
Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê
Các hồng y Việt Nam trong lịch sử
Việt Nam, với bề dày lịch sử Công giáo gần 500 năm kể từ khi các nhà truyền giáo đặt chân đến vào thế kỷ 16, đã ghi dấu ấn trong Giáo hội hoàn vũ qua sự hiện diện của các vị hồng y.
Tuy nhiên không phải tất cả hồng y Việt Nam đều có cơ hội tham gia mật nghị, vì điều kiện tiên quyết phải dưới 80 tuổi tại thời điểm mật nghị diễn ra, theo quy định của Giáo luật và các cải tổ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong tông hiến Ingravescentem Aetatem (1970). Vậy trong số các hồng y Việt Nam ai từng tham dự sự kiện trọng đại này?
Tính đến năm 2025, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có sáu vị hồng y, tất cả đều là những nhân vật tiêu biểu, góp phần quan trọng vào sự phát triển Giáo hội tại Việt Nam và trên thế giới. Dưới đây là danh sách các vị hồng y cùng năm được thăng hồng y:
1. Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1898-1978) - thăng hồng y năm 1976.
2. Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921-1990) - thăng hồng y năm 1979.
3. Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1919-2009) - thăng hồng y năm 1994.
4. Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) - thăng hồng y năm 2001.
5. Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (sinh năm 1934) - thăng hồng y năm 2003.
6. Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (sinh năm 1938) - thăng hồng y năm 2015.
Mặc dù Việt Nam đã có sáu vị hồng y, chỉ có hai vị từng tham gia mật nghị bầu Giáo hoàng do đáp ứng được điều kiện về độ tuổi và thời điểm diễn ra các mật nghị.
Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê
Đây là vị hồng y đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sự hiện diện của Giáo hội Việt Nam trên trường quốc tế. Sinh năm 1898 tại Hà Nam, ngài được thụ phong linh mục năm 1925 và được bổ nhiệm làm tổng giám mục Hà Nội năm 1960.
Năm 1976, Đức Giáo hoàng Phaolô VI thăng ngài lên bậc hồng y trong Công nghị hồng y ngày 24-5-1976. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam được vinh thăng vào hàng ngũ hồng y, thể hiện sự công nhận của Tòa thánh Vatican đối với sự phát triển Giáo hội Việt Nam và vai trò của Đức tổng giám mục Trịnh Như Khuê trong việc bảo vệ đức tin.
Năm 1978 là một năm đặc biệt trong lịch sử Giáo hội Công giáo, được gọi là "Năm ba giáo hoàng", khi Giáo hội chứng kiến sự qua đời của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, triều đại ngắn ngủi của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I và sự bầu chọn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã tham gia cả hai mật nghị diễn ra trong năm này khi ngài đã 79 tuổi, vẫn đủ điều kiện làm hồng y cử tri.
Mật nghị tháng 8-1978: Sau khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI qua đời ngày 6-8-1978, mật nghị được triệu tập từ ngày 25 đến 26-8-1978 để bầu chọn người kế vị. Đức Hồng y Trịnh Như Khuê với tư cách là hồng y cử tri đã rời Việt Nam để đến Vatican tham dự.
Kết quả mật nghị là sự bầu chọn Đức Hồng y Albino Luciani, người lấy tông hiệu Gioan Phaolô I. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một hồng y Việt Nam tham gia vào quá trình bầu chọn giáo hoàng, một vinh dự lớn lao cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Mật nghị tháng 10-1978: Triều đại của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I chỉ kéo dài 33 ngày, khi ngài đột tử vào ngày 28-9-1978. Đây là một trong những triều đại giáo hoàng ngắn nhất trong lịch sử.
Một mật nghị thứ hai được triệu tập từ ngày 14 đến 16-10-1978. Đức Hồng y Trịnh Như Khuê dù đã trải qua hành trình dài và sức khỏe bị suy giảm, vẫn tham gia mật nghị này. Kết quả là sự bầu chọn Đức Hồng y Karol Wojtyła, người Ba Lan, trở thành Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng không phải người Ý sau hơn 450 năm.
Thời gian tại vị của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II kéo dài hơn 26 năm và trở thành triều đại giáo hoàng dài thứ hai trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội Công giáo trong quá khứ. Đức Gioan Phaolô II được tạp chí Time bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.
Việc tham gia của Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê trong hai mật nghị năm 1978 không chỉ là một sự kiện lịch sử đối với Giáo hội Việt Nam mà còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.
Việc một vị hồng y Việt Nam có mặt tại Vatican và góp phần bầu chọn hai vị giáo hoàng là minh chứng cho sự hiệp thông của Giáo hội Công giáo Việt Nam với Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Tuy nhiên chỉ hơn một tháng sau mật nghị thứ hai, ngài qua đời tại Hà Nội vào ngày 27-11-1978.

Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Vị hồng y thứ năm của Việt Nam, sinh năm 1934 tại Cà Mau. Ngài được thụ phong linh mục năm 1965 và được bổ nhiệm làm tổng giám mục Tổng Giáo phận TP.HCM năm 1998.
Với phong cách lãnh đạo gần gũi, khiêm nhường và tận tụy, ngài đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng một Giáo hội Công giáo Việt Nam năng động và hòa nhập.
Năm 2003, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăng ngài lên bậc hồng y trong Công nghị hồng y ngày 21-10-2003. Sự kiện này tiếp tục khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong Giáo hội hoàn vũ, đặc biệt khi Việt Nam đang mở cửa và hội nhập quốc tế.
Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn đã tham gia hai mật nghị bầu giáo hoàng trong hai thời điểm khác nhau, khi ngài vẫn dưới 80 tuổi và đủ điều kiện làm hồng y cử tri.
Mật nghị năm 2005: Sau khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời ngày 2-4-2005, kết thúc triều đại giáo hoàng kéo dài hơn 26 năm, mật nghị được triệu tập từ ngày 18 đến 19-4-2005. Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn lúc đó 71 tuổi, đã đến Vatican để tham gia. Mật nghị này bầu chọn Đức Hồng y Joseph Ratzinger, người Đức, trở thành Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI được bầu làm giáo hoàng ở tuổi 78 và là người Đức thứ chín được bầu làm giáo hoàng. Ngài là người lớn tuổi nhất được bầu làm giáo hoàng kể từ năm 1730.
Mật nghị năm 2013: Năm 2013 đánh dấu một sự kiện hiếm có trong lịch sử Giáo hội khi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm vào ngày 11-2-2013, trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm kể từ Đức Giáo hoàng Grêgôriô XII vào năm 1415.
Mật nghị được triệu tập từ ngày 12 đến 13-3-2013 để bầu chọn người kế vị. Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn lúc đó 79 tuổi, vẫn đủ điều kiện tham gia và đã đến Vatican. Kết quả mật nghị là sự bầu chọn Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, người Argentina, trở thành Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latin.
Đức Phanxicô được đánh giá là người khiêm nhường, quan tâm đến người nghèo và sẵn sàng đối thoại với các nhóm cộng đồng có tư tưởng, xuất thân và niềm tin khác nhau.
12 năm qua, triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô là hành trình của một ngôn sứ thời đại được dệt nên bằng lòng thương xót sâu thẳm, bằng tình yêu không mỏi mệt và bằng một trái tim không ngừng đập vì những khổ đau của nhân loại.
Sự tham gia của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trong hai mật nghị năm 2005 và 2013 tiếp tục khẳng định vị thế của Giáo hội Công giáo Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt việc ngài tham dự mật nghị năm 2013, khi Giáo hội đối mặt với một tình huống hiếm có (giáo hoàng từ nhiệm) cho thấy sự hiệp thông chặt chẽ của Giáo hội Công giáo Việt Nam với các quyết định quan trọng của Giáo hội hoàn vũ. Sau khi hoàn thành sứ vụ tổng giám mục Tổng Giáo phận TP.HCM, ngài nghỉ hưu năm 2014.
Sự tham gia của hai vị hồng y Việt Nam này không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào của toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử đầy thách thức từ chiến tranh, chia cắt đất nước đến thời kỳ mở cửa và hội nhập, các ngài đã đại diện cho hàng triệu tín hữu Công giáo Việt Nam, mang tiếng nói và đức tin của dân tộc đến Giáo hội hoàn vũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận