Đất, cây xanh bị sạt lở tràn lấp mặt đường quốc lộ 32, đoạn qua xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên - Ảnh: HỒNG THẮM
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió phát triển, tại Lai Châu đã có mưa lớn, mưa cục bộ ở một số nơi.
Tổng lượng mưa đo được từ 19h ngày 11-7 đến 13h ngày 12-7 phổ biến từ 30-100mm, cá biệt một số nơi mưa cục bộ như: thị trấn Tân Uyên 198mm, Nậm Sỏ 144mm, Khun Há mm, Bình Lư 124mm.
Mưa kéo dài gây lũ và sạt lở đất làm 3 nhà dân ở xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) và xã Nà Tăm (huyện Than Uyên) bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn, 3 nhà dân ở thị trấn Tân Uyên phải di dời khẩn cấp, 25 nhà dân ở TP Lai Châu ngập úng cục bộ.
Tại huyện Tân Uyên, mưa lớn làm 10ha lúa bị vùi lấp, cuốn trôi. Còn tại huyện Tam Đường, khoảng 2.000m2 lúa, ngô của người dân bị vùi lấp.
Về giao thông, quốc lộ 32 đoạn qua xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) có hai điểm sạt lở với khối lượng khoảng 1.350m3. Quốc lộ 4H (xã Hua Bum, huyện Mường Tè) bị sạt lở khoảng 1.000m3, đất đá lấp toàn bộ mặt đường quốc lộ, gây tắc đường.
Tại tuyến đường tỉnh nối xã Noong Hẻo và các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ với quốc lộ 32 xuất hiện hai điểm sạt lở lớn đất với khối lượng gần 40.000m3
Tuyến đường tỉnh 135, 136, 128, 129 xuất hiện nhiều điểm sạt lở, lún sụp, xói mặt đường, với khối lượng hàng nghìn mét khối đất đá gây ách tắc giao thông cục bộ.
Nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên bản tại các huyện Tam Đường, Nậm Nhùn, Sìn Hồ cũng xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ.
Tỉnh Lai Châu hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ ở bản Pắc Ta, xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) - Ảnh: HỒNG THẮM
Ông Vũ Xuân Tính - phó chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu - cho biết hiện nay trên địa bàn vẫn tiếp tục có mưa vừa và mưa to trên diện rộng.
Để chủ động đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, cũng như an toàn cho các công trình nhà nước, Ban chỉ huy tỉnh đã yêu cầu chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và chủ động ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra.
"Đối với hai nhà dân ở huyện Tân Uyên bị cuốn trôi hoàn toàn, tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ mỗi gia đình mỗi hộ 10,5 triệu đồng, 50kg gạo để giúp người dân ổn định cuộc sống.
Đối với các tuyến đường bị sạt lở, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương san gạt, dọn dẹp để đảm bảo thông suốt. Dự kiến trong tối 12-7, các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý sẽ thông xe, các tuyến đường do huyện quản lý đang được tích cực khắc phục và đảm bảo thông suốt trong thời gian sớm nhất" - ông Tính thông tin thêm.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh vùng núi phía Bắc yêu cầu các tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình mưa để thông báo, hướng dẫn kịp thời.
Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao.
Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, chủ động bố trí lực lượng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận