24/04/2025 18:40 GMT+7

Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long mất hàng trăm héc ta đất và rừng ven biển

Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long mất hàng trăm héc ta đất và rừng ven biển do xói lở. Chuyên gia đề xuất cần có giải pháp phân chia từng vùng theo địa mạo, thủy văn để có giải pháp tương ứng phù hợp.

Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long mất hàng trăm héc ta đất và rừng ven biển - Ảnh 1.

Ông Đỗ Đức Dũng - viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TRUNG PHẠM

Chiều 24-4, tại TP Cần Thơ, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam phối hợp Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Việt Nam (IUCN) tổ chức hội thảo “Hiện trạng bảo vệ bờ biển và khả năng ứng dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên hỗn hợp nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”.

Tại hội thảo, ông Đỗ Đức Dũng - viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam - cho biết hiện tượng xói lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây mất hàng trăm héc ta đất và rừng mỗi năm, làm suy giảm “lá chắn xanh” tự nhiên bảo vệ tuyến đê và cộng đồng.

Theo ông Dũng, trong chuyến khảo sát thực địa và tham vấn tại 5 tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu) do đơn vị vừa thực hiện cho thấy hệ thống đê biển ở nhiều nơi đã được đầu tư nâng cấp, nhưng nhiều đoạn còn cần phải hoàn thiện; các hình thức công trình bảo vệ bờ biển rất đa dạng nhưng cho hiệu quả chưa đồng đều.

Ngoài ra tình trạng rừng phòng hộ ven biển bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều đoạn đai rừng mỏng không đủ chiều dày tối thiểu để bảo vệ tuyến đê, việc phục hồi rừng cũng gặp khó khăn…

Và ngay cả việc nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển còn thiếu mô hình sản xuất bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao đồng thời giữ gìn, bảo vệ được môi trường. Đó là chưa kể các mô hình sản xuất hiện tại đang dẫn đến việc tích trữ ô nhiễm tiềm tàng ở đây.

rừng ven biển - Ảnh 2.

Rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Còn ông Trần Quang Thọ - trưởng phòng quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long (Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam) - thông tin thêm trong số 450km bờ biển của 5 tỉnh nêu trên thì khu vực xói lở thường xuyên xảy ra khoảng 50,8km, điểm đai rừng nhiều khu vực bị suy giảm nghiêm trọng như ở Gò Công Đông (Tiền Giang) hay khu vực giáp ranh Bạc Liêu - Sóc Trăng.

Về giải pháp, ông Thọ nói “nỗ lực trồng rừng ngập mặn được nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế và địa phương quan tâm, qua khảo sát vừa rồi chúng tôi thấy mô hình thành công thường kết hợp bài bản giữa trồng rừng và có giải pháp gây bồi tạo bãi phù hợp, có chính sách hỗ trợ, khai thác rừng, quản lý rừng phù hợp”.

Tương tự, ông Phạm Trọng Thịnh, nguyên phó viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ, đề xuất cần phải xác định, phân vùng đối với vùng ven biển bởi từng vùng có địa mạo, thủy văn rất khác nhau, dẫn đến cấu trúc, yêu cầu thiết kế của công trình cũng phải khác nhau. Trên cơ sở đó mới làm công trình “kè cứng, kè mềm” phù hợp.

Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long mất hàng trăm hecta đất và rừng ven biển - Ảnh 4.Thanh niên Cà Mau trồng hơn 4.200km bờ kè cây xanh chống sạt lở

Năm 2024, các lực lượng thanh niên tình nguyện trên tỉnh Cà Mau đã thực hiện được 795 công trình phần việc với tổng giá trị hơn 7 tỉ đồng. Trồng, chăm sóc, bảo vệ hơn 4.200km bờ kè cây xanh chống sạt lở.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên