14/04/2025 05:20 GMT+7

Một lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất 3 nguyên tắc để Việt Nam thành quốc gia công nghệ

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mở ra một chương mới cho phát triển công nghệ ở Việt Nam. Để Việt Nam thực sự thành một quốc gia công nghệ, điều cơ bản là mọi người dân và doanh nghiệp cần phải thấy điều đó quanh mình mỗi ngày.

công nghệ - Ảnh 1.

Văn phòng làm việc của một start-up công nghệ tại Hà Nội - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Đây không đơn thuần là "chính phủ điện tử" theo cách hiểu truyền thống - vốn chỉ là số hóa các quy trình và cách làm cũ một cách rời rạc.

3 nguyên tắc cốt lõi của E-Vietnam

Để trở thành quốc gia công nghệ, chúng ta cần tưởng tượng và thiết kế lại hoàn toàn cách thức vận hành của các cơ quan chính phủ với công nghệ là trung tâm. Tôi tạm gọi hệ thống đó là E-Vietnam. Có nhiều việc phải làm nhưng có 3 nguyên tắc cốt lõi cần thúc đẩy.

Thứ nhất là nhập dữ liệu một lần duy nhất. Hiện tại, mỗi lần làm việc với cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp phải điền lại cùng một thông tin trên vô số biểu mẫu khác nhau. 

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, mỗi doanh nghiệp Việt Nam trung bình mất 84 giờ/năm chỉ để khai báo thông tin trùng lặp - tương đương với hơn 10 ngày làm việc bị lãng phí.

Với hạ tầng số E-Vietnam, thông tin chỉ cần nhập một lần, sau đó được chia sẻ tự động giữa các hệ thống (với sự đồng ý của người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu). Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu sai sót và tăng cường trải nghiệm người dùng.

Nguyên tắc thứ hai là một cửa thực sự. Người dân và doanh nghiệp chỉ cần truy cập một cổng thông tin để thực hiện mọi giao dịch với Nhà nước - từ đăng ký kinh doanh, nộp thuế, xin giấy phép đến các dịch vụ y tế, giáo dục. 

Họ không cần biết đó là thẩm quyền của cơ quan nào hay quy trình ra sao. Hệ thống sẽ tự động xử lý, kết nối và cung cấp kết quả.

Nguyên tắc thứ ba là chủ động phục vụ. E-Vietnam sẽ xây dựng các dịch vụ công "chủ động" - không chờ đến khi người dân hay doanh nghiệp yêu cầu mà chủ động cung cấp dịch vụ khi cần thiết. 

Ví dụ, khi một đứa trẻ đến tuổi đi học, hệ thống sẽ tự động thông báo và hướng dẫn gia đình về quy trình nhập học.

công nghệ - Ảnh 2.

Ông Lê Hồng Minh (chủ tịch HĐQT Công ty VNG)

Bài học từ Estonia

Một hạ tầng số hiện đại với những nguyên tắc trên không chỉ là "giấc mơ". Estonia - quốc gia chỉ với 1,3 triệu dân và ít người biết đến - đã thực hiện thành công điều này trong vòng 20 năm.

Xuất phát điểm GDP đầu người chỉ 3.000 USD vào năm 2000, Estonia đã đạt 30.100 USD năm 2023. Điều này được thực hiện thông qua chiến lược E-Estonia - một kế hoạch tổng thể về hạ tầng số quốc gia.

Kết quả đạt được sau 20 năm của Estonia đáng kinh ngạc: 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến 24/7; thời gian đăng ký kinh doanh: 3 giờ (doanh nghiệp có thể bắt đầu hoạt động); 99% giao dịch ngân hàng thực hiện trực tuyến; 98% khai báo thuế hoàn thành trực tuyến trong 3 phút, chi phí thu thuế 0,3%, thấp nhất thế giới; tiết kiệm 2% GDP hằng năm nhờ giảm chi phí hành chính.

Đặc biệt, Estonia hiện có 10 start-up "kỳ lân" trị giá trên 1 tỉ USD - xếp hạng số 1 thế giới về số lượng kỳ lân trên đầu người.

Cơ hội lớn và thách thức nhiều

Xây dựng một mô hình như E-Estonia tại Việt Nam có rất nhiều thách thức và khó khăn. Nhưng theo nghiên cứu của McKinsey, chuyển đổi số toàn diện có thể bổ sung thêm 100 tỉ USD vào GDP của Việt Nam đến năm 2030 - tương đương với 16% tăng trưởng GDP. Riêng việc tối ưu hóa các quy trình hành chính công có thể giúp tiết kiệm 1,5% GDP/năm.

Việt Nam đã có những bước tiến căn bản cho hạ tầng số, trong đó nổi bật nhất là hệ thống VNeID - căn cước công dân số. Đây là hệ thống cốt lõi đầu tiên cho một xã hội số, nhưng chúng ta cần một chiến lược phát triển E-Vietnam tổng thể, dài hạn, một hạ tầng số hiện đại, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

E-Vietnam không chỉ là dự án công nghệ - đó là dự án quốc gia, là nền tảng để xây dựng một Việt Nam cường thịnh trong kỷ nguyên số. Với quyết tâm chính trị, đầu tư chiến lược và sự tham gia của toàn xã hội, chỉ trong 10 năm tới, tôi thực sự hy vọng E-Vietnam có thể được thế giới biết đến như một hình mẫu thành công của chuyển đổi số quốc gia.

Thành công của E-Vietnam sẽ không chỉ đo lường bằng số lượng dịch vụ số, mà bằng sự thay đổi căn bản trong năng suất kinh tế, chất lượng cuộc sống và vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Không chỉ "ứng dụng công nghệ"

Trong giới công nghệ toàn cầu, có sự phân biệt giữa các tổ chức "ứng dụng công nghệ" và các tổ chức "lấy công nghệ làm cốt lõi".

Walmart ứng dụng công nghệ trong khi Amazon tái định nghĩa toàn bộ mô hình thương mại bằng công nghệ. Marriott sử dụng công nghệ quản lý khách sạn, Airbnb xây dựng lại hoàn toàn khái niệm lưu trú. Sự khác biệt không nằm ở quy mô đầu tư mà ở tư duy: một bên coi công nghệ là công cụ hỗ trợ, bên kia xem công nghệ là ADN của tổ chức.

Một cách tương tự, tôi cảm nhận được nghị quyết 57 mong muốn Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia công nghệ, và thực sự đưa khoa học công nghệ trở thành cốt lõi của toàn bộ mọi hoạt động của quốc gia. Hiện thế giới biết đến Việt Nam như một cường quốc nông nghiệp, một trung tâm sản xuất đang vươn lên... 20 năm tới, nghị quyết 57 mong muốn Việt Nam sẽ được thế giới biết đến như một quốc gia công nghệ hiện đại và tiên tiến.

Để Việt Nam thành quốc gia công nghệ - Ảnh 3.Xu hướng làm việc hiện đại và linh hoạt với công nghệ

Khám phá xu hướng làm việc mới đầy sáng tạo với AI, freelance, và làm việc từ xa. Tìm cách kết hợp công nghệ vào công việc để đạt hiệu quả tối ưu mà vẫn duy trì cân bằng cuộc sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên