21/02/2018 09:29 GMT+7

Món ba ba không làm từ thịt ba ba

LS NGUYỄN VĂN TĨNH
LS NGUYỄN VĂN TĨNH

TTO - Món ba ba mà tôi nói đến trong bài viết này, không phải là được nấu bằng thịt của con ba ba có bốn chân, di chuyển bằng cách bò trên mặt đất, có chiếc mai trên lưng, có cái cổ thò ra, thụt vào được.

Trong những mâm cúng ngày giỗ, tết (nhất là mâm cỗ cúng gia tiên đêm 30), đình đám, hội hè ở quê tôi… nếu không có món ba ba thì không thể gọi là cỗ to được. 

Món ba ba mà tôi nói đến trong bài viết này, không phải là được nấu bằng thịt của con ba ba có bốn chân mà nguyên liệu chính làm nên món ăn này là chuối tiêu được trồng rất nhiều ở quê tôi.

Ngày còn sống, mẹ tôi nấu món này ngon lắm. Tôi dám chắc rằng: nhiều người khi đã được thưởng thức dù chỉ một lần món ăn trên, do bàn tay mẹ tôi làm ra thì sẽ còn nhớ mãi. Nhớ đến nỗi, khi nhắc đến tên nó, người ta đã tưởng tượng ngay ra mùi thơm ngầy ngậy của chuối, chua chua của mẻ, vàng vàng của nghệ, sóng sánh của mỡ, bùi bùi của lạc, vừng… thì cũng ứa nước chân răng.

Cách tết hàng mấy tháng, mẹ tôi đã chọn những buồng chuối tiêu to, mẩy, không có sâu, rồi dùng chính những tàu lá ở thân cây quấn chặt lấy buồng để chim chóc, sâu bọ không đục phá quả. Trước đó, bụi chuối cũng chỉ để từ 2 đến 3 cây con mà thôi. Khi cây mẹ mới trổ hoa, ra được từ 4 đến 5 nải thì mẹ tôi đã bẻ hoa đi. Những việc làm trên nhằm làm cho cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

 Chuối tiêu dùng để nấu ba ba phải là loại chuối không được để quá già, hoặc quá non. Nếu quá già (ương ương) thì hàm lượng đường trong chuối sẽ  cao, nấu lên sẽ bị vị ngọt ấy làm mất đi vị ngon đặc trưng của món ăn. Nếu quá non thì khi ấy vỏ quả chuối còn quá dầy, ruột ít, vị chát rất lớn nên khi nấu sẽ bị nhiều sơ cũng mất ngon. 

Trước khi chặt chuối xuống người ta đã chuẩn bị sẵn một chậu nước sạch chừng 4- 5 lít, hoàn lẫn với 1- 2 thìa cà phê muối hạt, mẻ và nước vôi trong. Những thứ trên nhằm sát khuẩn, trắng và cứng chuối sau khi đã được bóc vỏ rồi ngâm vào đó. Buồng chuối được cắt ra từng quả, bóc lớp vỏ ngoài cùng, cắt thành từng khúc dài khoảng 3- 5 cm, mỗi khúc lại được chẻ ra từ 3- 4 mảnh rồi ngâm ngay vào chậu nước đã được pha sẵn muối, mẻ và nước vôi trong khoảng 30 phút thì vớt ra rổ, rá rửa sạch, để ráo nước.

Khi luộc chuối thì phải đun nước sôi lên hẳn rồi mới đổ chuối vào, chú ý khi đảo cần nhẹ tay kẻo chuối bị nát. Khi vừa chín tới thì vớt ra rổ, rá để cho nguội hẳn. Chú ý lọng ở giữa rổ, rá để chuối ở giữa được nguội cùng một lúc với bên ngoài. Có thể sử dụng quạt để thổi cho mau nguội. Khi đã nguội hẳn thì cho vào cối giã càng nhỏ càng tốt.

Thịt ba chỉ thái nhỏ bằng ngón tay út, ướp gia vị, sào vừa chín tới. Mẻ lọc lấy nước. Nghệ giã nhỏ. Lạc, vừng rang ủ kỹ, bỏ vỏ, giã dập. Cho chuối vào nồi, đổ nước lã vừa đủ, quấy đều tay như quấy bột kẻo cháy. Khi đã sôi, đổ những nguyên liệu trên đã chuẩn bị sẵn quấy đều lên là được. Riêng vừng thì dùng để rắc lên trên bát cùng với một số loại rau thơm, ớt tỉa cho tăng phần hấp dẫn. Món này chỉ ăn khi đã nguội mới ngon.

Vì sinh kế làm ăn, tôi đã phải xa Tổ quốc từ nhiều năm nay. Ở nơi "đất khách quê người" tôi chẳng phút giây nào không nhớ tới quê hương, nhớ nơi chon nhau, cắt rốn của mình. Khi ngày tết cổ truyền của quê cha, đất tổ đến; từ nơi xa thẳm tôi cũng ra vườn gần đó bẻ mấy cành cây rồi tuốt hết lá, cắt giấy màu làm giả cành đào, gói tấm bánh chưng bằng lá chuối vì bên trời tây làm gì có lá dong. 

Nhớ mẹ, nhớ món ăn dân dã quê hương, tôi cũng nấu bát ba ba đặt vào mâm cúng đêm giao thừa, thắp nén hương thầm gọi "mẹ ơi". Màu đỏ của hoa đào; màu xanh của bánh chưng; màu vàng của nghệ, pha lẫn màu xanh của chuối ánh lên từ bát ba ba cũng làm cho tôi phần nào đỡ nhớ quê hương.

Đã lâu lắm rôi, năm nay tôi mới có dịp đưa vợ con về quê ăn tết. Khỏi phải nói: biết bao kỷ niệm vui, buồn chợt ùa về trong thực tại. Vợ, chồng, con cái chúng tôi cùng tất bật trong niềm vui sướng tràn trề khi cùng nhau gói bánh chưng, giã giò, bày mâm ngũ quả, nấu món ba ba… 

Khi vị Chủ tịch nước chúc tết đồng bào trên dài đài tiếng nói Việt Nam, khi tiếng chuông nhà thờ đã điểm, ánh pháo hoa rực rỡ trăm màu… tôi kính cẩn thắp ba nén hương lên bàn thờ tổ tiên thầm gọi: " Mẹ ơi, bây giờ mẹ đang ở đâu hãy về ăn tết với chúng con. Năm nay con lại nấu bát ba ba mời mẹ. Tuy rằng con nấu không thể nào ngon bằng mẹ; nhưng mẹ ơi đây là tất cả tình con gửi mẹ, mẹ ơi …".

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected]. Thông tin bạn đọc, số tài khoản xin... ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

                                                                      

LS NGUYỄN VĂN TĨNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên