12/09/2003 07:47 GMT+7

Chị đã sống vì mọi người

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT (TP.HCM) - Năm lần bị giặc bắt, bao nhiêu trận bị tra tấn chết đi sống lại, hai lần vượt ngục ly kỳ trong những khoảnh khắc sống chết... “Sống vì mọi người là bản chất của chị”, tất cả những người đến viếng tang chị Năm Trang đều khẳng định như vậy. Những câu chuyện về chị Năm Trang mà mọi người kể lại cũng khẳng định như vậy.

lQg0v6LE.jpgPhóng to
Chị Năm Trang (bìa trái) cùng các anh chị cán bộ cũ Thành Đoàn
TT (TP.HCM) - Năm lần bị giặc bắt, bao nhiêu trận bị tra tấn chết đi sống lại, hai lần vượt ngục ly kỳ trong những khoảnh khắc sống chết... “Sống vì mọi người là bản chất của chị”, tất cả những người đến viếng tang chị Năm Trang đều khẳng định như vậy. Những câu chuyện về chị Năm Trang mà mọi người kể lại cũng khẳng định như vậy.

Chọn lựa là dứt khoát

Sinh ra trong một gia đình công chức khá giả, được nuôi dạy theo các công thức của một tiểu thư nhưng chị đã tham gia cách mạng rất sớm: 10 tuổi đã tham gia phong trào Trần Văn Ơn, đốt xe Mỹ.

Từ đó, cô nữ sinh xinh đẹp, hát hay, có tài ăn nói, diễn thuyết đã trở thành một cây đinh của phong trào. Nhiều học sinh, sinh viên đã đến với cách mạng và được giác ngộ bắt đầu từ việc mê tiếng hát “họa mi” và cách tổ chức sinh hoạt rất vui, rất hấp dẫn của chị Năm Trang.

“Bất kỳ chỗ nào, hoàn cảnh nào, hễ có chị Năm xuất hiện là rộn lên tiếng cười, tiếng hát. Chị ấy hát bài Câu hò bên bờ Hiền Lương hay nhất, đóng kịch Anh Hai làm biếng cũng bắt mê...” - ông Sáu Văn (Lê Thanh Văn) hào hứng kể như vậy.

Không chỉ biết hát, biết làm mọi người quanh mình cùng vui và say mê, chị còn để lại trong những người biết chị một ấn tượng về sự dứt khoát và kiên định. Nhận thức rất rõ làm cách mạng không phải một trò chơi, chị đã dứt khoát thoát ly gia đình khi mới 19 tuổi.

Sau đó, chị còn phải dứt khoát thêm nhiều lần nữa như khi gửi con về cho ông bà ngoại để yên tâm công tác, khi cắn răng giữ vững khí tiết trước đòn thù, khi bình thản tính toán từng đường đi nước bước trong những tình huống thật gay go, phức tạp...

“Xuyên suốt mấy chục năm, tổ chức phân công nhiệm vụ gì, cô ấy cũng làm hết lòng, hết sức. Không bao giờ từ nan, không bao giờ nghe thấy một lời than thở...”, ông Ba Vạn (Phan Chánh Tâm) - người chỉ huy của chị Năm Trang trong chiến đấu và là người bạn đời của chị sau này - nói như vậy.

“Bị đánh đến bầm dập, tả tơi, đến nỗi bọn cảnh sát hung hãn như dã thú cũng phải chùn tay, thế mà cô ấy vẫn không một lời khai ra anh em. Lại còn rất mưu trí, gan dạ để có thể lợi dụng những sơ hở nhỏ nhất của địch mà vượt thoát. Về căn cứ, Năm Trang chẳng đợi bình phục, vẫn nhận nhiệm vụ, vẫn tiếp tục hoạt động không ngơi nghỉ. Kể cả sau này...”.

“Có chị là có nguồn động viên”

Ngay sau ngày giải phóng, chị sớm mắc phải căn bệnh tiểu đường, sức khỏe cứ dần dần suy giảm. Thế nhưng chị vẫn nhận những nhiệm vụ quan trọng, vẫn đi lại như con thoi về các vùng căn cứ cũ với vai trò đứng mũi chịu sào phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của Thành Đoàn.

Các ba, các má ở căn cứ đều thương chị như con ruột. Mỗi lần chị về là các má mừng, khóc. Sáng 11-9, đến Nhà tang lễ viếng chị Năm, các má cũng khóc: “Tao già rồi, sao tao lại không chết thay được cho nó?...”.

Các đồng đội, bạn bè của chị tất tả đi lại lo lắng cho tang lễ, nhưng trong lòng lại còn lo lắng hơn về một việc khác. “Chị Năm Trang mất đi là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với các căn cứ, chăm lo, gắn kết anh chị em mất đi cái hồn, cái tình từ trước tới giờ. Cái tình của chị thấm vào những hoạt động ấy khó mà thay thế được”.

“Bản thân cũng gặp nhiều đau buồn về tình cảm, đau đớn về thể xác nhưng lúc nào chị Năm cũng là người động viên chúng tôi...”, những bạn bè, đồng chí của chị ứa nước mắt khi nhớ lại. Kể từ tháng 9-2002, chị đã năm lần tắt thở trước phòng cấp cứu rồi lại hồi tỉnh. Mỗi ngày vào thăm chị, gia đình, người thân mỗi xót xa, lo lắng khi nhìn chị ngày càng tiều tụy, héo hon, sinh lực cứ cạn dần.

Thế nhưng chẳng bao giờ chị kêu đau, chẳng một lời nhắc đến chuyện sống chết, kể cả với chồng, với con. Mới ba tháng trước chị còn mặc áo dài, ngồi trên xe lăn nở một nụ cười tươi để chụp ảnh cùng vợ chồng cô con gái út trong ngày cưới. Chỉ vài phút sau chị lại phải quay trở vào giường bệnh.

Chị Tư Liêm cứ nhắc mãi rằng lần nào vào bệnh viện thăm, dù nói chuyện rất khó khăn nhưng chị Năm Trang vẫn cố gắng hỏi: “Cuốn sách Liệt sĩ Thành đoàn tập 2 làm xong chưa?”. Chị Tư khóc: “Thế mà chúng tôi chưa làm xong cuốn sách. Chúng tôi hứa trước vong linh chị Năm là sẽ cố gắng hoàn thành tâm nguyện của chị”.

Tâm nguyện ấy là nhân lên cái tình, cái khí thế đã góp phần làm nên truyền thống của Thành đoàn để phả vào các phong trào của tuổi trẻ hôm nay.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên