
Người bệnh khám BHYT tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) mòn mỏi chờ đợi đến lượt khám dù có nhiều người có mặt tại đây từ 5-6h - Ảnh: THU HIẾN
Người dân khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng gặp tình trạng quá tải tại các bệnh viện khiến bệnh nhân rơi vào cảnh chờ đợi mòn mỏi.
Khám bảo hiểm y tế, đi từ 4h đến 19h mới khám xong
Tại các bệnh viện tuyến cuối, dù đã xếp hàng từ sáng sớm, nhiều người vẫn phải mệt mỏi chờ đợi ít nhất 4-5 tiếng mới tới lượt.
Ức chế, mệt mỏi, ám ảnh cảnh chờ đợi khi khám BHYT, nhiều bệnh nhân chọn khám dịch vụ dù có thẻ BHYT.
Điển hình, bạn đọc tên Kim kể về trường hợp mẹ của chị hơn 4h sáng đã đón xe đến bệnh viện.
Có mặt tại bệnh viện bốc số lúc 6h45, vậy mà 10h mới gặp bác sĩ cho đi siêu âm. Thế nhưng lúc này lại hết số lượt siêu âm.
Điều dưỡng khuyên nên chọn siêu âm dịch vụ sau 16h30. Mẹ chị Kim đành chọn dịch vụ với hy vọng được đón xe về kịp trong ngày và đến hơn 19h mới khám xong.
Việc mòn mỏi chờ khám BHYT khiến nhiều người chọn khám dịch vụ.
Trước thực tế nói trên, không ít bạn đọc đã đặt câu hỏi: để giảm thời gian chờ khám bệnh, sao không đặt lịch khám trực tuyến?
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hầu hết bệnh viện tại TP.HCM đã triển khai đăng ký khám trực tuyến hoặc gọi tổng đài đặt lịch khám bệnh để giảm tải, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Tuy nhiên nhiều bệnh viện cho biết hiện nay vẫn chưa có nhiều người dân có thói quen lựa chọn đăng ký khám bệnh trực tuyến, tỉ lệ bệnh nhân đăng ký khám còn khá ít.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 - 1.200 lượt khám BHYT, nhưng chỉ khoảng 200 - 240 lượt đăng ký khám trực tuyến (chiếm khoảng 20%).
Trong khi đó, nhiều bạn đọc ủng hộ cách làm được nêu trong bài viết "Phát thuốc 2 tháng/lần để giảm tải bệnh viện và giảm thời gian chờ khám bảo hiểm".
Theo ông Nguyễn Đức Hòa - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cách làm này đã phát huy hiệu quả trong thời gian cách ly do dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế đã nhiều lần trao đổi, thống nhất nhưng chưa có nhiều bệnh viện áp dụng. "Cách làm này sẽ giảm được 50% số người bệnh mạn tính đến khám" - ông Hòa nói.
“Mỗi tháng đi khám dịch vụ lại mất 400 nghìn đồng, BHYT trừ cho một ít, nếu phát thuốc 2 tháng thì tốt quá, đỡ tốn tiền khám, tiền xe đi lại, người đưa các cụ đi”, bạn đọc Kathia mong muốn.
“Cần thiết phát thuốc cho bệnh nhân mạn tính 2 hay 3 tháng/lần để giảm tải. Nếu bệnh phát triển xấu (trong thời gian uống thuốc), bệnh nhân có thể đến bệnh viện khám lại bất cứ lúc nào”, bạn đọc Nguyễn Hoàng Dũng góp thêm.
Gian nan đi đòi tiền bảo hiểm cho chồng
Mua bảo hiểm tai nạn điện được 2 tháng thì bị điện giật chết, 2 năm sau vẫn chưa nhận được tiền là câu chuyện của hộ ông Mai Văn Hòa (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Nhà ông mua bảo hiểm tai nạn điện của Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC) Tiền Giang vào tháng 1-2023.
Ông Hòa bị điện giật tử vong dưới vuông tôm của gia đình. Sau khi ông Hòa chết, vợ ông là bà Châu Thị Hồng Thái đã làm các thủ tục để lãnh tiền bảo hiểm cho chồng.
Nhưng đến nay đã hơn 2 năm trôi qua kể từ khi chồng mất, bà vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm.
Không đòi được tiền, tháng 11-2024, bà Thái khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Bình Đại (Bến Tre).
Để giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nói trên, ngày 2-4, Công ty Bảo hiểm MIC Tiền Giang có buổi làm việc với ông Nguyễn Phước Thọ (cựu phó giám đốc Công ty Bảo hiểm MIC Tiền Giang). Ông Thọ khẳng định sự việc ông Hòa mua bảo hiểm của Công ty MIC là có thật và ông Hòa chết do điện giật.
Sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh về sự việc ngày 16-5, bà Châu Thị Hồng Thái cho biết gia đình bà đã nhận được số tiền bảo hiểm tai nạn điện 80 triệu đồng và 50 triệu đồng các chi phí khác (gồm lãi chậm trả, chi phí đi lại, chi phí khởi kiện vụ việc ra tòa).
Theo lý giải của công ty bảo hiểm, lý do chậm trả tiền bảo hiểm xuất phát từ những việc làm sai của cựu phó giám đốc Công ty Bảo hiểm MIC Tiền Giang (đã nghỉ việc).
Theo bạn đọc Nghĩa, công ty đã chấp nhận cho nhân viên bán bảo hiểm, có dấu mộc thì trách nhiệm thuộc về công ty. Còn việc nhân viên không nộp tiền thu bảo hiểm thì pháp luật có thể xử lý riêng chứ không thể "nhập nhằng" chuyện này với chuyện kia mà không bồi thường cho người mua được.
* Trong tuần, nhiều phản ánh khác của bạn đọc cũng được Tuổi Trẻ nhanh chóng triển khai thành tin, bài như: Ngang nhiên san lấp, xây dựng trái phép dưới chân cầu Nhật Tân; Hàng xóm tự ý tháo dỡ đường dây điện nhà tôi, phải phản ánh tới đâu? Vì một hộ dân không đồng ý, đường Khổng Tử ở Thủ Đức thi công kéo dài; Giáo viên nghỉ thai sản bị cắt phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn?; Xử lý 2 phòng khám không có bác sĩ từ phản ánh của bạn đọc Tuổi Trẻ...
Cảm ơn bạn đọc đã tin tưởng và đồng hành với Tuổi Trẻ.
Mong tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh của bạn đọc qua điện thoại Đường dây nóng và Zalo 0918.033., email [email protected], [email protected], fanpage Tuổi Trẻ, hoặc mục Bình luận dưới các tin bài trên tuoitre.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận