24/02/2024 16:23 GMT+7

Mua bán giả cách thì có bị chiếm đoạt mất tài sản không?

Vì cần tiền, tôi phải ký hợp đồng giả cách (bán nhà) để vay tiền. Xin cho hỏi, việc ký hợp đồng giả cách này có thể bị chiếm đoạt mất nhà không?

Gia đình tôi sở hữu 1 căn nhà có giấy tờ đầy đủ ở Hà Nội, do người nhà mắc nợ nặng lãi nên đã mượn của ông A một số tiền với cam kết viết bằng giấy (có quay video) để ông ấy đứng tên nhà (nhưng giấy tờ nhà tôi giữ và nhà chúng tôi vẫn sử dụng), sau 1 năm chúng tôi trả tiền và ông A trả nhà. 

Xin luật sư cho biết có khả năng ông A chiếm đoạt nhà của chúng tôi không? Và trong trường hợp tranh chấp chúng tôi có thể đòi lại nhà không?

Trần Thị Tuyết (Hà Nội) gửi câu hỏi cho luật sư tư vấn.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về việc ký hợp đồng giả cách bán nhà để vay tiền như sau:

Theo các tình tiết mà bạn cung cấp thì việc gia đình bạn ký hợp đồng mua bán/tặng cho ông A để ông A đứng tên nhà chỉ là một hợp đồng giả cách hay còn gọi là giao dịch giả tạo nhằm bảo đảm cho giao dịch vay mượn tiền.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư

Luật sư Nguyễn Đăng Tư

Theo quy định tại khoản 1 điều 124, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì "Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này hoặc luật khác có liên quan".

Căn cứ quy định nêu trên, giao dịch chuyển nhượng/tặng cho của gia đình bạn cho ông A là giao dịch bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Do đó, khả năng ông A cố tình lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình bạn là không cao bởi giấy tờ sổ hồng gia đình bạn giữ, căn nhà gia đình bạn ở và theo quy định của pháp luật thì gia đình bạn cũng được pháp luật bảo vệ.

Trường hợp xảy ra tranh chấp tại tòa thì khả năng ông A được tòa tuyên công nhận quyền sở hữu nhà đất là thấp.

Trong trường hợp tranh chấp, gia đình bạn cũng có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án hủy bỏ phần cập nhật biến động ghi nhận bổ sung trên sổ hồng cho ông A là chủ sở hữu hoặc hủy bỏ sổ hồng nếu sổ hồng được cấp mới cho ông A.

Khi đó, khả năng gia đình bạn lấy lại quyền sở hữu căn nhà là khá cao, tất nhiên là gia đình bạn vẫn phải trả tiền đã mượn cho ông A bởi ông A cũng có thể khởi kiện để yêu cầu gia đình bạn trả tiền đã mượn.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên