
Khoảnh khắc Giám mục Diego Giovanni Ravelli, Trưởng Ban Nghi lễ Phụng vụ của Giáo hoàng đóng cánh cửa Nhà nguyện Sistine, chính thức bắt đầu Mật nghị Hồng y năm 2025 - Ảnh: VATICAN MEDIA
Bên trong không gian thiêng liêng nhưng gần như thinh lặng tuyệt đối của nhà nguyện Sistine, tất cả các hồng y cử tri sẽ lần lượt bước lên phía trước, đặt tay lên Sách Tin mừng và tuyên thệ sẽ cam kết tuân thủ mọi quy định trong Tông hiến "Universi Dominici Gregis", cũng như giữ bí mật về toàn bộ tiến trình bầu chọn Giáo hoàng.
Khi vị hồng y cuối cùng tuyên thệ, Trưởng Ban Nghi lễ phụng vụ của Giáo hoàng, Giám mục Diego Ravelli ra lệnh "Extra omnes", yêu cầu tất cả những người không phận sự rời khỏi nhà nguyện Sistine.
Cánh cửa gỗ của nhà nguyện Sistine nặng nề khép lại trong sự thinh lặng, đánh dấu sự khởi đầu của một trong những nghi thức kín đáo và thiêng liêng nhất của Giáo hội Công giáo - Mật nghị hồng y.
Ngoài các hồng y, khoảng 100 nhân viên phục vụ ở Vatican bao gồm các nhân viên dọn dẹp, đầu bếp, nhân viên y tế, phải tuyên thệ sẽ giữ bí mật về toàn bộ quá trình mật nghị.
Theo quy định sửa đổi từ thời Giáo hoàng Benedict XVI, bất kỳ hồng y nào vi phạm lời thề sẽ bị vạ tuyệt thông, bị loại trừ khỏi Giáo hội Công giáo.

vị Hồng y cử tri tiến vào Nhà nguyện Sistine. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại có nhiều hơn 120 vị Hồng y cử tri tham gia Mật nghị - Ảnh: VATICAN MEDIA

Sách Tin Mừng được đặt giữa Nhà nguyện Sistine, nơi các Hồng y cử tri lần lượt đặt tay lên và tuyên thệ giữ bí mật toàn bộ những gì xảy ra trong quá trình bầu chọn Giáo hoàng - Ảnh: VATICAN NEWS

Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về số lượng người tập trung ở Quảng trường Thánh Peter để theo dõi nghi thức tuyên thệ và chờ đợi kết quả lần bỏ phiếu đầu tiên - Ảnh: AFP
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Trước đây, các hồng y chỉ cần khóa chặt các cánh cửa của nhà nguyện Sistine là đã có thể bảo mật thông tin về toàn bộ kỳ mật nghị. Tuy nhiên kỳ mật nghị năm 2025 đang phải đối mặt với những thách thức mới ở thời đại công nghệ, theo Đài Sky News.
Vì lý do đó, Vatican đã cẩn thận kiểm tra và "quét sạch" các camera ẩn, thiết bị ghi âm và thiết bị nghe lén trong nhà nguyện Sistine, đồng thời che kín các cửa sổ để ngăn cách hoàn toàn các hồng y với thế giới bên ngoài và ngăn máy bay không người lái (drone) do thám.
80 cánh cửa bên trong và xung quanh địa điểm tổ chức mật nghị cũng bị niêm phong bằng chì để ngăn các hồng y cử tri và những người có phận sự không được ra vào.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay mà Vatican phải đối mặt đó là điện thoại di động.
Ban đầu, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican Matteo Bruni cho biết các hồng y sẽ không bị tịch thu điện thoại di động, mà chỉ bị yêu cầu phải để lại điện thoại tại phòng của họ ở nhà khách Santa Marta (nhà khách Thánh Marta).
Tuy nhiên trong một cuộc họp báo sau đó, ông Bruni cho biết các hồng y sẽ phải nộp điện thoại ở nhà khách Santa Marta và chỉ được lấy lại sau khi kết thúc mật nghị.
Đặc biệt, cho dù bất kỳ vị hồng y nào lén mang điện thoại vào bên trong khuôn viên nhà nguyện Sistine cũng sẽ không thể sử dụng được, do Vatican đã có kế hoạch sử dụng thiết bị gây nhiễu để phá sóng ở khu vực nhà nguyện và các biệt thự gần đó, cũng như ngăn chặn nguy cơ có thiết bị điện tử theo dõi hoặc các hồng y cố gắng liên lạc với bên ngoài.

Máy quay phim ở khắp Quảng trường Thánh Peter để đưa tin về sự kiện đặc biệt và thiêng liêng - Ảnh: AFP

Khu vực tác nghiệp của cánh nhà báo, phóng viên chật kín người - Ảnh: AFP

Người dân theo dõi các Hồng y cử tri tuyên thệ từ màn hình lớn ở Quảng trường Thánh Peter vào chiều 7-5 - Ảnh: AFP
Phía sau cánh cửa nhà nguyện
Các hồng y sẽ ghi tên ứng viên mà mình chọn phía dưới dòng chữ "Eligo In Summum Pontificem …" (tôi bầu chọn … cho vị trí Giáo hoàng) trong một mảnh giấy. Sau đó, từng vị hồng y sẽ bước lên phía trước và đọc lời tuyên thệ bằng tiếng Latin và bỏ phiếu vào thùng phiếu được đặt trước mặt ba vị hồng y được chọn để kiểm phiếu.
Sau khi tất cả các hồng y đã bỏ phiếu, vị hồng y kiểm phiếu thứ nhất sẽ lắc đều thùng phiếu và kiểm tra xem tất cả các hồng y cử tri đã bỏ phiếu hay chưa. Tiếp theo, ngài sẽ đọc to tên của vị hồng y được chọn trong các lá phiếu.
Quy trình này sẽ tiếp tục lặp lại ở vị hồng y kiểm phiếu thứ hai. Vị hồng y kiểm phiếu thứ ba sẽ luồn một sợi chỉ đỏ qua các lá phiếu cùng tên và xâu các lá phiếu này lại với nhau.
Kết thúc quá trình kiểm phiếu, trưởng Ban Nghi lễ phụng vụ của Giáo hoàng sẽ chuẩn bị các văn bản xác nhận kết quả đợt bỏ phiếu vừa rồi, và đốt hết toàn bộ các lá phiếu bầu với một số hóa chất để tạo ra khói màu trắng hoặc màu đen.
Khi đã chọn ra tân Giáo hoàng, Niên trưởng Hồng y đoàn sẽ hỏi Ngài: "Ngài có chấp nhận việc bầu chọn Ngài làm Giáo hoàng theo giáo luật không? Nếu Ngài đồng ý, Ngài sẽ ngay lập tức trở thành tân Giáo hoàng và là Giám mục Rome.
Hồng y Niên trưởng sẽ tiếp tục hỏi về tông hiệu mà vị tân Giáo hoàng mong muốn chọn.
Tiếp đó, tân Giáo hoàng sẽ cảm tạ các hồng y và đến "phòng nước mắt" (Room of Tears) để thay phẩm phục màu trắng gồm áo chùng, mũ Zucchetto và áo Mozzetta trắng dành cho Giáo hoàng.
Sau khi thinh lặng, chuẩn bị tinh thần, tân Giáo hoàng sẽ bước ra ban công tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter để ban phép lành "Urbi et Orbi".
Dưới cánh cửa đóng kín của nhà nguyện Sistine, giữa thinh lặng và nghi lễ trăm năm không đổi, thế giới đang chờ đợi một làn khói trắng, một tín hiệu của niềm hy vọng về vị "cha chung" mới sẽ dẫn dắt hơn 1,4 tỉ tín hữu Công giáo trên hành trình đức tin phía trước.

Một phụ nữ khoác cờ Venezuela quỳ đọc kinh ở Quảng trường Thánh Peter - Ảnh: REUTERS

Một nữ tu dõi theo quá trình các Hồng y tuyên thệ thinh lặng nhưng thiêng liêng - Ảnh: REUTERS

Hàng ngàn tín hữu Công giáo quy tụ về Quảng trường Thánh Peter dưới cái nắng gay gắt ở Rome - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận