụng về, còn cháu loay hoay mãi chẳng biết làm sao cho vừa ý cô, rồi chuyện gì đến cũng đã đến, tôi quyết định ra sống riêng. Ban đầu cô phản ứng dữ dội bảo tôi muốn ra ngoài để dễ bề đàn đúm hư hỏng. Nhưng tôi dứt khoát ra ở riêng, tự tôi kiếm tiền nuôi lấy bản thân tôi, kết thúc cuộc sống ăn nhờ ở đậu khi chưa đầy hai tháng. Tôi cũng chứng minh được tôi không hư hỏng, không hậu đậu.

Tôi vừa kiếm tiền nuôi thân, vừa tranh thủ học hành, sau bao năm vất vả tôi cũng có được nghề nghiệp ổn định, có địa vị xã hội. Rồi tôi có chồng có con, nhà cửa. Vì cuộc sống của tôi trải qua rất nhiều cung bậc nên bản tính của tôi hơi khắt khe, cứng rắn. Tôi cũng vướng phải một điểm yếu là hơi bảo thủ. Tôi muốn tất cả mọi người cố gắng như tôi, phải ý tứ, thận trọng như tôi. Nhưng làm sao có được điều này khi mỗi cá nhân có một quan điểm khác nhau. Rồi cũng tới lúc tôi vướng vào vai trò như cô tôi ngày xưa: con cháu, anh chị em dưới quê muốn tới ở nhờ nhà tôi để đi làm, đi học.

Nói thật, tôi chẳng xa lạ gì với cảnh gia đình bị xáo trộn vì những "người ngoài". Tôi không muốn tổ ấm của tôi bị yếu tố "bên ngoài" chi phối, sớm muộn gì nó cũng vỡ tan. Đối với bên nhà tôi thì dễ, tôi từ chối và giải thích thiệt hơn lợi hại cho cả đôi bên rất dễ dàng, vì mọi người đều không muốn làm gia đình tôi có xung đột.

Nhưng với nhà chồng thì khó. Chồng không dám nói thẳng vì sợ nhà tôi bảo rằng anh sợ vợ. Gia đình chồng không cùng quan điểm sống với con dâu. Khoảng cách từ nếp sống thôn quê và thành thị, khoảng cách trình độ văn hóa, nhận thức... đã làm nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng tôi không thể vì cả nể mà để cuộc sống riêng tư bị xáo trộn, và tai hại hơn đến một lúc nào đó sẽ không còn cơ hội hàn gắn. Tôi quyết định nói thẳng là tôi không chấp nhận trong nhà tôi có người "thứ ba". Rằng đây là chốn riêng tư, không cho phép bên nào "tham dự".

Ban đầu khi thấy tôi "khó tánh" như vậy, nhà chồng tôi phản ứng dữ lắm, đay nghiến vợ chồng tôi suốt. Nhưng tôi cương quyết không thay đổi ý định. Rồi năm tháng trôi qua, mọi người cũng quen dần và buộc phải chấp nhận. Nhưng cho đến giờ, nhà chồng tôi cũng chưa thông cảm được cho tôi, nhưng không ai còn làm khó dễ bọn tôi như ngày trước nữa. Tôi cũng chỉ mong có thế thôi. Cuộc sống của ta phải do ta làm chủ.

Hạnh phúc vỡ tan vì miệng họ hàng

Cha mẹ tôi chia tay nhau cũng chỉ vì lý do không gian sống bị xâm phạm. Gia đình bên ngoại tôi ở quê, còn gia đình bên nội tôi ở Sài Gòn. Bên nội tôi không mấy giàu có gì nhưng thêm một người thì cũng thêm vài mét vuông trong nhà, thêm cái chén đôi đũa thôi. Nhưng bên ngoại tôi, hết cậu rồi đến dì, lần lượt từng người lên ở nhờ để đi học.

Công việc của ba tôi thường đi sớm về khuya, họ ở nhà nói ra nói vào việc đó với mẹ tôi. Là phụ nữ, rất tin chồng nhưng cũng bị tác động ngoại lực nhiều từ người thân của mẹ. Rồi cái gì đến cũng đến, ba mẹ tôi gây gổ nhau cũng chỉ vì những lời nói như vậy. Lúc ba mẹ tôi gây nhau, đôi lúc họ nghe, họ không bênh vực mà còn nói ra nói vào. Tôi còn nhớ họ có nói: "Chị còn trẻ, còn đẹp, sợ gì không lấy được chồng khác mà cứ phải sống chung với ông ấy?".

Đương nhiên mẹ tôi không phải là hạng phụ nữ chỉ vì câu nói ấy mà bỏ ba tôi. Nhưng hỏi thử các bạn, nếu các bạn là chồng, là người chấp nhận cưu mang những đứa em, bấy nhiêu năm nhịn chúng để gia đình nội ngoại được vui mà bây giờ nghe nói câu đó thì sao?

Rốt cuộc ba tôi chán nản, vốn thường đi về khuya nay lại càng về khuya hơn. Tôi chỉ còn gặp ba tôi vào lúc sáng khi ba chở chị em tôi đi học, còn lúc chúng tôi đi ngủ rồi mà ba vẫn chưa về.

Gia đình tôi mất hạnh phúc cách đây gần 10 năm chỉ vì lý do ở chung như thế. Dù bây giờ những cô cậu của tôi đã lớn, đã có gia đình, đã ăn năn, nhưng đâu thể cứu vãn.

Làm dâu, làm vợ - bạn sẽ ứng xử thế nào khi một ngày nọ tổ ấm của bạn xuất hiện thêm những người thân bên phía nhà chồng, nhà vợ và không hẹn ngày "dời gót"? Bạn sẽ cả nể hay quyết liệt "hành động" để ngăn chặn những nguy cơ làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình?

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến về vấn đề này theo công cụ dưới bài hoặc gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

Khi nhà mình thành "thiên đường" của họ hàngTổ ấm muốn vỡ chỉ vì "khách" trong nhàTôi ly dị vì tổ ấm thành... tổ chung"Xâm lăng" tổ ấm cũng khổ trăm bềSao tổ ấm cứ phải là của riêng vợ chồng?Chia sẻ tổ ấm, làm ơn mắc oán?

NGUYỄN MINH 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên