
Bức tranh Soleil couchant sur la campagne của vua Hàm Nghi vẽ năm 1911
Triển lãm giúp người xem cảm nhận phần nào nỗi nhớ nhung quê nhà của vị vua yêu nước sau khi lãnh đạo phong trào Cần Vương bất thành, bị Pháp lưu đày tận trời Tây.
Sinh thời, vua Hàm Nghi từng mong muốn được trở lại quê hương. Và giờ đây một phần di nguyện đó đã trở thành hiện thực khi những bức tranh ông vẽ đã được đưa về nơi hơn 140 năm trước nhà vua từng sống.
Nỗi lòng của vị vua yêu nước
21 bức tranh của vua Hàm Nghi được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, giám tuyển Ace Lê, Lân Tinh Foundation phối hợp với TS lịch sử Amandine Dabat (hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi) cùng nhiều người khác lần tìm, xác thực rồi đưa về Việt Nam dịp này.
Trong không gian lộng lẫy của Điện Kiến Trung, những bức tranh dù vẽ cảnh đồng quê, rừng núi, ao hồ ở tận Algeria và Pháp nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc với đất Việt.
Ngắm bức tranh sơn dầu Soleil couchant sur la campagne - Hoàng hôn trên cánh đồng cỏ (tên do ban tổ chức triển lãm dịch), anh Ngọc Minh - một du khách - không khỏi ngạc nhiên và thốt lên: "Quen quá!".
Bức tranh vẽ cảnh một đàn bò thong dong gặm cỏ trên cánh đồng ở vùng Vichy (Pháp). Xa xa là một ngôi nhà lợp ngói thấp thoáng sau rặng cây xanh. Phía chân trời, mặt trời dần lặn xuống, khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp nhưng đượm buồn.
"Hẳn vua Hàm Nghi đã rất buồn và nhớ quê hương khi bắt gặp khung cảnh này ở Pháp. Ngài đã đưa nỗi buồn đó vào nghệ thuật, biến một cánh đồng cỏ với đàn bò, rặng cây ở xứ người như thành khung cảnh con trâu, đồng lúa vàng thơm ở làng quê đất Việt để thỏa nỗi nhớ mong", anh Minh nói.
Một trong những điều đặc biệt mang lại cảm xúc cho người xem là chữ ký Tử Xuân (bút danh nghệ thuật của vua Hàm Nghi) được viết bằng mực màu đỏ nằm ở mỗi góc của những bức tranh. Chữ ký như phảng phất hình bóng của vị vua yêu nước năm nào trước khung cảnh trời Tây trong những năm tháng lưu đày.

Người xem triển lãm “Trời, Non, Nước” của vua Hàm Nghi - Ảnh: N.LINH
Đứng lại trời non nước
Giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê - người góp phần đưa 21 bức tranh của vua Hàm Nghi về Việt Nam lần này - nói ông đã mượn câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan để đặt tên cho triển lãm, như nói thay nỗi lòng của vua Hàm Nghi.
"Dừng chân đứng lại trời non nước, một mảnh tình riêng ta với ta. Có lẽ vua Hàm Nghi cũng đã dành mảnh tình riêng nhớ về quê nhà trong quãng thời gian ngài bị lưu đày. Điều dễ nhận thấy trong tranh của vua là dáng dấp, phong cảnh của Việt Nam. Người Pháp có thể đưa vua rời khỏi quê nhà nhưng không thể đưa quê nhà ra khỏi trái tim của ông", ông Ace Lê nói.
Bà Amandine Dabat cho biết hiện nay trên thị trường còn khoảng 100 bức tranh của vua Hàm Nghi.
"Tôi được nghe kể sinh thời vua Hàm Nghi luôn đau đáu ước muốn được trở về quê hương. Đưa tác phẩm của ông trở về hôm nay cũng là một cách để đưa tinh thần của ngài về với cố hương", bà chia sẻ.
Ông Franck Bolgiani - tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, phó giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam - bày tỏ niềm vinh dự khi được góp sức đưa tác phẩm của "người tiên phong vĩ đại nhất mỹ thuật Việt Nam" trở về nhà.
Theo ông, triển lãm này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với văn hóa Việt Nam, với Huế mà còn góp phần làm phong phú thêm mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam.
Nhận xét về vua Hàm Nghi, ông nhấn mạnh rằng ngài không chỉ là một vị hoàng đế lưu vong mà còn là một trong những nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo bài bản về hội họa phương Tây.
Kết hợp những kỹ thuật hàn lâm hội họa Pháp với tình yêu sâu sắc dành cho thiên nhiên, văn hóa quê hương, vua Hàm Nghi đã sáng tác ra những tác phẩm độc đáo, ngập tràn cảm xúc hoài niệm.
Những bức tranh phong cảnh của vị vua bị lưu đày kể cho chúng ta những câu chuyện tinh tế về sự kháng cự, về nỗi cô đơn nhưng cũng là câu chuyện của vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam vang vọng.
Theo bà Amandine Dabat, nhiều nghiên cứu cho rằng Lê Văn Miến là họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam với bức tranh sơn dầu Bình văn được vẽ trong khoảng thời gian 1898 - 1905.
Tuy nhiên vua Hàm Nghi đã vẽ bức tranh sơn dầu đầu tiên của mình vào năm 1889, khi vừa bị đưa sang Algeria lưu đày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận