
Dòng người bị ảnh hưởng do sự cố mất điện đứng ngồi la liệt bên ngoài một ga tàu điện tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha chiều 28-4 - Ảnh: AFP
Ngày 28-4, cả hai quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bất ngờ bị mất điện diện rộng, khiến hệ thống tàu điện ngầm, tàu hỏa ngừng hoạt động, mạng di động và Internet tê liệt, máy ATM vô hiệu và giao thông hỗn loạn do đèn tín hiệu giao thông không hoạt động.
Sự cố mất điện chưa từng có
Sự cố mất điện, kéo dài từ 6-8 tiếng đồng hồ, thậm chí còn ảnh hưởng tới một số khu vực ở Pháp.
Khu vực bán đảo Iberia (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một số quốc gia lân cận khác) - nơi sinh sống của khoảng 60 triệu người - đã chìm trong bóng tối vào tối 28-4. Người dân nhiều vùng phải trải qua đêm không điện.
Hiện chưa rõ chính xác số lượng người bị ảnh hưởng. Các quan chức của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và châu Âu đều nhận định đây là một "sự cố chưa từng có tiền lệ".
Bà Teresa Ribera, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách năng lượng sạch, nhận định: "Đây là một trong những sự cố điện nghiêm trọng nhất được ghi nhận tại châu Âu trong thời gian gần đây".
Nhà chức trách Madrid và Lisbon cho biết đã khôi phục điện tại một số khu vực, nhưng nguyên nhân chính thức của sự cố vẫn chưa được xác định.
Do hiện tượng khí quyển hiếm gặp hay tấn công mạng?
Theo một số báo cáo ngày 28-4, sự cố mất điện có thể bắt nguồn từ hiện tượng khí quyển hiếm gặp gọi là "induced atmosphere vibration" (dao động khí quyển cảm ứng), gây ra các dao động bất thường trên đường dây điện cao thế của Tây Ban Nha.
Nhà điều hành lưới điện quốc gia Bồ Đào Nha Redes Energéticas Nacionais (REN) cũng cho biết những dao động này làm gián đoạn quá trình đồng bộ hóa giữa các hệ thống điện, gây nhiễu loạn mạng lưới điện ở một số nước châu Âu - nơi các hệ thống điện quốc gia được kết nối thành một lưới điện chung lớn hơn.
Tuy nhiên sau đó REN bất ngờ bác bỏ giả thuyết này.
Đài Euronews dẫn lời ông Onyema Nduka, giảng viên về tính bền vững năng lượng tại Đại học London, giải thích rằng các lưới điện ở châu Âu thường kết nối liên quốc gia do các nhà máy phát điện nằm cách xa các đô thị lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu xảy ra mất điện tại một điểm trong mạng lưới chung, hiệu ứng lan tỏa có thể kéo theo sự cố mất điện tại nhiều khu vực khác.
Các quan chức Bồ Đào Nha cũng xác nhận sự cố mất điện xuất phát từ "vấn đề kỹ thuật chưa xác định từ nước ngoài".
"Giải pháp duy nhất để phòng tránh các sự cố tương tự trong tương lai là xây dựng hệ thống phân tán nhiều nhà máy phát điện tại các vị trí khác nhau nhằm tăng cường dự phòng", ông Nduka nhấn mạnh.
Trong khi đó ông Juanma Moreno, lãnh đạo vùng Andalusia, miền nam Tây Ban Nha, giáp Bồ Đào Nha, cho biết ông không loại trừ khả năng bị tấn công mạng và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro, Chủ tịch EC Antonio Costa cùng nhiều lãnh đạo hai nước đã bác bỏ khả năng này.
Trung tâm An ninh mạng quốc gia Bồ Đào Nha cũng xác nhận không có dấu hiệu nào cho thấy sự cố mất điện là kết quả của một cuộc tấn công mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận