Phóng to |
Anh Nguyễn Huy Từ và tủ chứa sách gỗ trong đền thờ cụ Nguyễn Huy Tự |
Với gần 400 bản sách gỗ còn lưu giữ được, những “trang sách” này đã trở thành tài sản vô giá của dòng họ Nguyễn Huy ở thôn Trường Lưu (trước đây), nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Một kho sách được coi là thư viện sách cổ độc đáo và quí hiếm hiện nay ở nước ta.
Những dòng chữ khắc chưa bị một vết trầy xước nào, nếu đem bôi mực in ra sẽ đọc được toàn bộ. Đây là những bản còn sót lại trong hàng ngàn bản của “Phúc Giang thư viện” - một thư viện từng được coi là lớn nhất nhì ở Đông Nam Á vào thời đó - với số lượng hàng ngàn bản sách gỗ và hơn một vạn cuốn sách giấy.
Theo ông Nguyễn Huy Quế, năm nay 82 tuổi, là hậu duệ đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Huy tính từ cụ tổ Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790), trong hàng ngàn bản sách gỗ này có nhiều bản của cụ Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789, thân sinh của cụ Nguyễn Huy Tự) soạn ra để dạy học trò làng Trường Lưu ngày xưa, sau khi cụ Oánh cáo quan về quê.
Cụ Oánh vốn học rộng, tài cao nên đã đỗ nhất kỳ thi hương, đến khoa thi hội năm Mậu Thìn (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9) cụ đỗ tiến sĩ đệ nhất giáp. Đến kỳ thi đình cụ đã đỗ đình nguyên và được bổ làm quan. Trước khi cáo quan về quê dạy học, cụ từng làm thượng thư Bộ Hộ.
Phóng to |
Đền thờ cụ Nguyễn Huy Tự đầy dấu ấn thời gian |
Thời đó (và trong các bản gỗ còn lại ngày nay), thư viện có đủ các loại sách gỗ và giấy viết về binh pháp, Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Nam sử, Bách gia chư tử, sách về Phật giáo, địa lý và nhiều sách viết về mọi điều trong đời sống... (nhiều cuốn sách của “Phúc Giang thư viện” hiện đã được dùng làm sách nghiên cứu và được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Hán - Nôm).
Không chỉ làm nên một thư viện lớn, cụ Oánh còn dùng tiền riêng lập một xưởng khắc gỗ và in sách Tứ thư - Ngũ kinh để dạy học trò.
Theo ông Nguyễn Huy Quế và ông Nguyễn Huy Thiện, vào những năm trước 1945 tại làng Trường Lưu, họ Nguyễn Huy còn giữ được hơn 1.000 bản sách khắc gỗ, chứa đầy cả một căn nhà thờ của chi tộc trưởng.
Kháng chiến chống Pháp nổ ra, số sách gỗ bị người dân trong làng đem ra chẻ làm củi đun sưởi ấm. Hàng ngàn bản sách giấy của “Phúc Giang thư viện” cũng bị đưa ra đốt, chỉ còn lại một ít cuốn được các ông Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh mượn đem ra Hà Nội nghiên cứu, nay còn lưu giữ tại Thư viện quốc gia Hán - Nôm.
Số còn lại (là bản gỗ) hiện đã được thư viện tỉnh làm thư mục lưu giữ, đồng thời cùng với ngành văn hóa thông tin phối hợp với dòng họ tìm cách bảo quản, bảo vệ. Để biết được những gì cha ông viết trong các bản gỗ, dòng họ Nguyễn Huy đã đem ra Hà Nội khá nhiều bản thuê người dịch ra chữ quốc ngữ nhằm lưu truyền và để cho con cháu đọc được.
Dòng họ Nguyễn Huy là một họ khá lớn ở Hà Tĩnh, có truyền thống học hành, đỗ đạt. Từ đời cụ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự (cụ Tự từng được đặc cách là tiến sĩ, viết tác phẩm Hoa tiên truyện bằng chữ Nôm, đã được dịch và in thành sách) đã có việc khuyến học. Các cụ dùng tiền kiếm được mua ruộng tích lại làm phần thưởng cho con cháu trong dòng họ nếu học giỏi hoặc khuyến khích con cháu nhà nghèo theo học, gọi là quĩ “học điền”.
Hiện ở đền thờ cụ Tự còn có hai tấm bia đá học điền, khắc những phần ruộng đã chia cho những học trò giỏi, không chỉ là con cháu của dòng họ mà cả những cô, cậu học trò giỏi khác trong làng.
Cho đến nay họ Nguyễn Huy và xã Trường Lộc vẫn lấy chuyện học làm đầu trong răn dạy con cháu. Họ có quĩ khuyến học họ, xã có quĩ khuyến học xã đang làm cho tinh thần học tập của con em tăng lên. Xã cấp mỗi em học sinh đỗ vào đại học 1,5 sào (750m2) ruộng để bố mẹ cày cấy lấy tiền nuôi các em ăn học.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, cả xã Trường Lộc đã có 536 người có bằng đại học và đang học đại học, 10 tiến sĩ, trong đó con cháu của dòng họ Nguyễn Huy chiếm 3/4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận