Manjiro - người Nhật đầu tiên sống ở Mỹ

ARCHIVU (CTV TỪ NHẬT BẢN) 16/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Hai trong số những người Nhật Bản đến Mỹ đầu tiên là Fukuzawa Yukichi, được xem là người có công mở đầu phong trào canh tân nước Nhật, và Nakahama Manjiro.

 
 Chân dung Nakahama Manjiro.

 CẬU BÉ 14 TUỔI MUỐN THEO TÀU SĂN CÁ VOI TỚI MỸ

Nakahama Manjiro (1827 - 1898), người sau này thành một dịch gia có tiếng, là một cậu bé theo nghề đánh cá ở làng chài Naka-no-hama, tỉnh Tosa (nay là Tosashimizu, tỉnh Kōchi) từ khi mới 13 tuổi. Năm 1841, Manjiro cùng bốn người bạn bị đắm thuyền trong một cơn bão khi đang đánh cá, họ dạt lên một hòn đảo không người ở quần đảo Torishima và mắc kẹt ở đây suốt 6 tháng. 

Họ may mắn được chiếc tàu săn cá voi của Mỹ John Howland của thuyền trưởng William H. Whitfield giải cứu. Chuyến tàu cứu hộ sau đó tới cập cảng ở quần đảo Sandwich (nay là Hawaii). Bốn người trong số họ lên bờ ở đây, riêng Manjiro ngỏ ý theo tàu tiếp tục hành trình.

Thuyền trưởng Whitfield đưa Manjiro tới Hoa Kỳ vào tháng 5-1843. Manjiro được một người hàng xóm, cô Jane Allen, dạy kèm; ông cũng được theo học các lớp tại Stone Schoolhouse - trường học đầu tiên của thị trấn được xây dựng năm 1828, theo hệ thống trường học của học khu.

Mặc dù hầu hết các bạn cùng trường của Manjiro đều chấp nhận ông, nhưng một số cha mẹ của họ không chào đón chàng trai trẻ đến từ một đất nước xa lạ. Khi đại úy Whitfield đưa Manjiro đến một nhà thờ thuộc hệ phái Tin Lành tự trị (Congregational Church), ông được thông báo rằng cậu bé sẽ phải ngồi trong khu vực riêng. Whitfield bực bội rời đi, sau đó ông đến nhà thờ theo phái Nhất vị luận (Unitarian) tại 32 phố Washington - nơi Manjiro có thể ngồi cùng ông.

Sau đó, Manjiro ký được hợp đồng làm việc trên tàu đánh cá voi Franklin. Tàu Franklin đến Honolulu vào tháng 10-1847, nơi đây ông gặp lại bốn người bạn ngày xưa. Vì đang trong thời kỳ Nhật Bản bị cô lập nên không ai có thể quay về, lúc này hành vi rời khỏi đất nước có thể bị trừng phạt bằng cái chết khi quay về Nhật.

Khi thuyền trưởng của tàu Franklin mắc bệnh tâm thần và bị bỏ lại Manila, thủy thủ đoàn đã phải bầu một thuyền trưởng mới. Manjiro được bổ nhiệm làm người lái tàu, đưa tàu Franklin quay trở lại Massachusetts và cập bến vào tháng 9-1849.

Ngay sau đó, ông nhanh chóng lên đường tới California bằng tàu biển (một cung đường rất xa, gấp ba lần so với đường bộ cho dân đào vàng ngày xưa, đi bằng đường bộ sẽ rút ngắn hơn rất nhiều tuy nhiên có nhiều rủi ro và có thể bỏ mạng trên sa mạc mênh mông) vào thời sốt vàng California. Đến San Francisco vào tháng 5-1850, ông đi thuyền hơi nước lên sông Sacramento, sau đó đi vào vùng núi đào vàng. Trong vài tháng, ông kiếm được khoảng 600 đôla và quyết định tìm đường trở lại Nhật Bản.

 
 Bản đồ đánh dấu hành trình Manjiro báo cáo cho Mạc phủ, hiện trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo

 Manjiro ghé Honolulu. Hai trong số bốn người bạn cũ sẵn sàng đi cùng ông quay về Nhật Bản. Hai người còn lại một đã chết vì bệnh tim, một không dám quay về do sợ rủi ro mất mạng. Ông mua một chiếc tàu đánh cá voi, sau đó chất đầy những món quà từ người dân Honolulu rồi nhổ neo. Họ lên đường vào ngày 17-12-1850 và đến Okinawa ngày 2-2-1851. 

Cả ba nhanh chóng bị bắt giữ, mặc dù được đối xử lịch sự. Sau nhiều tháng thẩm vấn, họ được trả tự do ở Nagasaki và cuối cùng trở về nhà ở Tosa, nơi lãnh chúa Yamauchi Toyoshige trả lương hưu cho họ. Manjiro được giữ một chức quan nhỏ và trở thành một nguồn thông tin có giá trị vì những kiến thức và vốn liếng ngoại ngữ quý giá ông có được trong thời gian ở Mỹ.

Ông nội của tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt có sở hữu cổ phần của con tàu săn cá voi John Howland, con tàu đã giải cứu cậu bé Manjiro. Năm 1933, trong một bức thư gửi cho Toichiro Nakahama, con trai út của Manjiro, tổng thống Roosevelt đã viết: “Có thể bạn không biết rằng tôi là cháu trai của ông Warren Delano của Fairhaven, người từng là chủ sở hữu của con tàu đã đưa cha bạn đến Fairhaven. Khi tôi còn là một cậu bé, tôi nhớ rất rõ ông tôi đã kể cho tôi nghe về cậu bé người Nhật Bản đã đi học ở Fairhaven và thỉnh thoảng đi nhà thờ với gia đình Delano”. 

MỘT TRÍ TUỆ CỞI MỞ GẶP MỘT CHÍNH PHỦ CỞI MỞ

Tháng 9-1853, Manjiro được triệu tập đến Edo (nay là Tokyo), nơi chính quyền Mạc phủ thẩm vấn ông rồi phong làm hatamoto (một samurai phục vụ trực tiếp cho shogun). Đó là lúc nước Nhật vừa trải qua cơn chấn động đầu tiên: Tháng 7-1853, tướng Matthew Perry với đội tàu 4 chiếc của ông cập vịnh Tokyo, đòi thiết lập quan hệ kinh tế, chấm dứt 200 năm nước Nhật cô lập hoàn toàn với thế giới phương Tây.

Kể từ đó, ông chỉ trả lời phỏng vấn phục vụ chính phủ. Với chức vụ mới, ông được đeo hai thanh kiếm và cần có họ mới. Ông đã chọn Nakahama, theo tên quê hương ông. Ông giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chấp nhận các ý tưởng và công nghệ của Mỹ. (Một huyền thoại nữa là ông được coi là người giới thiệu chiếc cà vạt cho người Nhật).

Ông được ghi nhận công lao trong quá trình giúp đàm phán Hiệp ước Kanagawa (được ký kết giữa Phó đề đốc Matthew C. Perry của Hải quân Hoa Kỳ và Đế quốc Nhật Bản vào năm 1854, buộc Nhật Bản phải mở hai hải cảng Shimoda và Hakodate cho thương thuyền Hoa Kỳ vào buôn bán).

Manjiro biên soạn A Short Cut To English Conversation - cuốn sách sau đó trở thành một cẩm nang tiêu chuẩn về tiếng Anh thực tế vào thời điểm đó. Rồi ông trở thành giảng viên giảng dạy điều hướng và kỹ thuật tàu tại Trường Huấn luyện hải quân ở Yedo (nay là Tokyo). Chính phủ Nhật Bản đã hai lần cử Manjiro đi công tác ngoại giao ở Mỹ.

Năm 1860, Nakahama Manjiro tham gia công việc của Đại sứ quán Nhật Bản tại Hoa Kỳ. Ông được bổ nhiệm làm phiên dịch trên tàu Kanrin Maru - tàu chiến chạy bằng hơi nước đầu tiên của Nhật Bản, được mua từ Hà Lan. Do chính sách cô lập trước đây của Nhật Bản, thủy thủ đoàn có ít kinh nghiệm ngoài biển khơi, và trong một cơn bão, thuyền trưởng Katsu Kaishu, đô đốc Kimura, và phần lớn thủy thủ đoàn đã bị ốm. Manjiro được giao nhiệm vụ và đã đưa con tàu về cảng an toàn.

 Ảnh: Đoàn phái bộ Nhật Bản đến Mỹ năm 1860

 Năm 1861, Manjiro được lệnh tham gia cuộc thám hiểm của Mạc phủ đến quần đảo Bonin, ngày nay là quần đảo Ogasawara ở Thái Bình Dương, cách Tokyo chừng 1.000km về phía Nam. Ông đóng vai trò thông dịch viên. Manjiro đã ghi chép chi tiết chuyến đi của mình trong một báo cáo cho Mạc phủ Tokugawa. Văn bản này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Tokyo.

Năm 1870, trong chiến tranh Pháp - Phổ, Manjiro lúc đó đang nghiên cứu khoa học quân sự ở châu Âu. Ông trở về Nhật Bản nhưng phải đi vòng qua Hoa Kỳ, ông đã tận dụng cơ hội này để đi đường bộ đến Fairhaven (Massachusetts) thăm “cha nuôi” của mình là đại úy Whitfield.

Sau này, Manjiro trở thành giáo sư tại Đại học Hoàng gia Tokyo.

 
 Khung cảnh Tosa, quê hương của Manjiro, do Hiroshige vẽ, được lưu giữ tại Bảo tàng nghệ thuật Boston

 DI SẢN

Manjiro có công lớn vì đã sử dụng kiến thức học được về cách đóng tàu của phương Tây để góp phần vào mục tiêu xây dựng lực lượng hải quân hiện đại của Mạc phủ. Ông đã dịch cuốn Điều hướng thực hành (Practical navigator) của Nathaniel Bowditch sang tiếng Nhật.

Đây là một cuốn bách khoa toàn thư về điều hướng hàng hải lúc đó, với rất nhiều thông tin giá trị về hải dương học và khí tượng học cùng những thuật ngữ hàng hải Mỹ lúc đó. Ông dạy tiếng Anh, chiến thuật hải quân và cả kỹ thuật săn bắt cá voi. Ông được cho là đã đóng góp vào việc chế tạo Shohei Maru - tàu chiến kiểu nước ngoài đầu tiên của Nhật Bản.

Mặc dù vết thương chiến tranh giữa Nhật và Mỹ mất nhiều năm để hồi phục, nhưng cả người dân Fairhaven và người Nhật đều không quên quãng thời gian sống quan trọng của Manjiro tại Fairhaven vào những năm 1840. 

Mùa thu năm 1987, Ủy ban kết nghĩa Fairhaven/New Bedford và Tosashimizu được thành lập (sau đổi tên thành Hội hữu nghị Whitfield-Manjiro) để thúc đẩy hợp tác, hữu nghị và hòa bình giữa các thành phố này. 

Thái tử Akihito, hiện là cựu hoàng đế Nhật Bản, đã đến thăm Fairhaven vào thời điểm đó. Một bảo tàng tại nhà của đại úy Whitfield ở số 11 Phố Cherry được thành lập. Lễ hội Manjiro, do Hội hữu nghị Whitfield - Manjiro tài trợ, được tổ chức tại Fairhaven vào đầu tháng 10 của các năm lẻ.

Manjiro có lẽ là người Nhật Bản đầu tiên đi tàu hỏa, lái tàu hơi nước, làm sĩ quan trên tàu Mỹ và chỉ huy một chuyến đi xuyên Thái Bình Dương.

Tiểu hành tinh 4841 Manjiro được đặt theo tên của ông.

Nhiều cuốn sách đã được xuất bản về cuộc đời và hành trình của Manjiro như Heart of a Samurai của Margi Preus, Born in the Year of Courage của Emily Crofford, và Shipwrecked - Những cuộc phiêu lưu có thật của một cậu bé Nhật Bản của Rhoda Blumberg.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận