20/06/2018 11:21 GMT+7

Mong nhiều bài báo nhân văn thay các 'tin tức ngực'

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Mỗi sáng, mở tờ báo ra, độc giả mong muốn được đọc gì? Gấp tờ báo lại, điều gì sẽ còn lại trong lòng độc giả?... Câu hỏi này luôn được đặt ra thường trực trong mội tòa soạn, mỗi người viết báo.

Mong nhiều bài báo nhân văn thay các tin tức ngực - Ảnh 1.

Với rất nhiều người, mỗi sáng không thể thiếu tờ báo - Ảnh: TỰ TRUNG

Dịp 21-6 năm nay, các độc giả đối thoại cùng Tuổi Trẻ về những câu hỏi đó, cũng là vấn đề của báo chí hôm nay.

Báo chí nhân văn, thay vì "tin tức ngực"

* Cầm một tờ báo trên tay buổi sáng, bạn sẽ đọc một cách chọn lọc theo nhu cầu, theo ý thích hay đọc hết?

- Huỳnh Trọng Khang: Tôi đã mua báo thì tôi sẽ đọc hết.

* Cách đọc báo của bạn?

- Huỳnh Trọng Khang: Trước hết là trang nhất, vì ở đó tờ báo đã chọn giới thiệu những gì mà tòa soạn cho là điểm nóng cần chú ý. Rồi tôi lật trang cuối đọc tin thời sự quốc tế, sau đó là những trang trong. 

Hiện nay những tin tức nóng nhất đều lập tức đăng trên báo điện tử, được nhiều người dẫn link trên mạng xã hội, điều mà tờ báo in sẽ không bao giờ cạnh tranh được. 

Nên khi đọc báo giấy, tôi mong muốn được đọc những nhận định, phân tích, đánh giá xung quanh câu chuyện, những xác tín mà tờ báo in với đặc điểm "giấy trắng mực đen" của mình sẽ đảm bảo chắc chắn. 

Kể cả trang quảng cáo tôi cũng đọc vì những sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu cũng là một bằng chứng về uy tín tờ báo mà tôi theo dõi.

Và tất nhiên, là một người viết văn, tôi rất quan tâm đến những câu chuyện được kể, màu sắc cuộc sống được vẽ nên trên mặt báo, và cả những khoảng trống mà tờ báo dành lại cho người đọc chiêm nghiệm. 

Cái thấy, cái đọc là cửa mở để hiểu, và đôi khi những phần không được thấy, không được đọc cũng mang thông điệp rất quan trọng.

Gấp lại một tờ báo, hiểu được cái xấu đang được thanh lọc, cái tốt đang được nhân lên, biết thêm được một câu chuyện đẹp ở đâu đó... là người đọc có được một khởi đầu tuyệt vời cho ngày mới.

* Đôi lúc theo dõi lượt đọc trên trang điện tử, người làm báo chúng tôi cũng thấy có trường hợp các "tin tức ngực" lại được bạn đọc chọn đọc nhiều hơn rất nhiều so với những bài viết mang tính nhân văn mà người viết đã đổ nhiều tâm huyết.

- Cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền: Các bạn hãy bình tĩnh với bản lĩnh của mình. Những nhà báo tử tế với những bài báo tử tế chắc chắn sẽ có những bạn đọc tử tế. 

Những tin tức thuộc thể loại tiêu cực luôn luôn kích thích sự tò mò theo dõi của con người, nhất là trong thời cuộc hiện nay, nhưng hãy viết nó bằng ngòi bút nhân văn của mình: đừng giật gân với những tình tiết, đừng quá rành mạch sa vào chi tiết mà hãy đi vào nguyên nhân, bản chất để tìm lối ra. 

Lên án cái xấu là phương pháp, xây dựng cái đẹp là giải pháp. Giải pháp buông cái sai - tìm cái đúng, giải pháp hướng thiện, đánh thức sự nhân văn, tử tế nằm trong bài báo sẽ nâng đỡ được cả bạn đọc, lan tỏa trong cộng đồng.

- Trường An: Trước đây tôi từng thích đọc, theo dõi những tin tiêu cực, những bài nói về "mặt trái". Tôi cho rằng đó mới chính là sự thật, nhà báo nào viết những đề tài ấy mới là hiểu biết, công tâm. 

Nhưng càng trưởng thành, tôi càng nhận ra rằng điều thật sự cần thiết chính là giải pháp chứ không phải những chuyện chỉ để biết, để buồn bã, để công phẫn. 

Ngay cả trong những chuyện chỉ thuần là tiêu cực cũng có những căn nguyên của nó để từ đó người ta có thể học hỏi từ những sai lầm, hiểu rõ, hiểu sâu hơn về mọi thứ để tìm cách giải quyết hiệu quả.

Tôi đã hiểu rằng: hiểu biết thực sự phải đến từ cái nhìn bao dung, thấu suốt, sâu rộng; bản lĩnh đến từ ý chí sống một cách đẹp đẽ; sự khôn ngoan đến từ việc nhận thức được những sai lầm, những mặt tối của chính mình. 

Đó là con đường khó khăn hơn hẳn việc soi mói và chỉ trích, bất mãn và cay đắng với những lỗi lầm của người khác, của cả thế giới. Xây dựng bao giờ cũng khó khăn hơn hủy hoại, nhưng xây dựng mới là con đường mà tất cả chúng ta cần phải cùng đi.

Mong nhiều bài báo nhân văn thay các tin tức ngực - Ảnh 2.

Cái thật là tính thuyết phục của cái đẹp

* Tuy vậy, thực tế là vấn nạn "khủng hoảng niềm tin" đang lan rộng những tháng năm này. Một bài báo về chuyện tiêu cực, đôi khi chưa thật đầy đủ dữ liệu, cũng có thể gây "tiếng vang" lớn. Ngược lại, một bài báo về một câu chuyện đẹp lại rất dễ vấp phải những nghi ngờ. Làm sao để thuyết phục được người đọc vẫn là một thách thức lớn với người làm báo. Chúng tôi rất muốn hiểu rõ hơn nữa độc giả của mình.

- Trường An: Tôi là một trong những người lớn lên trong thế hệ bị gọi là "khủng hoảng niềm tin" đó. Chúng tôi dễ bị nhấn chìm trong thế giới vật chất, trong bản năng hay những ý nghĩ tiêu cực khi phải đối mặt với quá nhiều vấn đề khác nhau. 

Chúng tôi muốn vượt thoát nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào. Có lẽ từ đó mà dễ nảy sinh những dấu hỏi nghi ngờ quanh mình.

Một câu chuyện đẹp có thể khiến tôi ngưỡng mộ, nhưng điều khiến tôi cảm động sẽ là những chân tình và trải nghiệm thật sự của người trong cuộc, từng bước đi của họ từ chỗ đứng bình thường đến mỗi bước mỗi tốt đẹp hơn, những giá trị bản thân mà họ xác tín, ước mơ mà họ theo đuổi, khó khăn mà họ vượt qua, hành động tốt đẹp mà họ đã làm vì đó chính là bản thân mình. 

Tôi thật sự muốn đọc những câu chuyện đẹp sẽ khiến tôi nghĩ "mình cũng có thể như vậy, mình cũng nên làm như thế".

- Trọng Khang: Sức thuyết phục của một câu chuyện trên báo trước hết là vì thật và đẹp. Tôi tin rằng những câu chuyện trong cuộc đời, chỉ cần tìm hiểu thật kỹ, tường thuật lại chọn lọc và tỉ mỉ sẽ rất hay, rất đẹp và không kém phần kịch tính, hấp dẫn mà không cần thêm thắt, tô vẽ. Chính cái thật sẽ là tính thuyết phục của cái đẹp.

* Vẫn biết hướng đến cái thiện, cái đẹp là nhân tính, nhưng tôi vẫn đang tự hỏi phải chăng những độc giả đọc báo để tin và yêu như cô Thu Hiền, như Trọng Khang, Trường An đây là "của hiếm"?

- Trọng Khang: Trên một tờ báo, nếu những tin tức tiêu cực từ diễn biến thời sự là không thể không đăng thì những bài viết, câu chuyện nhân văn lại là một sự lựa chọn tự nguyện. 

Sự cân bằng này trong thông tin sẽ cho độc giả thấy rằng đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, vẫn đáng sống, đáng để dấn thân, phấn đấu. 

Chỉ riêng lý do ấy thôi cũng đã xứng đáng để các tờ báo như Tuổi Trẻ theo đuổi. Cách đọc sách và suy nghĩ của tôi có thể hơi khác với các bạn cùng tuổi, nhưng mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn thì đều như nhau.

- Cô Hoàng Thị Thu Hiền: Cho dù những tin tức thuộc loại tiêu cực luôn nổi lên trên dòng thời sự thì tôi vẫn tin rằng trong cuộc đời, cái tốt, cái đẹp luôn nhiều hơn cái xấu. 

Có những con người vĩ đại, những câu chuyện đẹp như cổ tích chỉ nhìn là thấy, nhưng cần sự dấn thân của các phóng viên hơn lại là những cái đẹp ẩn khuất bên dưới lớp vỏ xù xì của cuộc sống, khiêm nhường nằm sâu bên trong con người. 

Có thể người ta không nói ra nhưng là con người, tim ai cũng sẽ rung động trước cái đẹp, cái thiện cả.

Bạn đọc sẽ chọn

* Được biết Trọng Khang và Trường An đã quan sát và nghiên cứu về xu hướng đọc báo, mạng xã hội của giới trẻ. Quan sát ấy mang đến cho các bạn nhìn nhận thế nào về những bài báo nên viết và nên đọc hôm nay?

- Trọng Khang: Trên mạng xã hội đang có xu hướng "mỗi người là một nhà báo". Và cũng chính vì thế, những tờ báo in chính thống và lâu đời cũng đã mở cho mình những trang báo điện tử, những trang mạng xã hội cùng song song phát triển để tự bổ khuyết những ưu - nhược điểm cho nhau.

Báo chí ngày càng hiện đại hơn, thách thức với nhà báo nhiều hơn, còn với bạn đọc như chúng tôi thì chỉ có lợi vì được tha hồ chọn lựa. Và tất nhiên phải biết cách chọn lựa thì mới có lợi trong việc đọc.

- Trường An: Quan sát xu hướng của các thanh thiếu niên theo đuổi thần tượng với những giá trị đôi khi là ảo, nhiều lúc lại mù quáng vì tình cảm riêng tư, tôi nghĩ từ đáy lòng mỗi người vẫn tha thiết mong muốn một ước vọng được tỏa sáng, được cống hiến, được công nhận, được yêu thương.

Nghiên cứu lịch sử, nhiều ngàn năm trải qua bao nạn đói, gươm đao, bất công, phân tầng, chiến tranh đẫm máu, thế nhưng nhân loại vẫn giữ gìn và tôn vinh những giá trị cao đẹp, con người vẫn sống cao thượng và càng cao thượng trong nghịch cảnh.

Giá trị của con người là đáng tin, đáng ca ngợi, đáng vươn tới... Sách sẽ chọn. Báo sẽ chọn. Và bạn đọc cũng sẽ chọn.

Là người đọc, bạn mong muốn điều gì ở Tuổi Trẻ? Nhân ngày Báo chí Việt Nam, mời bạn hãy chia sẻ những mong muốn, kỳ vọng, cũng như những hiến kế để giúp đội ngũ những người làm báo Tuổi Trẻ hoàn thiện hơn. Tất cả các ý kiến đóng góp xin gởi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected], [email protected]. Chân thành cảm ơn bạn!

Tuổi Trẻ vinh danh những bạn đọc cùng làm báo Tuổi Trẻ vinh danh những bạn đọc cùng làm báo

TTO - Sáng 17-6, hàng chục bạn đọc tại nhiều tỉnh thành trên cả nước tụ họp về trụ sở chính của Báo Tuổi Trẻ dự lễ trao giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng năm 2017.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên