
Không có công việc nào dễ dàng. Người trẻ nên tâm niệm là thế nào để mình trở nên tốt hơn - Ảnh do AI tạo
Tuổi trẻ là quãng thời gian tràn đầy mơ mộng và khát vọng. Nhiều bạn vừa mới tốt nghiệp đại học đã mang trong mình niềm tin rằng tấm bằng cử nhân là tấm vé vàng mở ra cánh cửa thành công.
Nhảy việc liên tục, mong tìm bến đỗ lý tưởng
Bạn tự nhủ: “Mình xứng đáng có mức lương cao, vị trí tốt, công việc nhẹ nhàng mà lương lại cao”.
Nhưng rồi, thực tế nhanh chóng giội cho một gáo nước lạnh: công việc đầu tiên đầy áp lực, sếp khó tính, đồng nghiệp cạnh tranh, lương thì chẳng như mong đợi.
Thế là không ít người trẻ rơi vào cái bẫy “ảo tưởng về bản thân”, cho rằng mình đang bị đánh giá thấp, rồi vội vã nhảy việc với hy vọng tìm ra nơi “xứng đáng hơn”.
Sau vài năm, nhìn lại, công việc nào bạn cũng chỉ làm được dăm ba tháng. Kinh nghiệm dàn trải mà chẳng sâu. Kỹ năng không đủ để tạo ra giá trị nổi bật. Trong khi đó, bạn bè đồng trang lứa - những người chịu khó kiên trì, chấp nhận “chậm mà chắc” - đã dần thăng tiến, giữ vị trí quản lý, có thu nhập ổn định, được cấp trên tin tưởng và đồng nghiệp nể trọng.
Một người quen của tôi ra trường đến nay đã 5 năm, nhưng công việc nào cũng chê: môi trường độc hại, sếp soi mói, áp lực quá lớn hay đồng nghiệp ganh ghét. Việc mới chỉ làm vài tháng đã nghỉ, rồi lại nhảy sang chỗ khác với hy vọng tìm được “bến đỗ lý tưởng”.
Thế nhưng, sau ngần ấy năm, toàn bộ kinh nghiệm chỉ là những công việc tạm bợ, không ổn định, không có thành tích nổi bật. Bây giờ, bạn muốn nộp đơn vào tập đoàn lớn thì bị từ chối thẳng thừng vì không chứng minh được năng lực, không có trải nghiệm đủ sâu. Đó là cái giá phải trả khi thiếu sự kiên trì và không biết chấp nhận thử thách ngay từ đầu.
Đến lúc ấy, sự so sánh chính là cái tát chí mạng khiến bạn bừng tỉnh. Người từng cùng mình ra trường giờ đã có sự nghiệp vững chắc, còn mình thì vẫn loay hoay, lương lẹt đẹt, CV dài lê thê toàn những vị trí ngắn hạn. Bạn bắt đầu tự hỏi: “Liệu mình đã sai từ khi nào?”. Nhưng tiếc thay, thời gian không quay lại để bạn làm lại từ đầu.
Lắng nghe và học hỏi là bí quyết thành công lâu dài
Điều mà nhiều người trẻ thường quên là: khiêm tốn và khả năng thích nghi mới là những lợi thế cạnh tranh thực sự trong môi trường làm việc, nhưng lại hiếm khi được đề cao.
Bạn có thể thông minh, tài giỏi, nhưng nếu không biết lắng nghe, không sẵn sàng học hỏi từ người khác, thì sớm muộn cũng sẽ bị chính cái tôi của mình kìm chân.
Công việc nào cũng có khó khăn. Thay vì phàn nàn “tại sao lại là mình?”, hãy tự hỏi “làm sao để mình làm tốt hơn?”. Sự linh hoạt trong cách nghĩ, khiêm nhường trong thái độ mới là thứ giúp bạn tiến xa.
Và đừng quên: trải nghiệm trong công việc mới là thứ tạo nên giá trị bền vững - điều mà không trường lớp nào có thể dạy.
Những lần va vấp với deadline, những cuộc trao đổi căng thẳng với khách hàng hay sự kiên trì vượt qua dự án thất bại… tất cả đều là bài học đắt giá mà chỉ môi trường thực tế mới đem lại.
Chính những trải nghiệm ấy mang đến cho bạn kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để bản thân ngày càng thêm giá trị, sẵn sàng đương đầu với bất kỳ vị trí hay thử thách cao hơn. Và tất nhiên, vị trí càng cao, lương càng hậu hĩnh. Đó là thành quả xứng đáng cho những ai biết đầu tư công sức và thời gian vào việc phát triển chính mình.
Thành công không dành cho người dễ nản chí
Khát vọng kiếm tiền nhanh là điều dễ hiểu, nhưng cuộc sống hiếm khi vận hành theo những gì ta muốn, mà là theo những gì ta xứng đáng nhận được.
Đừng nghĩ rằng kiên trì là cam chịu. Có những thứ chỉ sau vài năm bền bỉ, bạn mới hái được quả ngọt. Ngược lại, đổi việc liên tục chỉ khiến bạn mãi đứng ngoài lề khi các cơ hội thực sự đến.
Và hãy nhớ rằng, đằng sau những quyết định bốc đồng, đôi khi là sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ. Khi bạn mải mê tìm kiếm một “công việc mơ ước” mà quên nỗ lực ở hiện tại, cha mẹ bạn vẫn đang còng lưng lo cho từng khoản sinh hoạt. Họ chẳng mong gì nhiều, chỉ hy vọng con mình ổn định, tự lập, và không trở thành gánh nặng.
Tuổi trẻ không dài. Đừng vì sự nóng vội, ảo tưởng nhất thời mà đánh mất những năm tháng quan trọng nhất để xây nền cho tương lai. Cơ hội không dành cho kẻ dễ nản chí, tiền bạc không đến với người chỉ biết mơ mộng. Hãy khiêm tốn học hỏi, kiên trì tích lũy, và luôn sẵn sàng thích nghi - đó mới là “vũ khí” giúp bạn tồn tại và phát triển trong bất kỳ môi trường nào.
Cuộc sống là một cuộc đua đường dài. Người thắng không phải kẻ chạy nhanh nhất, mà là người biết bền bỉ đến cùng. Đừng để đến lúc người khác đã về đích, bạn vẫn còn đang loay hoay buộc lại dây giày.
Theo bạn, có nên nhảy việc liên tục? Bạn từng nhảy việc vì những lý do gì? Mời bạn chia sẻ câu chuyện liên quan tới chủ đề này về hòm thư [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản và số điện thoại. Tòa soạn sẽ gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận